Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Cần nêu gương việc đọc sách theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh
04:04 | 02/08/2019 Print   E-mail    

Phát triển phong trào đọc sách trong cán bộ, đảng viên trước hết là để hoàn thiện bản thân, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập; mặt khác để cán bộ, đảng viên thực hiện vai trò định hướng thông tin, dư luận xã hội, giúp bạn đọc “Gạn đục, khơi trong” tiếp nhận được nhiều sản phẩm văn hóa có gá trị “Chân, thiện, mỹ”.

Nói đến tầm cao trí tuệ uyên bác, nhãn quan thời đại của Bác Hồ, nhắc ta nhớ đến tấm gương học tập suốt đời của Người. Với Bác, trường học của mỗi người được tóm gọn trong mấy chữ: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Trong hoàn cảnh lịch sử đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc” bấy giờ, lấy đâu ra sách, báo, thư viện đề tìm đọc?. Có lẽ mấy chữ vắn tắt mà Người khái quát là thư viện quý báu của bạn đọc đương thời. Nguyên nhân sâu xa thúc dục Người tự mình đi tìm kiếm sách báo để đọc, để học và là để làm cách mạng.

Theo Bác, sách là “thuốc chữa tội ngu” và là một trong những nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Cũng chính thông qua sách, báo Bác đã tìm ra con đường cứu quốc, và “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” ghi lại đậm nét hình ảnh ấn tượng, lịch sử trong bài thơ xuất sắc của Chế Lan Viên “Người đi tìm hình của nước”. Năm 1961, khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chủ tịch tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”…

Thật vậy, với Bác, mục đích học nói chung và đọc sách báo nói riêng đều có động cơ, mục đích hoài bão trong suốt cuộc đời của Người. Từ câu chuyện đọc sách của Bác, ta nghiệm ra rằng: Chỉ khi có mục đích, mục tiêu học tập đúng đắn thì con người mới có động cơ và đạt đến trạng thái đam mê, bất chấp những khó khăn, trở ngại thiếu thốn để tìm đến với sách báo. Khái quát về nội hàm văn hóa đọc theo nghĩa hẹp đối với bạn đọc là rèn luyện thói quen, sở thích, kỹ năng đọc. Và đơn giản hóa việc đọc sách với bạn đọc, có lẽ cần xác định rõ: Đọc để làm gì ? Đọc cái gì? Đọc ở đâu ? Đọc lúc nào ? Và đọc như thế nào? Lý giải những câu hỏi đặt ra ai cũng có thể trả lời được, nhưng quan trọng là khi bạn đọc giải quyết được nó bằng hành vi tích cực, bạn sẽ trở thành người đam mê đọc sách, một sở thích, một thói quen tốt.

Thư viện chở sách đến Trường TH Long Sơn phục vụ các em đọc sách vào buổi sáng thứ 2

Ngày nay, song hành với các phòng đọc tại thư viện thành phố, phường xã, trường học, các thư viện tư nhân, các tủ sách báo tạp chí của Thành ủy-HĐND- UBND cùng các phòng, ban chức năng của thành phố là kho sách điện tử, dữ liệu, thông tin vô tận trên internet. Rõ ràng internet chiếm ưu thế về thông tin như là một thế giới phẳng, theo đó bạn đọc có quá nhiều lựa chọn với nhiều tiện ích trên các ứng dụng công nghệ để khai thác thông tin. Tuy nhiên, do đứng trước một rừng thông tin dày dặc trên mạng xã hội, nếu không xác định rõ mục đích, bạn đọc sẽ lúng túng trong việc chọn lựa, đó là chưa nói đến tính chính xác, chân thật của thông tin.

Tại thành phố Vũng Tàu, những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư ngân sách, nhân sự, cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện thành phố. Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình thư viện tư nhân hình thành theo phương thức xã hội hóa như Đường sách thành phố, các loại hình cà phê sách…

Hoạt động của Thư viện thành phố ngày càng chuyển biến tích cực; tập thể cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, phấn đấu xây dựng Thư viện hiện đại, chuyên nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất cho bạn đọc. Hàng năm với việc tổ chức các sự kiện như Tuần lễ đọc sách, Ngày hội đọc sách, ngày hội sách tuổi thơ nhân ngày Sách Việt Nam (21/4), Hội thi kể chuyện sách thiếu nhi, trưng bày,triển lãm sách, các hoạt động giới thiệu quảng bá sách…Chỉ tính riêng trong năm 2018, Thư viện đã thu hút gần 62 ngàn lượt bạn đọc với gần 359 ngàn đầu sách, báo, tạp chí, tài liệu; thực hiện 27 đợt phục vụ luân chuyển, lưu động gần 28 ngàn bản sách, báo, thu hút gần 40 ngàn lượt bạn đọc. Theo đó, số lượng bạn đọc đến với Thư viện tăng dần, đối tượng bạn đọc đa dạng hơn; trong đó sinh viên, học sinh vẫn là bạn đọc chủ lực, đông đảo nhất.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để phát triển phong trào đọc sách trong thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đào tạo đội ngũ thư viện ngang tầm nhiệm vụ mới; cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cùng với sự góp sức của hệ thống chính trị cần tuyên truyền, giáo dục đến mọi giới nhận thức rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, hướng dẫn việc đọc sách, khuyến khích phát triển mô hình đọc sách, thu hút thêm nhiều bạn đọc.

Điều đáng mừng là đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy Vũng Tàu, các cơ quan như Văn phòng Thành ủy, HĐND-UBND, Phòng Quản lý Đô Thị, Phòng Giáo dục –Đào tạo, các phường xã, trường học…đã hình thành Tủ sách báo chi bộ. Đây chính là tiềm năng để phong trào đọc sách phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Với sự góp sức của đối tượng bạn đọc mới là cán bộ, đảng viên sẽ trở thành lực lượng nòng cốt nhằm động viên, cổ vũ phong trào đọc sách phát triển bền vững; hỗ trợ, dẫn dắt, định hướng cho bạn đọc tiếp nhận được nhiều giá trị văn hóa tiến bộ; hiểu rõ và nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật nhà nước để thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân; đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tác động làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Phục vụ sách tại Đường sách Vũng Tàu  

Hy vọng, bạn đọc là cán bộ đảng viên sẽ “nêu gương” cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy tính tiên phong, sáng tạo để cho ra đời nhiều mô hình đọc sách hiệu quả; tôn vinh, nhân rộng những tấm gương điển hình tiêu biểu tập thể, cá nhân; góp phần xây dựng văn hóa đọc trên địa bàn thành phố, xây dựng xã hội học tập suốt đời theo chủ trương của Đảng và ý nguyện thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu trước lúc Người đi xa./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Kỷ, BBT