Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin trong nước Tin trong nước
Kỷ niệm 59 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2013): còn mãi một trận đánh huyền thoại
08:03 | 02/05/2013 Print   E-mail    

           

59 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, mà trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
              Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi phía Bắc, là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân Pháp đã lấy địa bàn này làm chiến lược cơ động. Lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh gồm 40 khẩu pháo, 01 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và 01 phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. Tám cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng ở ngay giữa Mường Thanh.
           
Ảnh minh họa
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo bàn kế hoạch tác chiến
Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ
           
             Ngày 13/3/1954, ta nổ súng tiến công tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, bao gồm các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Ngày 13/3/1954, các Trung đoàn 141 và 209 (Đại đoàn 312) đã tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam; ngày 14/3/1954, các Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) và 165 (Đại đoàn 312) đã tiêu diệt cụm cứ điểm Độc Lập; ngày 17/3/1954, kết hợp tiến công với lực lượng địch phản chiến, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) làm chủ cứ điểm bản Kéo. Sau 5 ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt gọn 2 cứ điểm kiên cố vào bậc nhất của địch là Him Lam và Độc Lập, sau đó làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch và tiêu diệt tiểu đoàn Bản Kéo, ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, 26 máy bay bị phá hủy, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
                                                                                                                                                                                                               
Ảnh minh họa
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ

           17 giờ 30 phút ngày 30/3/1954, ta mở đợt tấn công thứ hai tại đồi A1. Cuộc chiến trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Hai bên giằng co từng tấc đất. Đến ngày 04/4/1954 mỗi bên chiếm giữ một nửa đồi. Đánh vào khu Đông ta diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm. Trước tình hình đó, quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ chi viện cho thực dân Pháp gần 100 máy bay oanh tạc chiến đấu và gần 50 máy bay vận tải đồng thời tổ chức diễn tập “đổ bộ ồ ạt vào Đông Dương”.
 
           Đêm 01/5/1954 ta mở đợt tấn công thứ 3, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại phía đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của kẻ địch. Đêm 3/5/1954, bộ đội ta chỉ cách Sở chỉ huy của địch 300 mét. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch. Tướng Đờcáttơri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin đầu hàng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
 
Lá cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờcáttơri
 
             Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Chiến thắng này góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội, lực lượng vũ trang, nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em và bạn bè quốc tế.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – biểu tượng sáng ngời của trí tuệ Việt Nam
 
             Kỷ niệm 59 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng ta và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Sự đổi thay kỳ diệu của đất nước trong hòa bình, đặc biệt trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, nhắc nhở mọi người phải ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, anh. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, song tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống "quyết chiến, quyết thắng" không ngừng được phát huy, công cuộc đổi mới đất nước sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn.
 
Bài,ảnh (sưu tầm) Dung Đoàn
     BBT.
           

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu