Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Nét đẹp của tinh thần cộng đồng tại Nhà Lớn Long Sơn.
10:46 | 17/04/2014 Print   E-mail    

 

 
Trải qua 7 đời, con cháu ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, 1855 – 1935) vẫn giữ được lối sống mộc mạc, giản dị, giàu tình người. Tinh thần vì cộng đồng làm nên nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân xã đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu) giữa cuộc sống tấp nập, xô bồ.
 
 
 
Đến Nhà Lớn Long Sơn, ngoài được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của quần thể di tích bằng gỗ và các hiện vật quý hiếm có niên đại hàng trăm năm như: bộ bàn ghế bát tiên (khắc hình tám vị ông tiên, được cẩn hoa cương và xà cừ), bộ tủ cẩn xà cừ, những câu đối, bức hoành phi, liễn… du khách còn có dịp tìm hiểu về cuộc sống cộng đồng của người dân tại Nhà Lớn.
 
Các bậc cao niên ở đây kể, đạo ông Trần không hề ép buộc, gò bó theo một khuôn mẫu nhất định nào, chủ yếu dạy cho con người về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… và cứ thế truyền từ đời này qua đời khác. Vì thế, không ai bảo ai, người dân Long Sơn, từ già, trẻ, gái, trai đều tự nguyện đến giúp việc cho Nhà Lớn. Người dân Long Sơn quanh năm làm việc bên ruộng muối, nương rẫy, đánh bắt cá… nhưng họ vẫn sắp xếp công việc, dành thời gian đến phụ việc cho Nhà Lớn. Sự chung tay, góp sức lo việc chung cho Nhà Lớn của người dân thể hiện tinh thần vì cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Chính (55 tuổi, ngụ tại thôn 10, xã Long Sơn, cháu dâu đời thứ 4 của ông Trần) cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ dạy về đạo làm người của ông Trần nên mấy chục năm qua, tôi tranh thủ thời gian đến lo việc chung cho Nhà Lớn”.
 
Không riêng gì hậu duệ của ông Trần, mà bà con bá tánh sinh sống tại xã Long Sơn đều tự nguyện làm công quả tại Nhà Lớn Long Sơn mà không hề màng đến lợi ích cá nhân. Dù ngày thường hay vào dịp lễ, tết, người dân Long Sơn quây quần bên nhau, vừa chuyện trò vừa giúp việc cho Nhà Lớn. Người gói bánh, làm mứt, nấu cơm, có người quét dọn, người thắp hương, người thì tiếp khách… tạo nên không khí nhộn nhịp mà đầm ấm tình người. Bà Phạm Thị Hết (thôn 1, xã Long Sơn) cho biết, theo truyền thống, 5 đời họ hàng, gia đình bà đều đến phụ giúp việc cho Nhà Lớn. Mấy chục năm nay, việc gói bánh tét, chặt củi, nấu ăn, rửa chén… bà Hết đều tích cực làm mà không nề hà gì. “Vào ngày lễ Vía Ông (20 – 2 âm lịch), lễ Trùng Cửu (9 – 9), Tết Nguyên đán, lượng khách thập phương đến rất đông nên công việc bếp núc của chúng tôi tất bật, vất vả hơn. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng làm chu đáo để kỉnh (cúng) và thiết đãi du khách” – bà Hết nói.
 
Tại Nhà Lớn, bất kể ngày mưa hay nắng, ngày nào cũng có 7 người, gọi là “Hầu phiên” và “Vô phiên” được cắt cử chuyên chăm lo việc cúng cơm, thắp hương và tiếp đón du khách. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hằng ngày, ông Nguyễn Văn Hai (81 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Long Sơn, hương chức trông coi Nhà Lớn Long Sơn) vẫn đều đặn đến Nhà Lớn làm các công việc như: thắp hương, trông coi hoặc giới thiệu cho du khách về kiến trúc và những vật dụng được lưu giữ tại đây. Ông Hai kể, tuỳ theo công việc tại Nhà Lớn, có khi ông có mặt tại Nhà Lớn từ 20-22 ngày/tháng. “Tôi không phải là con cháu ông Trần nhưng đến sinh hoạt tại Nhà Lớn đã mấy chục năm qua. Và 12 năm nay, tôi đến trông coi Nhà Lớn với mong muốn góp công sức nhỏ bé của mình nhằm giữ gìn truyền thống mà ông Trần đã truyền dạy từ mấy đời nay” - ông Nguyễn Văn Hai nói.
 
Bà Lê Thị Kiềm, hậu duệ đời thứ 4 của ông Trần cho biết: Ngoài tiền người dân và du khách đóng góp, hằng năm, bà con nông dân tỉnh Tiền Giang còn góp gạo (mỗi năm từ 1.200 đến 1.600 giạ) cho Nhà Lớn. Nhà Lớn dùng số gạo đó để hỗ trợ người dân nghèo trong xã và phục vụ bá tánh thập phương khi tham quan. Được biết, khách đến thăm Nhà Lớn, nếu có nhu cầu, nhà Lớn sẽ bố trí chỗ nghỉ và phục vụ cơm miễn phí. Vào những ngày thứ 7, chủ nhật, có từ 400 – 500 khách đăng ký ăn miễn phí; còn các ngày lễ: Vía Ông, Trùng Cửu, Nhà Lớn phục vụ việc ăn, nghỉ miễn phí cho hàng ngàn lượt khách. Ngoài ra, với tinh thần tương thân tương ái, Nhà Lớn cũng huy động người dân Long Sơn góp khoảng 25 tấn muối, cá/năm cho người dân Tiền Giang; đồng thời đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho những người nghèo trong xã Long Sơn.
 
Có thể khẳng định, Nhà Lớn Long Sơn điển hình cho nếp sinh hoạt quần cư - một nếp văn hoá cổ của người dân ta khi xưa. Ngoài ra, còn thể hiện tính đoàn kết, vì cộng đồng, thấm đẫm triết lý nhân văn sâu sắc của đạo ông Trần. Vì vậy, cùng với kiến trúc cổ của Nhà Lớn thì nếp sinh hoạt cộng đồng tại đây cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

 

Bài, ảnh: Nguyệt Cát

BBT.

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu