Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Những người không đầu hàng số phận
02:43 | 16/04/2015 Print   E-mail    

Kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4:
Những người không đầu hàng số phận
--------------
 
Họ là những người không may mắn bị khiếm khuyết một phần trên cơ thể nhưng vượt qua nỗi đau thể xác, vượt qua mặc cảm khuyết tật của bản thân họ vẫn sống mạnh mẽ và làm được nhiều việc tốt, có ích cho xã hội.  
 
“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…”, lời của bài hát này dường như luôn được những người khuyết tật cất lên trong các buổi giao lưu, trong những lần biểu diễn văn nghệ trên sân khấu như một lời nhắc nhủ với chính mình, với những người đồng cảnh ngộ. Trong cuộc gặp gỡ hôm ấy, tôi còn nhận ra những gương mặt quen thuộc như chị Võ Thị Ngọc Mai, anh Phạm Thanh Sơn, Vũ Văn Đường… Họ là những tấm gương tiêu biểu vượt qua chính mình để sống hoà nhập với mọi người, sống lạc quan và yêu đời. Có khi tưởng chừng họ đã gục ngã trước nỗi đau, trước những khiếm khuyết của bản thân mình nhưng không ngờ hôm nay, những con người đó vẫn có thể vẽ nên những con đường sáng cho những người cùng cảnh ngộ, thể hiện niềm vui tươi cất cao lời ca tiếng hát của mình trên sân khấu. Kể từ khi được phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2004”, Phạm Thanh Sơn xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh còn tham gia rất nhiệt tình trong các chương trình văn nghệ dành cho người khuyết tật. Phạm Thanh Sơn cho biết, anh tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hoá nghệ thuật vì mong muốn những người cùng cảnh ngộ nhìn thấy anh sẽ không tuyệt vọng nữa, anh muốn mang niềm tin đến với họ để giúp họ vượt qua mặc cảm và sống sao cho có ích.
 
Cũng như Phạm Thanh Sơn, Đặng Hoài Phúc cũng là một tấm gương điển hình của tinh thần vượt khó, sống lạc quan và yêu đời. Nhưng nhắc đến anh, nhiều người chỉ biết đến danh hiệu “Hiệp sỹ công nghệ thông tin” hay với chức danh phó giám đốc của Trung tâm tin học Sao Mai (TP. Hồ Chí Minh), một chàng sinh viên của Bà Rịa – Vũng Tàu khiếm thị nhưng lại học rất giỏi ở Khoa Ngữ văn Anh trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh)... Ít ai biết rằng, Phúc có thể sử dụng được nhiều nhạc cụ: guitar, trống, violon, piano, organ... Anh còn “phát hành nội bộ” cả một album với 12 bài do anh sáng tác và thể hiện. Đặng Hoài Phúc nói: “Lúc có thời gian rảnh rỗi, tôi thích sáng tác nhạc, lên mạng đọc sách báo hoặc chơi thể thao. Âm nhạc như một liều thuốc giúp tôi trút bỏ hết nỗi buồn”.
 
Chị Võ Thị Ngọc Mai, Chủ tịch hội người khuyết tật TP. Vũng Tàu nói rằng: “Tôi mong muốn xây dựng được nhiều sân chơi văn hoá văn nghệ dành cho người khuyết để những người đồng cảnh ngộ như chúng tôi có dịp được gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm sống và giúp chúng tôi tự tin hơn trong cuộc sống”. Dù cuộc đời nhiều bất hạnh, thiệt thòi nhưng chị Mai luôn khiến người đối diện phải nể phục bởi ở chị lúc nào cũng toát lên ánh mắt vui, nụ cười tươi và tinh thần lạc quan, mạnh mẽ.
 
Chị Võ Thị Ngọc Mai tại chương trình “Chắp cánh ước mơ” kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam năm 2015 tổ chức tại TP. Vũng Tàu
 
Nếu như chị Võ Thị Ngọc Mai là một tấm gương điển hình về NKT biết vượt lên chính mình và giàu lòng nhân ái thì Nguyễn Thị Minh Đài (45/11 Thùy Vân, phường 2, TP. Vũng Tàu) lại là một cô gái luôn mỉm cười ngay cả  với nỗi bất hạnh của mình. Hơn 30 tuổi nhưng Minh Đài cao chưa tới 1m và chỉ nặng 26kg. Dù cơ thể thấp bé hơn so với bạn bè nhưng chị rất ham học. Suốt 9 năm liền, kết quả học tập của chị luôn xếp loại khá, giỏi khiến nhiều bạn bè và thầy cô khâm phục. Đến năm học cấp ba, do nhà cách xa trường, trong khi gia đình ai cũng bận, không đưa đón được nên chị Đài đành phải nghỉ học. Từ đó, mẹ bắt đầu dạy cho chị cách đan và móc len. Có nghề chị nhận các sản phẩm ở các cơ sở may gia công về làm, kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình. Nhờ sự chăm chỉ, ham học hỏi và có năng khiếu về thiết kế, sau này Minh Đã đã được nhận tài trợ học bổng theo học ngành thiết kế thời trang của trường trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh (TP. Hồ Chí Minh). Chứng kiến những người bạn cùng trường, người thì mất cả 2 cánh tay, người thì mất chân nhưng những hôm trời mưa các bạn vẫn chống nạng đi học, Minh Đài thấy mình còn may mắn hơn nhiều. “Mình chỉ lùn thôi nhưng vẫn còn đầy đủ tay chân vì vậy mình càng phải cố gắng hơn để vượt qua chính mình và giúp đỡ người khác”, Minh Đài đã tự động viên mình như vậy mỗi khi gặp khó khăn. Sau khi tốt nghiệp, Minh Đài trở về TP. Vũng Tàu tìm việc làm. Và chị hiện đang là nhân viên rập các mẫu sản phẩm của Công ty may Thăng Long (TP. Vũng Tàu). Không chỉ chăm chỉ, sáng tạo trong công việc, Minh Đài còn hát hay, tham gia sôi nổi các hoạt động tại công ty.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu