Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tết Trung thu - Nét đẹp Văn hóa truyền thống của người Việt
08:15 | 03/10/2017 Print   E-mail    

Không biết tự bao giờ, Tết Trung thu đã trở thành nét đẹp Văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, giữa mùa thu tiết trời mát mẻ, thích hợp cho các hoạt động lễ hội. Giá trị truyền thống thể hiện trong quan niệm của người Việt về Tết Trung thu là Tết của tình thân. Hàng năm, vào dịp Trung thu, người người, nhà nhà lại cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, với bánh trung thu, với chè sen thơm phức, với những tép bưởi ngọt dịu, cùng nhau chuyện trò. Ai nấy cũng đều vui vẻ, hạnh phúc trong ngày đoàn viên. Những tiếng trống múa lân, tiếng trẻ em nô đùa, cười vui vẻ, những món đồ chơi rực rỡ sắc màu ngập tràn phố phường, tất cả tạo nên một không khí đặc trưng Tết Trung thu của người Việt.

Tết Trung thu múa lân được nhiều trẻ em thích thú đón xem (ảnh: Trần Việt)

Có thể thấy rằng, những giá trị văn hoá truyền thống của Trung thu xưa vẫn được gìn giữ và ngày một phát huy. Theo thời gian, mọi người đón Tết Trung thu có khác đi nhưng ý nghĩa về sự đoàn viên, sum họp gia đình và chăm lo cho thiếu nhi vẫn còn nguyên giá trị. Bày tỏ tình yêu thương dành cho nhau là một điều đáng quý, nhất là trong các dịp lễ tết. Những câu chúc tốt đẹp, gửi gắm tấm chân tình dành cho người thân và người mình quý trọng như thầy cô, bạn bè; xa hơn nữa là đối tác, khách hàng… Tất cả đều thấm nhuần tinh thần “của cho không bằng cách cho” mà ông cha truyền dạy. Đó là nét đẹp của Tết Trung thu hiện đại, vẫn vẹn nguyên như thuở xưa.

Giá trị truyền thống của Tết Trung thu luôn được người Việt gìn giữ. Tết Trung thu là tết của tình thân, những thiên thần bé nhỏ được sự chuẩn bị, chăm sóc của người lớn. Trẻ em phá cỗ trông trăng và mơ màng về hình bóng chú Cuội dưới gốc cây đa nơi cung Hằng dịu dàng, yêu thương tràn ngập.  Đồ chơi Tết Trung thu thuở xa xưa chủ yếu là đèn ông sao, mặt nạ thú, trống ếch, trống bỏi, đèn kéo quân, đèn lồng…Cùng với ánh đèn ông sao mờ ảo, hương cốm, hương bưởi, hương ổi, hương hồng… ngọt ngào, thấm đẫm vào ánh trăng rằm vằng vặc, rong ruổi trong làn gió nhẹ đêm thu, ríu rít những bàn chân sáo đám trẻ thơ… là thế giới kỳ ảo muôn màu của các cháu bé, của ước vọng hòa bình. Thế giới ấy không chỉ lay động, xao xuyến tâm hồn con trẻ mà còn quyến rũ người lớn cùng ùa vào cuộc chơi.

Trung thu ngày nay, dù biết đã có rất nhiều thay đổi so với Trung thu xưa, nhưng ở thời đại nào đi nữa thì ngày rằm tháng 8 hàng năm vẫn là dịp để mọi người ôn lại những hồi ức đẹp của tuổi thơ. Đây là khoảng thời gian để cả gia đình có thể quây quần đầm ấm bên nhau thưởng thức món bánh trung thu truyền thống, nhấp một ngụm trà thơm để cuộc sống chậm đi đôi chút giữa một xã hội hiện đại phát triển. Người Việt Nam quan niệm Trung thu là tết của tình thân. Trung thu là dịp con cháu trở về cùng đoàn tụ với gia đình, biếu bậc sinh thành những hộp bánh Trung thu, một trong những biểu tượng đặc trưng của ngày này. Tết Trung Thu là một phong tục truyền thống rất có ý nghĩa đối với dân tộc ta. Đó là ý nghĩa của tình yêu thương, chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình bằng hữu, của đoàn tụ và của thương yêu. Cho nên chúng ta cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này chứ không nên để Tết Trung thu biến tướng thành Tết Trung Thu của sự mua tài lộc, cơ hội thăng quan tiến chức qua những món quà bánh Trung Thu mang đầy toan tính.

Trung thu mỗi thời mỗi đổi thay, tuy vậy giá trị tinh thần cốt lõi của ngày Tết đoàn viên vẫn được mọi người đề cao. Hãy trân trọng giá trị truyền thống của Tết Trung thu, hãy lưu giữ trong mỗi trái tim của chúng ta những mùa Trung thu đáng nhớ bằng những kí ức đẹp nhất. Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế của người dân được cải thiện, các gia đình, đoàn thể, cộng đồng đã có nhiều điều kiện hơn trong việc lo cho các cháu một cái Tết Trung thu thực sự đủ đầy. Vào dịp Tết Trung thu, trẻ em ở các thành phố, thị xã được bố mẹ mua cho quần áo đẹp và đồ chơi có giá trị, được thỏa thích phá cỗ với đầy đủ hoa quả, nước ngọt, bánh kẹo. Đối với các em nhỏ trong gia đình khá giả hơn còn được bố mẹ cho đi du lịch xa như là một món quà đặc biệt nhân dịp Tết Trung thu. Ở nông thôn, nhiều nơi trẻ em cũng không còn cảnh phải phá cỗ “chay” mà mâm cỗ Trung thu đã được người lớn, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm để có được sự đầy đủ hơn. Ở nhiều địa phương, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… cũng có nhiều cách mới tổ chức Tết Trung thu tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Tết Trung thu 2017 đang về với người Việt. Để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc và để mọi nơi, mọi nhà có một cái Tết Trung thu thật sự có ý nghĩa tươi vui, lành mạnh, mỗi địa phương trên cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động Tết Trung thu cho trẻ em tại địa phương đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả. Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi truyền thống sinh động, hấp dẫn để thu hút nhiều trẻ em tham gia, qua đó, nhằm giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Các địa phương cũng đang bố trí kinh phí, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để bảo đảm cho mọi trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo được vui Tết Trung thu./. 

Bài: Lê Ngân, BBT

 

 

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu