Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin trong nước Tin trong nước
Kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố Vũng Tàu, những trận đánh làm nên lịch sử
05:15 | 25/04/2013 Print   E-mail    

          Cách đây 38 năm, vào mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã ghi một chiến công vĩ đại nhất, đánh dấu một mốc son chói lọi trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc: sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy nhân dân ta đã quét sạch toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với nhân dân cả nước, quân và dân dân địa phương đã tiến công, nổi dậy và giải phóng Vũng Tàu ghi dấu vàng son vào trang lịch sử vẻ vang của thành phố bằng những trận đánh nảy lửa tại cầu cầu Cỏ May, Phước Thành và khách sạn Palace.

         Ngày 28/4/1975, các đơn vị thuộc sư đoàn 3 Sao Vàng chia làm hai mũi tiến về Vũng Tàu, tiêu diệt những cụm phòng thủ cuối cùng của địch ở miền Đông: mũi chính thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 2 đánh thẳng vào tuyến phòng ngự cầu Cỏ May, mũi thứ hai vượt sông Cửa Lấp tiến công Trại Nhái, Bãi sau, khu Chí Linh và núi Nhỏ. Đêm 28 rạng sáng ngày 29/4/1975, A32 đặc công nước, trực thuộc Thị đội Vũng Tàu từ Gò Găng (Long Sơn) vượt sông Dinh đánh sang cầu Rạch Bà hình thành mũi thứ ba tiến công vào lực lượng địch tại Vũng Tàu.
 
Cầu Cỏ May ngày nay
 
           Vào 3 giờ sáng ngày 29/4/1975, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2, Sư đoàn Sao Vàng, gọi tắt là E2-F3) Lê Đình Như truyền lệnh cho hai đại đội hỏa lực ĐKZ vượt sông Cỏ May tiến công đánh chiếm Vũng Tàu. Bộ đội vào được Bãi Sú thì trời sáng, bị địch phát hiện và tung quân phản kích. Xe tăng, xe bọc thép của địch từ các ụ ngầm tránh pháo nã đạn 12 ly 7 vào đội hình của Tiểu đoàn 3 và bắn xối xả xuống mặt sông. Đại đội thứ ba của Tiểu đoàn 3 vẫn không vượt được sông. Đến trưa ngày 29/4 trung đoàn 12 (thuộc sư đoàn Sao Vàng), tiêu diệt chốt phòng ngự Phước Thành khiến binh lính ngụy ở tuyến phòng ngự cầu Cỏ May hoang mang, dao động. Tranh thủ thời cơ đó, 65 chiến sĩ của tiểu đoàn 3 mở đợt tấn công dũng cảm, quyết liệt và chiếm được phần đầu cầu phía nam. Sau đó tuyến phòng thủ của địch ở cầu Cỏ May bị tiêu diệt.
 
           Tại hướng Cửa Lấp, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng chiếm lĩnh Trại Nhái sau đó tiến công Phước Thành và chi viện cho cầu Cỏ May, cô lập tuyến phòng thủ Cỏ May – Cây Khế. Sau đó các chiến sĩ Đại đội 62 (tiểu đoàn 6) phối hợp với các đơn vị ở hướng cầu Cỏ May tiêu diệt hàng ngàn tên địch.
 
Hinh 1
Khách sạn Palace ngày nay
 
           Trận đánh kéo dài, quyết liệt nhất ở trung tâm Vũng Tàu là trận đánh vào khách sạn Palace. Đây cũng là trận đánh sau cùng của chiến dịch giải phóng Vũng Tàu. Những tên địch thất trận từ hai trận đánh trước đã co cụm ở đây từ đêm 29/4/1975 để tìm đường rút chạy ra biển. Mờ sáng 30/4/1975, Đại đội 61, Tiểu đoàn 6 vây bắt sống một toán quân địch trên xe tăng và 4 xe GMC từ bãi biển chạy về khách sạn Palace. Trong khách sạn có khoảng 450 sĩ quan và binh lính. Chúng nhốt dân tị nạn ở tầng dưới làm lá chắn và cố thủ ở các tầng trên. Từ các cửa sổ, địch bắn trả vào quân ta làm nhiều chiến sĩ bị thương. 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại Sài Gòn nhưng bọn địch ở khách sạn Palace vẫn điên cuồng chống trả. Tiểu đoàn 6 dùng hỏa lực bắn áp đảo liên tục 30 phút vào các tầng lầu, dùng bộc phá phá cửa tầng dưới đưa đồng bào ra ngoài, sau đó luồn xuống phía Tây Nam từ các hẻm của khu dân cư đánh vào bên sườn khách sạn. Một mũi khác được thanh niên địa phương dẫn đường đã đưa hỏa lực lên chiếm lĩnh sườn Núi Nhỏ; nã đại liên, B40, B41 và ĐKZ vào các cửa sổ tiêu diệt địch. Bọn chúng đành phải kéo cờ trắng ra hàng, trong đó có trên 300 tên sĩ quan. Còn lại là binh lính cúi đầu, giơ tay bước ra khỏi khách sạn. 13 giờ 30 phút ngày 30/4/1975  Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.
 
Bạch Dinh
Di tích lịch sử Bạch Dinh
 
               Phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, trong suốt 38 năm xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Vũng Tàu luôn cần cù lao động, không ngừng nỗ lực kiến thiết, từng bước làm thay da đổi thịt bộ mặt thành phố. Đến nay, 100% tuyến đường giao thông chính của TP.Vũng Tàu đã bê tông nhựa hóa. Trong đó, tuyến đường Hạ Long- Quang Trung- Trần Phú chạy dọc Bãi Trước được Bộ Giao thông Vận tải công nhận “đường đẹp nhất Việt Nam”. Hơn 90% ngõ hẽm được xây sửa, nâng cấp khang trang bằng phương thức “nhà nước, nhân dân cùng làm”. Tổng sản phẩm nội địa (không tính dầu khí) tăng bình quân hàng năm 22,6%. Thu nhập bình quân đầu người (không tính dầu khí) đạt 6.060 USD/người/năm. Phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 7.690 USD/người/năm. Chỉ tính riêng quý I/2013,  doanh thu thương mại, dịch vụ đạt 14.650 tỉ đồng, giá trị sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đạt 1.480 tỉ đồng, sản xuất ngư nghiệp đạt 480 tỉ đồng, Sản lượng khai thác Hải sản đạt 162.000 tấn....Cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn thành phố không ngừng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao ... cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
            Đảng bộ và nhân dân thành phố Vũng Tàu sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, cùng với những kinh nghiệm lịch sử quý báu để xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng thành phố Vũng Tàu xứng đáng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. (thành phố biển xinh đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng).
                                                                                               Bài ,ảnh Dung Đoàn
                                                                                                          BBT.

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu