Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin từ các đơn vị Thông tin từ các đơn vị
“Bàn về hạn mức đất nông nghiệp đối với hộ gia đình và cá nhân trong dự thảo sửa đổi Luật đất đai 2003 để góp phần hoàn thiện chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn”
03:48 | 17/04/2013 Print   E-mail    

 

“Bàn về hạn mức đất nông nghiệp đối với hộ gia đình và cá nhân trong dự thảo sửa đổi Luật đất đai 2003 để góp phần hoàn thiện chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn”
 
               Giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân là một nội dung cơ bản, trọng tâm xây dựng nên chế định pháp lý về đất nông nghiệp. Vì vậy, việc sửa đổi hoàn thiện Luật Đất đai năm 2003 nói chung cũng như chế định pháp lý về đất nông nghiệp nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần đổi mới và hoàn thiện chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, theo hướng thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo tinh thần nghị quyết số 26/NQ.TU ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành TW Đảng, khóa X.
 
             Và chính sách giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng được thể hiện cụ thể ở các quy định về đối tượng giao đất, thời hạn giao đất và hạn mức đất nông nghiệp.
 
           Bàn riêng về hạn mức đất nông nghiệp hay còn gọi là hạn điền thì đây  là một vấn đề không mới trong lịch sử quan hệ ruộng đất ở Việt Nam trong lịch sử cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và nó còn xuất phát từ cơ sở lý luận dựa trên quy luật vận động tự nhiên của đất đai, đó là tính có hạn mà độ mầu mỡ đất đai thì ngày càng giảm sút.
 
             Nhìn lại quá trình xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, nghị quyết 10/NQ-TW ngày 5/4/1988 của Bộ chính trị, khóa VI quyết định giao quyền tự chủ ruộng đất cho hộ nông dân và tự do lưu thông nông sản hàng hóa (khoán 10) đã tạo một cú hích lịch sử, sản lượng lúa tăng vọt 2 triệu tấn/năm, nạn đói kinh niên cơ bản trước đó được chấm dứt. Từ năm 1988 đến nay sản lượng lúa liên tục tăng 5 % /năm. Năm 2011, Việt Nam đạt sản lượng thóc 43,323 triệu, xuất khẩu trên 7 triệu tấn dẫn đầu thế giới.
 
             Tuy nhiên một thực trạng không thể phủ nhận là mặt dù là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng Việt Nam cũng là nước có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp nhất thế giới, và tình trạng quá manh mún về đất đai. Điều này là một cản trở lớn làm hạn chế sức sản xuất và phát triển nông nghiệp hàng hóa, phân công lại lao động nông thôn.
 
           Tình trạng manh mún đất đai, tiểu nông này được minh chứng bằng số liệu thống kê đất đai năm 2001: toàn quốc có 101.180.085 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa chỉ có 4.127.781 ha, chiếm 4,07 % và mỗi năm cả nước mất đi bình quân 74.000 ha đất nông nghiệp. Với 12,6 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ có 2,2 lao động đã chỉ canh tác trên diện tích từ 0,4-1,2 ha. Thống kê chỉ ra số hộ có diện tích dưới 0,5 ha chiếm tới 61,2 %. Nhiều nơi đồng bằng sông hồng và miền trung chỉ có 0,3 ha/hộ. Số hộ tập trung ruộng đất để phát triển trang trại chỉ khoảng 3 %.
 
            Hiện có khá nhiều quan điểm, ý kiến sửa đổi, bổ sung về vấn đề hạn mức đất nông nghiệp trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Đặc biệt là về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc dồn điền, đổi thửa để giảm sự manh mún về đất đai phải dựa trên nguyên tắc thị trường. Có ý kiến đề nghị bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất để đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất.
Trong lịch sử chế độ sở hữu ruộng đất nước ta và tham khảo pháp luật các nước thì ngay cả các nước thừa nhận nhiều hình thức sở hữu về đất đai, trong đó có hình thức sở hữu tư nhân về đất đai thì vẫn ban hành quy định về hạn điền. Hạn điền được xem là một trong những biện pháp cần thiết để củng cố chế độ sở hữu nhà nước đối với đất đai.
 
             Tuy nhiên, việc chuyển nhượng QSDĐ, tích tụ và tập trung ruộng đất cũng là một hiện tượng tất yếu trong qúa trình phát triển nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa lớn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lao động xã hội. Nhưng quá trình tích tụ và tập trung này không phải là vô hạn, mà phải có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ của nhà nước chứ không thể tự phát dẫn đến nguy cơ làm cho nông dân mất ruộng, trở thành bần cùng hóa.
 
            Như vậy, cho thấy hạn mức đất nông nghiệp là quy định pháp lý vừa thể hiện là sự thừa nhận tính tất yếu của quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất vừa thể hiện là sự giới hạn mà nhà nước đặt ra đối với hoạt động này. Nhằm đảm bảo sự công bằng, hợp lý trong phân phối đất đai, giảm thiểu phân hóa giàu - nghèo và để ổn định trật tự xã hội.
 
           Dân số nông thôn Việt Nam hiện có 59,951 triệu, chiếm 68,2% dân số Việt Nam. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của BCH TW Đảng (khóa X) cũng đã xác định cần sửa đổi Luật đất đai theo hướng mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai. Quan điểm này được tiếp tục khẳng định mở rộng thêm bằng Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 3/10/2012 của BCH TW khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai là “ tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành …Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sảm xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp …” .
 
             Và vấn đề đặt ra là quy định hạn mức đất nông nghiệp sao cho hợp lý. Thống kê hiện nay cả nước có 20.000 trang trại thì hơn 81 % số chủ trang trại, nhất là vùng sản xuất hàng hóa như đồng bằng sông Cửu Long bức xúc về hạn điền.
 
             Điều 124 - dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 quy định hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3 ha ( đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long ); hạn mức giao đất trồng cây lâu năm là 10 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng. Quy định này không thay đổi so với điều 70 – Luật Đất đai 2003 và hạn mức này là quá nhỏ, không hợp lý, gây khó khăn cho viêc tích tụ, tập trung ruộng đất, cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp đã khiến nhiều hộ gia đình, cá nhân ứng phó chính sách bằng cách tách thành các hộ nhỏ, hoặc lách luật thông qua những hợp đồng thuê lại đất vượt hạn mức đất được giao v.v... Và chính điều này không khuyến khích được việc mở rộng quy mô, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hoặc các mô hình hợp tác, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hiện đại, năng xuất, chất lượng cao và hiệu qủa. 
 
            Việc quy định hạn mức giao đất nông nghiệp cụ thể như thế nào hiện rất cần phải dựa vào kết qủa điều tra xã hội học về nông nghiệp, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xu thế và dự báo cơ cấu xã hội và phải được quy định cụ thể theo loại đất và từng phân vùng, mà trong đó trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Cửu Long; Tây nguyên và vùng Đông Nam bộ.
 
Bài Vũ Quốc Tuấn
T.PTNMT-TPVT
BBT.
                                                                                                                                                                                           
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu