Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin trong nước Tin trong nước
Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9) trên người
04:32 | 07/05/2013 Print   E-mail    

 

           Xuất hiện từ cuối tháng 2/2013 tại Trung Quốc, nhưng đến nay bệnh dịch cúm do virut H7N9 gây ra cho con người vẫn còn là một bí ẩn với các chuyên gia y tế khi chưa thể xác định được cách thức loại virus này lây nhiễm cho con người. 15 chuyên gia y tế hàng đầu của WHO được cử tới Trung Quốc để điều tra dịch tễ các khu vực ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9 tại Thượng Hải và Bắc Kinh nhưng đến nay vẫn chưa lý giải được vì sao con người có thể bị nhiễm H7N9. Tuy nhiên, các kết quả phân tích gene cho thấy, loại virus mới mẻ này có những biến đổi để có thể phát triển trên các loài động vật có vú, bao gồm cả con người. Cụ thể, virus H7N9 có khả năng bám dính vào các tế bào và phát triển được trong môi trường nhiệt độ cơ thể bình thường của động vật, vốn thấp hơn so với các loài gia cầm. Cho đến nay, các chuyên gia WHO đang chạy đua với thời gian để nghiên cứu cơ chế lây truyền từ gia cầm, động vật sang người cũng như từ người sang người của virus H7N9. Thế nhưng, một khi chưa tìm ra được nguyên nhân lây bệnh, việc kiểm soát để virus này không gây nên một đại dịch có quy mô lớn hơn là không hề dễ dàng. 
 
http://xmedia.nguoiduatin.vn/public/data/images/huebt/2012/thang3/tuan5/xh/nguoiduatin-81.JPG
Chọn mua các sản phẩm gia cầm sạch nguồn gốc rõ ràng
là biện pháp tốt nhất để phòng chống dịch cúm gia cầm
 
              Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A (H7N9) trên người. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay nước ta đã ghi nhận 3 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1). Đáng chú ý hiện nay có một số ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại Đồng Tháp và chim yến tại Ninh Thuận. Vì vậy, số trường hợp mắc bệnh trên người có thể sẽ tiếp tục gia tăng do các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm, chim vẫn xảy ra rải rác; việc xử lý triệt để ổ dịch ở các loài chim là khó khăn.
 
             Trước tình hình trên, để phòng chống cúm A(H7N9) có hiệu quả, Bộ Y tế đã phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời không để lây lan sang người; tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường năng lực xét nghiệm xác dịnh bệnh cúm A (H7N9), giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh trên người. Đồng thời, thiếp lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng điều trị bệnh nhân; tăng cường năng lực, trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về phác đồ điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H7N9) ở người; tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; phối hợp với các bộ ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; quản lý mua bán gia cầm.
 
                Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh vừa có công văn giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai, thực hiện nội dung công điện số 1884/CĐ-BYT của Bộ Y tế về việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm A (H7N9). Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các sở, ngành có liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm; đẩy mạnh các hoạt động quản lý, mua bán gia cầm nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Sở NNPTNT tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, trong đó có nguyên nhân từ cúm A (H7N9), kịp thời thông báo cho ngành y tế khi có dịch trên gia cầm và xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan…
 
https://encrypted-tbn1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTNsSha05IP8aJnMowHXJ_RS2nyfmG_C4DFk3_kdZuQh_965LFQ
Vệ sinh cá nhân hàng ngày giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cúm
 
                Đối với người dân, để đề phòng dịch cúm A (H7N9) cũng như cúm A/H5N1, H1N1, mỗi người dân nên vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống hàng ngày theo khuyến cáo của Bộ y tế như: Thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch (trước khi ăn, trước khi chế biến và nấu ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm và sau khi đi vệ sinh); Che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng tay khi ho và hắt hơi, sau đó rửa tay bằng xà bông; Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc gia cầm chết; nên mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín và đã được kiểm dịch. Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng; có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; Tăng cường luyện tập thể dục thể thao; giữ ấm cơ thể. Đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để khám và điều trị khi có hiện tượng như sốt cao trên 38oC, ho, đau ngực, khó thở, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi sau khi tiếp xúc với gia cầm.
 
              Trong khi H7N9 vẫn đang thách thức con người thì sự đề phòng, tự bảo vệ của mỗi người dân bằng cách thực hiện tốt các khuyến cáo của chuyên gia y tế sẽ là biện pháp cần thiết giúp đẩy lùi một đại dịch có nguy cơ đến gần.
                                                                                                             Bài, ảnhDung Đoàn
                                                                                                             BBT.

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu