Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tình yêu biển đảo trên sân khấu nghệ thuật.
04:44 | 22/04/2014 Print   E-mail    


Thời gian gần đây, cụm từ biển đảo được nhắc đến khá nhiều trong các cuộc hội họp, trong các diễn đàn, báo cáo… Trên sân khấu, biển đảo cũng được thể hiện theo cách riêng của nghệ thuật. Biển đảo đi vào lời ca, tiếng hát; biển đảo được hình tượng hóa bằng những vũ điệu bay bổng, lãng mạn; tình yêu với biển đảo quê hương còn được gởi gắm qua những bài thơ, những câu chuyện kể…
 
 
Giữa màu xanh dịu dàng của biển, giữa những âm thanh như tiếng của trùng khơi, lúc náo nức vui cười, lúc sục sôi giận dữ, các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, Đoàn ca múa nhạc tỉnh đã mang đến một chương trình đậm sắc màu của biển. Chương trình gồm 12 tiết mục được dàn dựng công phu, hòa âm phối khí chuẩn mực và nhiều phong cách biểu diễn mới lạ, độc đáo khiến người xem hình dung một bức tranh biển được vẽ lên bằng âm nhạc, bằng vũ đạo đầy đủ và phong phú. Đó là một quá khứ oai hùng ở chốn địa ngục trần gian với Tiếng vọng Côn Sơn, với Bất khuất. Đó là một tiết mục múa Lính đảo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi các diễn viên múa khoác trên màu áo lính hải quân, những chiến sĩ ngày đêm thầm lặng bảo vệ Tổ quốc, vun trồng cho cuộc sống tốt tươi. Đó là một Mùa xuân DK được thể hiện theo phong cách hát Acapella. Chương trình của Đoàn ca múa nhạc tỉnh còn để lại trong lòng khán giả những ấn tượng khó phai bởi sự Rạo rực của đại dương với những nàng tiên cá đẹp lung linh, với những dạn san hô đầy màu sắc… Bức tranh về biển đó còn đẹp hơn với tiết mục múa Hè – Bốn mùa miêu tả một cuộc sống thanh bình, yên vui trên biển Vũng Tàu…
 
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ TP. Hồ Chí Minh nhận xét, chưa bao giờ cụm từ biển đảo lại được nhắc nhiều như thời gian gần đây. Mỗi người thể hiện tình yêu với biển đảo bằng những cách khác nhau và nghệ thuật cũng có cách thể hiện riêng của mình. Bằng lời ca, tiếng hát, bằng vũ đạo và ý tưởng dàn dựng các tiết mục, các chương trình đã toát lên tình yêu của nghệ sĩ với biển đảo quê hương. Đó chính là thông điệp, là những đóng góp thiết thực cho biển đảo mà văn nghệ sĩ làm được. Họ đã góp phần gửi đi những thông điệp về bảo vệ chủ quyền biển đảo, ca ngợi quê hương… đến mọi người. Cũng với tinh thần đó, Tổ quốc gọi tên mình do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai ra đời trong cuộc vận động sáng tác ca khúc về chủ đề biển đảo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (tháng 8-2011) cũng là một câu chuyện âm nhạc thú vị. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ: “Mỗi người Việt Nam đều nghĩ về Tổ quốc mình, nhưng với trái tim nhạy cảm của văn nghệ sĩ, mỗi suy nghĩ dễ bật ra thành một dòng thơ, một giai điệu. Khi tôi phổ nhạc cho bài thơ trên piano, tiếng gọi Tổ quốc lại tràn về mãnh liệt… Hoàn thành xong bài hát, nhiều người nghe đã khóc”. Sau này, ca khúc Tổ quốc gọi tên mình của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn được dàn dựng và thể hiện trọn vẹn hơn trên sân khấu các chương trình nghệ thuật tại Bà Rịa – Vũng Tàu như Quê hương tuổi 20; Khai hội Văn hóa – Du lịch tỉnh…
 
Có lẽ cụm từ biển đảo đã chạm đến trái tim của nhiều người, nên hầu hết các hội thi, hội diễn văn hóa nghệ thuật đều có tiết mục ca ngợi biển đảo. Đặc biệt năm nay, tại nhóm ca khúc hồng TP. Vũng Tàu, nhiều nhóm ca ở bậc tiểu học cũng mạnh dạn chọn những ca khúc có chủ đề này như: Em là chiến sĩ Điện Biên, Bố em là lính hải quân, Đây Trường Sa đây Hoàng Sa… Nhạc sĩ Thiên Toàn cho biết, các em hát về biển đảo quê hương bằng nét hồn nhiên, tươi trẻ khiến người nghe xúc động. Điều đó cho thấy rằng ngay cả những em nhỏ cũng có ý thức xây dựng hình ảnh của Tổ quốc, vun đắp cho tình yêu với biển đảo quê hương.
 
Cách đây không lâu, tại hội thi kể chuyện sách TP. Vũng Tàu, cậu bé Trương Thành Thái (đơn vị phường 5 – TP. Vũng Tàu) 14 tuổi đã khiến không ít người rơi nước mắt bởi câu chuyện cảm động của một lão ngư già luôn Đau đáu Hoàng Sa. Trương Thanh Thái cho biết: “Biển đảo là chủ đề nóng hổi trong thời gian gần đây. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Vì vậy, em cũng góp phần bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo bằng một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua câu chuyện Đau đáu Hoàng Sa, em muốn khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải ra sức bảo vệ biên cương Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
 
Bài, ảnh: Hoa Ha
BBT.
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu