Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Thực trạng phân hóa giàu nghèo ở nước ta hiện nay
03:56 | 16/04/2015 Print   E-mail    

 

Phân hóa giàu nghèo ở nước ta ngày càng nghiêm trọng và ai cũng nhận ra qua thực tế cuộc sống hàng ngày. Nhiều bài viết cũng như phát biểu của các chuyên gia khi đề cập đến tình trạng này thường dùng những hình ảnh đối chiếu như “giữa đô thị rực rỡ đèn màu về đêm, chen chúc những căn lều xiêu vẹo trong con hẻm tối tăm”, hay “trong khi các đại gia chi tiêu hàng chục triệu đồng cho một buổi tiệc tùng tiếp bạn bè thì có những gia đình không đủ ngày hai bữa cơm”. Phải chăng cái hố sâu giàu nghèo chưa khiến chúng ta đau lòng hay sao mà phải làm đậm nét thêm phần bi thảm, trong khi bất cứ xã hội nào, dưới bất cứ cơ chế nào thì sự phân hóa giàu nghèo là một diễn biến tự nhiên, chỉ có thể thu hẹp dần khoảng cách nhờ các công cụ điều tiết công bằng xã hội, chứ khó lòng ngăn chặn.
 
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/Untitled-1_1367919582.jpg
(Sự phân hóa giàu nghèo – Hình minh họa)
 
 Ở Việt Nam, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra ngay từ thời kỳ quản lý kinh tế - xã hội theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Tuy nhiên, lúc đó sự chênh lệch giàu nghèo, phân hóa thu nhập và những biểu hiện của phân tầng xã hội chưa rạch ròi, rõ nét, bị che khuất bởi chủ nghĩa bình quân và chế độ công hữu với cơ cấu giai cấp “hai giai một tầng”(giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức). Chỉ từ sau khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện (1986), xóa bỏ cơ chế quản lý cũ, thực hiện phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì sự chênh lệch giàu nghèo, phân tầng xã hội mới bộc lộ một cách rõ ràng và ngày càng trở nên sâu sắc. Lúc này đã xuất hiện những công trình nghiên cứu về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội nhằm cung cấp những căn cứ lý luận và thực tiễn giúp Đảng và nhà nước kịp thời đưa ra những định hướng chiến lược và những chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thời kỳ chuyển đổi cơ chế và mô hình quản lý phát triển đất nước.
 
Cách đây 20 năm, khi vừa mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, Việt Nam có quá nửa tổng số hộ dân sống dưới mức nghèo khổ, nay thì cả nước chỉ còn khoảng 10% tổng số hộ nghèo và hầu như không còn hộ đói. Cũng cách đây 20 năm, có đến 2/3 tổng số hộ ở khu vực nông thôn sống ở mức nghèo khổ và cũng có một tỷ lệ không nhỏ số hộ còn bị đói, giờ thì tỷ lệ này đã giảm khá nhanh. Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng tỷ lệ nghèo và quy mô số người nghèo ở Việt Nam còn lớn. Việc phân bố số người nghèo không chỉ chênh lệch ở tỷ lệ cao thấp qua các vùng, mà còn ở quy mô số người tuyệt đối. Theo số liệu thống kê của nhà nước, vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 1,23 triệu người, vùng trung du và miền núi phía Bắc có 2,76 triệu người, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 3,21 triệu người, vùng Tây Nguyên có khoảng trên 1 triệu người, Đông Nam bộ có gần 213.000 người và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1,84 triệu người.
 
Đáng chú ý là với một đất nước liên tục phải gánh chịu thiên tai như Việt Nam thì ranh giới giữa mức cận nghèo và nghèo là rất mong manh nên nguy cơ số hộ nghèo tăng lên rất dễ xảy ra. Thực tế trên cho thấy, bất bình đẳng trong thu nhập ở nước ta ngày càng rõ nét và gay gắt hơn, tỷ lệ hộ nghèo tập trung chủ yếu ở những vùng khó khăn, có nhiều yếu tố bất lợi như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất manh mún, sơ khai. Ngoài ra, còn xuất hiện một số đối tượng nghèo mới ở những vùng đang trong quá trình đô thị hóa và nhóm lao động nhập cư vào đô thị, họ thường gặp khó khăn nhiều hơn và phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn lao động sở tại. Đây là những yếu tố làm gia tăng tình trạng tái nghèo và tạo ra sự không đồng đều trong tốc độ giảm nghèo giữa các vùng trong cả nước.
 
Hiện nay, hệ số chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam cao hơn nhiều nước đã trải qua thời kỳ dài phát triển kinh tế thị trường. Nhìn chung, cơ chế thị trường của chúng ta còn mới mẻ, thậm chí có người cho là nền kinh tế thị trường hoang dã, đã tạo ra những kẽ hở để cho một bộ phận lách cơ chế hoặc lợi dụng cơ chế để trục lợi, tham nhũng. Số người làm giàu dạng này thường không đóng góp bao nhiêu để chia sớt gánh nặng của nhà nước mà còn làm cho tiềm lực kinh tế ngày càng suy giảm. Vì thế, nếu không nhanh chóng hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền, đồng thời xử lý vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo, lạm dụng độc quyền… thì chênh lệch giàu – nghèo hiện đang quá lớn lại sẽ càng tăng nhanh.
 
Thách thức này đòi hỏi Nhà nước và cả xã hội, trong khi khuyến khích, tôn vinh người làm giàu chính đáng, thì phải có biện pháp để tăng thu nhập của người nghèo, đảm bảo hệ số chênh lệch sẽ được kiềm chế, tiến tới giảm dần khoảng cách giàu – nghèo. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích người giàu tham gia vào đời sống xã hội bằng cách giảm thuế cho các đóng góp tự nguyện hoặc có các quy định ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động từ thiện mà về lâu dài là nhằm rút ngắn phần nào chênh lệch giàu nghèo.
 
Để có sự công bằng phải sử dụng công cụ điều tiết được mọi người chấp nhận, khi đó người giàu không phải là đối tượng của sự ganh tỵ, soi mói trong xã hội và khi họ làm tròn nghĩa vụ thì đáng được vinh danh. Công cụ điều tiết công bằng xã hội có hiệu quả là khi tất cả mọi người đều đủ ăn đủ mặc, trẻ con được học hành, mọi người đều có cơ hội làm việc, được sống tự do hạnh phúc, là những điều kiện cơ bản phải đạt được. Và khi đó phân hóa giàu nghèo được trả lại vị trí của nó chỉ là sự phát sinh tự nhiên trong thời buổi thị trường.
 
Giải pháp cho vấn đề phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam và trong từng khu vực, nhất là khu vực nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay là cần tiếp tục điều chỉnh các chính sách một cách phù hợp, xây dựng các chính sách phát triển nông thôn, chính sách với người nghèo thiết thực hơn theo hướng chú trọng nhiều hơn nữa đến các vùng kém phát triển, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn thì cũng cần quan tâm hơn nữa tới các vấn đề về an sinh xã hội, các chính sách liên quan đến những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để có thể phát triển khu vực nông thôn nói riêng và cả nước nói chung toàn diện cả về kinh tế và xã hội theo các mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra và phát triển một cách bền vững./.
                                                                                                  
Bài: Lê Ngân 
BBT. 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu