Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Hát xẩm ở Vũng Tàu.
06:33 | 02/05/2014 Print   E-mail    

 
Nhiều người nghĩ rằng, muốn nghe hát xẩm phải ra Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa… Vậy mà, vài năm gần đây, hát xẩm đã trở nên thân quen khi nhiều nghệ sĩ từ miền Bắc đến Bà Rịa – Vũng Tàu sinh sống đã mang theo những bài hát xẩm đến đây phục vụ khán giả ở đây.
 
Cách đây 10 năm, nghệ nhân Nguyễn Thị Lương quê ở Bắc Ninh vào TP. Vũng Tàu sinh sống cùng con trai và tham gia nhiệt tình trong các CLB văn nghệ dành cho người cao tuổi như CLB Hải Đăng, CLB văn nghệ Thái Bình… Không chỉ yêu thích các làn điệu chèo, quan họ, bà Lương còn đem cả những bài hát xẩm đến biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật quần chúng của TP. Vũng Tàu. Thấy bà Lương hát xẩm hay, ai cũng mê. Nhưng hát xẩm không dễ, ít người hát được. Vì vậy, trong số những nghệ sĩ ở các CLB văn nghệ người cao tuổi tỉnh, thành phố chỉ có số ít nghệ sĩ sinh ra trên đất Bắc như: Quế Châu, Linh Nhâm, Nam Hải, Thảo Hà… có thể hát xẩm. Vậy là trong những buổi sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ ở TP. Vũng Tàu, khán giả không chỉ được nghe những nhiều làn điệu dân ca, chèo, quan họ mà cả những bài hát xẩm tưởng chừng xa lạ với người Nam bộ nay cũng trở nên gần gũi hơn. Với ca từ dân dã, mộc mạc, giai điệu gần gũi cùng với tiếng đàn nhị, tiếng cỗ phách, cặp sênh những bài hát xẩm như Lỡ bước sang ngang, Vui nhất hà thành, Mục hạ vô nhân, Anh khóa, Chân quê, Trăng sáng vườn chè, Lơ lửng con cá vàng... nghe da diết, day dứt, thấm sâu vào lòng người.
 
 
Với mong muốn gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật hát xẩm – bộ môn đang được Bộ VHTTDL đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hàng chục năm qua nghệ nhân Nguyễn Thị Lương đã dành hết thời gian và tâm huyết để nghiên cứu và hát xẩm. Biết hát xẩm nhưng chưa biết chơi nhạc cụ, bà lại tầm sư học đạo, tìm gặp được vợ chồng Nhạc sĩ Văn Hoàn và NSƯT Minh Chính (Đoàn Ca múa nhạc tỉnh) để học đàn nhị. Sau 1 năm miệt mài học tập, bây giờ bà Lương không chỉ hát xẩm hay mà kéo đàn nhị cũng rất khéo. Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lương, hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, ra đời đã hơn 700 năm. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội.
 
Nhạc sĩ Văn Hoàn cho biết, xẩm có nhiều làn điệu xẩm xoan, xẩm chợ, xẩm huê tình… Dung lượng lời ca bài xẩm thường khá dài, mang đậm phong cách hát kể chuyện. Bởi trong môi trường diễn xướng hỗn tạp đông người nơi đầu chợ, bến đò, góc phố.. sự “dài hơi” của những bài ca là điều cần thiết. Nổi tiếng nhất của xẩm có lẽ là điệu xẩm thập ân, kể về công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, từ lúc phôi thai, mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn cho đến lúc trưởng thành như thế nào... Với tính chất da diết, xoáy sâu vào lòng người, xẩm thập ân được xem như làn điệu đặc trưng nhất của nghệ thuật xẩm. Từ môi trường diễn xướng là hát rong, xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật chuyên biệt. Những người hát xẩm – họ là những nghệ sĩ chân chính, làm đẹp cho đời và kiếm sống bằng chính tài năng nghệ thuật của mình. Vì thế, ngày nay, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, khán giả không chỉ được nghe những nghệ nhân trong các CLB người cao tuổi hát xẩm trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, biểu diễn trong một vài chương trình nhỏ mà ngay trong những chương trình nghệ thuật quần chúng lớn, hát xẩm cũng trở thành nét độc đáo riêng có. Còn nhớ, trong chương trình văn nghệ do Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro tổ chức, chị Trâm Anh, nhân viên Vietsovpetro biểu diễn tiết mục hát xẩm Trăng sáng vườn chè và giành giải nhất tại hội diễn này. Từ đó, hát xẩm đã bắt đầu tạo được tiếng vang, sự lan tỏa mạnh mẽ, chinh phục khán giả Vũng Tàu. “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức một chương trình biểu diễn riêng về loại hình nghệ thuật hát xẩm để phục vụ người dân địa phương và du khách khi đến TP. Vũng Tàu”, nhạc sĩ Văn Hoàn chia sẻ.

Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu