Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Xu hướng lựa chọn học nghề của nhiều bạn trẻ ở Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng gia tăng.
08:54 | 25/07/2019 Print   E-mail    

Hiện nay, tại Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung, xu hướng học sinh không lựa chọn đại học mà chuyển hướng sang học nghề ngày càng tăng. Điều đó thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp và còn khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả đại học nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề. Bởi học nghề thời gian ngắn, ít tốn kém, ra trường dễ tìm việc làm. Xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là tín hiệu tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau trung học phổ thông  hiện nay.

Một giờ học nghề của các em Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thì mỗi năm ở tỉnh ta có khoảng hơn chục ngàn thí sinh đăng ký thi THPT Quốc gia. Năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 11.000 thí sinh thi THPT quốc gia. Số liệu tổng hợp qua các kỳ thi THPT quốc gia tại Bà Rịa Vũng Tàu trong 03 năm trở lại đây cho thấy, suy nghĩ của phụ huynh, thí sinh đã có sự thay đổi khi dịch chuyển từ học đại học sang học nghề. Rất nhiều học sinh không còn giữ suy nghĩ phải vào đại học bằng mọi giá như những năm trước mà bản thân các em và gia đình đã có định hướng rõ ràng đi học nghề ngay từ đầu. Con số gần  60% sinh viên tốt nghiệp Đại học không tìm được việc làm hoặc làm công việc trái ngành đã phản ánh rõ tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và cũng là tấm gương nhãn tiền cho nhiều gia đình đang có con cái đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp.

Cùng với sự phát triển ngày càng hoàn thiện hơn của thị trường lao động, tinh thần “khởi nghiệp” của lớp trẻ, các phụ huynh và thí sinh ngày càng có sự lựa chọn phù hợp hơn, không cố sức vào đại học mà đã cân nhắc rất cẩn thận việc học cấp nào, trường nào, ngành gì để đáp ứng yêu cầu nhu cầu tuyển dụng lao động…Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh, nhiều chuyên gia ngành giáo dục nhận định: Hiện ý thức phân luồng của thí sinh cũng rõ ràng hơn. Tỷ lệ thất nghiệp cao ở lứa tuổi thanh niên là thực tế cho thấy sự mất cân bằng trong định hướng, giáo dục nghề nghiệp thời gian qua. Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 cho thấy có đến 30% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Con số này, sẽ dần dần tăng lên, dựa trên những quyết sách mới của ngành để đảm bảo cân bằng trong giáo dục hướng nghiệp ở các trình độ. Bên cạnh đó, các thông tin về thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp… đã có những tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh. Trong khi, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay thì việc học đại học dài hạn, chi phí lớn, nhưng tương lai chưa chắc tìm được việc làm cũng đã khiến nhiều thí sinh chùn bước vào đại học…

Rất nhiều ngành nghề hiện nay chỉ cần học trong một thời gian ngắn là có thể làm việc tốt với mức lương hấp dẫn, như: Nghề cơ khí, chế tạo máy, may đo, Du lịch khách sạn, nấu ăn, sửa chữa ô tô, ngành tiếng Hàn, tiếng Nhật được coi là ngành học “thời thượng”, bởi cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt trong các công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam. Mới đây nhất, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quyết định số 522/QĐ-TTg, ký ngày 14/5/2018, sẽ là bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, đến năm 2020, 40% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học hệ cao đẳng. Công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ có những đổi mới căn bản và toàn diện. Chương trình đào tạo phải gắn rất chặt với điều tra thị trường lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực ở các lĩnh vực ngành nghề, từ đó định hướng học tập cho các em, học xong là có việc làm ngay.

Em Lê Trí Đức, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Nguyên Hãn, thành phố Vũng Tàu quyết định học nghề thay vì học đại học. Đức cho hay: Xét thấy nhu cầu việc làm ở địa phương ngày càng nhiều, hơn nữa, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng loay hoay không tìm được việc làm, hoặc nếu xin được thì cũng trái với ngành nghề mình lựa chọn nên em quyết định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ học nghề. Ngành nghề em lựa chọn là ngành Kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường cao đẳng du lịch Vũng Tàu. Đây là nghề có thể dễ dàng xin việc ở địa phương - nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn và ngành Du lịch ngày càng phát triển.

Thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, em Phạm Văn Hòa, phường 6 thành phố Vũng Tàu không nộp hồ sơ xét tuyển đại học mà nộp đơn vào học nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu. Nói về quyết định của mình, Hòa cho biết: Em thi được 20,5 điểm khối A trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 vừa qua, nhưng em chọn học nghề Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu vì em cảm thấy yêu thích và thấy nghề này thiết thực, dễ xin việc làm sau khi ra trường.

Theo bà Trương Huỳnh Như – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu thì: Chỉ có gắn giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm mới tạo nên hiệu quả bền vững. Trong nhiều năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp tại Bà Rịa -Vũng Tàu đã tăng cường làm tốt việc này, bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Giáo dục và Đào tạo. Nhằm phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động. Việc xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo theo địa chỉ sử dụng cũng được Trường chúng tôi hết sức chú trọng.  Đồng thời, nỗ lực gắn kết nhà trường - doanh nghiệp thời gian qua giúp cho việc đào tạo, sử dụng nhân lực tại Bà Rịa-Vũng Tàu đạt hiệu quả.

Có thể thấy rằng, Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công mà chúng ta có rất nhiều ngã rẽ khác nhau. Do đó, học sinh tại Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay đang có xu hướng gia tăng trong việc chọn những Trường nghề để học tập và lập nghiệp./.

Bài, ảnh: Bằng Lăng, BBT