Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Phát huy vai trò tích cực của hòa giải ở cơ sở nhằm góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư
02:45 | 11/07/2018 Print   E-mail    

Như vậy, cho đến nay đã hơn 4 năm Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực. Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội và công tác hoà giải cơ sở đã phát huy vai trò tích cực trong việc góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở.

Theo báo cáo công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 của UBND thành phố Vũng Tàu, hiện nay toàn Thành phố có 122 tổ hòa giải, được thành lập từ 122 Khu phố, Thôn tại 17 phường, xã trên địa bàn, với đội ngũ hòa giải viên lên đến 948 người, việc công nhận, kiện toàn và bầu Tổ trưởng hòa giải thực hiện dân chủ đúng quy trình. Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức hoà giải 35 vụ việc, trong đó hoà giải thành 29 vụ việc đạt 83%.
 
Tiếp cận cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhằm thuận lợi cho công tác hòa giải cơ sở
 
Trong báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND Thành phố thì trong 6 tháng đầu năm đã có 274 lượt với 394 người đến UBND Thành phố phản ánh, nộp đơn khiếu nại, tố cáo và lượng đơn thư mà Thành phố tiếp nhận 508 lượt, trong đó đơn thuộc thẩm quyền là 352 đơn. Còn báo cáo của Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu trong 6 tháng đã tiếp nhận gần 1.200 đơn dân sự, hôn nhân và gia đình. Nếu so sánh các số liệu cho thấy tỷ lệ vụ việc được hòa giải ở cơ sở thì còn quá thấp so với các vụ việc mà người dân mong muốn chính quyền và Tòa án tiếp nhận, thụ lý. Khi đề cập đến thực trạng công tác hoà giải ở cơ sở ông Nguyễn Đăng Thi, Chủ tịch UBMTTQVN phường Thắng Tam cho rằng thực tế tại địa phương các Tổ hòa giải ở cơ sở chưa phát huy tốt, chưa được nhân dân gửi gắm, phần lớn người dân vẫn chưa biết tại khu dân cư có Tổ hòa giải, khả năng hòa giải của các hòa giải viên cũng còn hạn chế không thuyết phục và chưa thật sự trở thành những cam kết chung để các bên tranh chấp, mâu thuẫn nghiêm chỉnh thực hiện, do vậy các vụ việc phần lớn là gửi đến chính quyền và Toà án. Theo một công chức Tư pháp phường trên địa bàn thành phố Vũng Tàu thì cho rằng: Một số tổ hòa giải áp dụng không đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải, thành viên của tổ hòa giải thường xuyên bị thay đổi, thời gian dành cho công tác hòa giải không nhiều và chưa đi vào chiều sâu, kinh phí chi cho công tác hòa giải chưa động viên kịp thời cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ.  Kỹ năng hòa giải cũng như kiến thức pháp luật của đa số hòa giải viên còn hạn chế, nhiều tổ viên tổ hòa giải lớn tuổi làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhiều vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quan hệ gia đình, đất đai nên hòa giải viên thường ngại va chạm, từ đó mục đích hòa giải không đạt được.
 
Từ các nội dung trên chúng ta thấy rằng công tác hòa giải ở cơ sở rất quan trọng, góp phần giảm áp lực đơn thư đến chính quyền và khiếu kiện ra Tòa án. Trong rất nhiều giải pháp để phát huy vai trò hòa giải ở cơ sở cần quan tâm một số giải pháp trọng tâm. Đó là chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở, đi sâu vào hiệu quả hoạt động. Hòa giải viên có trách nhiệm rất lớn, bắt đầu từ khi nắm bắt vụ việc hòa giải, đến thực hiện và theo đuổi việc hòa giải, đôn đốc các bên thực hiện thỏa thuận hòa giải. Do đó, các chế độ đối với hòa giải viên và công tác hòa giải phải được quan tâm đúng mức. Tăng cường trách nhiệm của các ngành trong hỗ trợ cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện cho hòa giải viên thông hiểu, nắm bắt đầy đủ thông tin, sự hỗ trợ của cán bộ, công chức ở cấp xã cũng như các ngành là rất quan trọng. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên. Có giải quyết các vấn đề cơ bản thì công tác hòa giải ở cơ sở được phát huy góp phần tích cực giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư./.
 
Bài, ảnh: Thắng Cảnh, BBT

Các bài mới hơn
Các bài cũ hơn