Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin trong nước Tin trong nước
Chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm từ chim yến
10:34 | 03/05/2013 Print   E-mail    


Theo thông báo của bộ y tế bệnh cúm A (H7N9) đang xảy ra tại Trung Quốc có những diễn biến rất phức tạp, từ cuối tháng 2/2013 đến ngày 2/5/ 2013 đã có 136 người bị nhiễm cúm A (H7N9), trong đó 26 người đã chết (tỷ lệ tử vong 20%). Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi chủng vi-rút này là “một trong những mối nguy hiểm chết người đáng chú ý nhất” và cho biết chúng lây lan dễ dàng hơn so với chủng cúm gia cầm trước đây đã khiến hàng trăm người tử vong trên toàn thế giới vào năm 2013. Trong nước tình hình cúm A (H5N1) đang diễn ra phức tạp tại một số địa phương giáp ranh với biên giới Camphuchia, trong khi đó tình hình vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đang là nguy cơ lớn nhất của việc lây nhiễm dịch cúm gia cầm.
Bệnh cúm A/H5N1 không chỉ gây bệnh trên gia cầm, thủy cầm mà vi rút này còn gây bệnh trên nhiều loài động vật khác, đặc biệt là các loài chim hoang dã, chim di cư, chim nuôi. Một số đàn chim yến nuôi tại Ninh Thuận bị phát hiện dương tính với vi rút cúm A/H5N1 đã và đang gây nhiều lo lắng trong dư luận. Điều nguy hiểm nhất là mức độ lây lan, khả năng phòng chống bệnh đối với loại động vật này rất khó khăn vì đó là loài chim bay, phát tán mầm bệnh đi xa, khó kiểm soát, khó dập dịch hơn loài gia cầm nuôi nhốt dưới mặt đất. Đây là một thách thức lớn đối với công tác phòng chống dịch hiện nay.
Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh cúm gia cầm lây từ chim yến sang người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo: Đối với đàn chim yến phát hiện mắc bệnh cúm gia cầm thì tổ chức ngay việc công bố dịch, đồng thời tiêu hủy theo quy định của pháp luật và vệ sinh khử khuẩn tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; phổ biến tuyên truyền sâu rộng cho người dân trong khu vực các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây sang người và các động vật khác. Đối với đàn chim yến chưa mắc bệnh cúm gia cầm, cơ sở nuôi chim yến phải thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của đàn chim yến. Nếu có trường hợp khác thường, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để xử lý kịp thời.
Người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín và đã được kiểm dịch
 
Trên địa bàn thành phố Vũng Tàu có nhiều hộ nuôi chim yến, tuy nhiên đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào nghi bị mắc bệnh cúm gia cầm. Tuy vậy, người dân không được phép chủ quan, lơ là vì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Đối với các hộ nuôi chim yến phải thực hiện tốt công tác giam sát như nói trên; còn đối với cộng đồng dân cư, cần thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm nói chung lây sang người theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống: Thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch (trước khi ăn, trước khi chế biến và nấu ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm và sau khi đi vệ sinh); Che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng tay khi ho và hắt hơi, sau đó rửa tay bằng xà bông; Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc gia cầm chết; nên mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín và đã được kiểm dịch. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng; có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; Tăng cường luyện tập thể dục thể thao; giữ ấm cơ thể. Đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để khám và điều trị khi có hiện tượng như sốt cao trên 38oC, ho, đau ngực, khó thở, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi sau khi tiếp xúc với gia cầm. Đối với những hộ có nuôi gia cầm cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với gia cầm khi chăn nuôi tại hộ gia đình, khi phải tiếp xúc thì phải mang bảo hộ cá nhân đầy đủ: Quần áo, khẩu trang, nón, kính, găng tay, ủng… Phát hiện sớm và thông báo cho cán bộ thú y khi thấy gia cầm ốm và chết.
 
Trong vòng 8 năm trở lại đây, dịch cúm A/H5N1 đã lưu hành tại Việt Nam, hầu như năm nào cũng phát hiện dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, thủy cầm. Mối nguy hiểm lớn nhất của dịch cúm này là đàn gia cầm, thủy cầm mang virus nhưng lại không có biểu hiện bệnh; chỉ đến khi vật nuôi chết nhiều hay có những biểu hiện ra bên ngoài thì lúc đó dịch đã bùng phát, vì vậy bệnh dịch rất dễ lây lan sang người. Hiện nay, tính chất lây truyền virus từ người sang người vẫn đang được nghiên cứu. Chính vì vậy, mỗi người dân hãy tự nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình bằng những biện pháp mà bộ y tế đã khuyến cáo để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm.
                                                                                                          Bài, ảnh Dung Đoàn
                                                                                                        BBT.
 
 
 
 
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu