Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Đẩy mạnh công tác Xã hội hóa giáo dục tại thành phố Vũng Tàu
10:36 | 06/06/2018 Print   E-mail    

Công tác Xã hội hóa giáo dục là một hoạt động nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Hiện công tác này ở nước ta nói chung và ở thành phố Vũng Tàu nói riêng đã trở thành một chủ trương lớn, lâu dài và nhất quán, được quán triệt sâu sắc và triển khai rộng khắp đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội. Những năm gần đây, công tác xã hội hóa giáo dục tại thành phố Vũng Tàu đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư, nhiều thành phần kinh tế tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương. Nhiều công trình xã hội hóa giáo dục đã ra đời góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như: Trường MN Hiển Vinh (phường 8, TP.Vũng Tàu) Trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ Xanh (phường 7, TP.Vũng Tàu); Trường THPT Lê Hồng Phong; Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Thị Minh Khai; Trường quốc tế Singapore; Trường Tiểu học Song ngữ Vũng Tàu…

Một giờ học của các em học sinh Trường mầm non Hiển Vinh - điển hình cho mô hình xã hội hóa giáo dục ở thành phố Vũng Tàu

Hiện nay, nhu cầu đầu tư cho phát triển giáo dục là rất lớn, đòi hỏi phải đa dạng hóa các hình thức thu hút nguồn lực để đầu tư. Chính vì vậy, việc thúc đẩy XHH giáo dục là huy động nhiều hơn các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển. Đứng trước thực trạng đó, UBND Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Hội đồng nhân dân Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 về một số chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. UBND Tỉnh cũng đang tiếp tục quán triệt chủ trương xã hội hóa nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; không sử dụng vốn ngân sách để đầu tư các dự án có khả năng xã hội hóa.

Thực hiện chủ trương về công tác xã hội hóa giáo dục của UBND, HĐND Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong định hướng phát triển Giáo dục, y tế, Văn hóa, thành phố Vũng Tàu luôn khuyến khích đầu tư bằng mô hình xã hội hóa. Thành phố đã và đang tăng cường công tác quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với thông tin về công tác xã hội hóa. Công tác xã hội hóa giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập trong những năm qua tại thành phố Vũng Tàu đã và đang đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, chương trình chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Những năm qua tại thành phố Vũng Tàu, công tác xã hội hóa giáo dục đã thành công phải được kể đến các Doanh nghiệp đầu tư tại các Trường học như: Trường MN Hiển Vinh (phường 8, TP.Vũng Tàu) Trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ Xanh (phường 7, TP.Vũng Tàu); Trường THPT Lê Hồng Phong; Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Thị Minh Khai; Trường quốc tế Singapore; Trường Tiểu học Song ngữ Vũng Tàu…Hầu hết các trường tư thục này mặc dù chi phí học tập cao hơn so với trường công lập nhưng lại được nhiều phụ huynh lựa chọn, thậm chí, có trường luôn trong tình trạng quá tải về hồ sơ xin nhập học. Ví dụ như Trường Mầm non Hiển Vinh, Trường Tiểu học Song ngữ Vũng Tàu…các lớp liên tục được phát triển mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đăng ký học. Năm học 2017-2018 vừa qua, các trường đã khai thác hết công suất phòng học và nhân lực nhưng cũng chưa đáp ứng được hết số lượng hồ sơ của các đối tượng đến dự tuyển sinh. Nhìn ở một góc độ khác, sự phát triển của hệ thống trường tư thục cũng đang thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục, nhất là đối với hệ thống trường công lập. Mặt khác, xã hội hóa giáo dục đang góp phần tạo sự công bằng trong việc tuyển sinh đầu vào, góp phần thúc đẩy việc hình thành một môi trường giáo dục minh bạch, bình đẳng.

Điển hình cho sự thành công của công tác xã hội hóa giáo dục ở thành phố Vũng Tàu có thể kể đến là Trường MN Hiển Vinh (ngụ tại đường Huyền Trân Công Chúa, phường 8, thành phố Vũng TàuVũng Tàu) do Công ty TNHH Hiển Vinh bỏ vốn đầu tư theo chương trình XHH thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trường có khuôn viên rộng tới 1.850m2, được đầu tư khang trang với kinh phí đầu tư ban đầu là khoảng hơn 20 tỷ đồng. Trường mầm non Hiển Vinh có quy mô 18 phòng học với 18 nhóm, lớp với từ 450-500 trẻ em. Mỗi phòng học có diện tích 80m2/30 trẻ, ngoài ra còn có nhiều phòng chức năng như múa, nhạc, họa và phòng thiết bị; trường có hồ bơi để phổ cập bơi cho trẻ 5 tuổi, có hệ thống khu vui chơi liên hoàn phù hợp và thuận lợi cho sinh hoạt của trẻ em các lứa tuổi. Với sự tích cực đầu tư và chú trọng xây dựng thương hiệu, chủ đầu tư đã tạo ra một cảnh quan, một ngôi trường mầm non hấp dẫn thu hút phụ huynh và trẻ đến với Hiển Vinh. Nhà trường đã được các Lãnh đạo Tỉnh, thành phố và ngành giáo dục đánh giá: “Đây là trường được đầu tư rất tốt, có cảnh quan, môi trường phù hợp cho trẻ em vui chơi, phát triển thể chất, tinh thần”.

Theo Ban giám hiệu Trường mầm non Hiển Vinh thành phố Vũng Tàu thì: Trong điều kiện ngân sách chi cho giáo dục còn khiêm tốn thì chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh và thành phố là một giải pháp rất cần được nhân rộng tại thành phố Vũng Tàu. Việc huy động nguồn lực từ nhân dân là giải pháp đem đến hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí và kịp thời giải bài toán thiếu trường lớp của địa phương. Về phía doanh nghiệp thì cũng có lợi là tìm kiếm cơ hội đầu tư và thu được lợi nhuận, góp phần cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa – giáo dục của thành phố. Chúng tôi rất mừng vì nhiều chính sách ưu đãi của Tỉnh và thành phố, các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, như chính sách về thuê đất, thuế, cho vay vốn kích cầu, hỗ trợ lãi suất để xây dựng trường học đã được đầu tư, quan tâm ngày càng nhiều hơn. Chính vì vậy  chúng tôi hy vọng trong thời gian tới công tác xã hội hóa giáo dục tại thành phố Vũng Tàu sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn.

Có thể thấy rằng, công tác xã hội hoá giáo dục tại thành phố Vũng Tàu đã và đang xây dựng một cộng đồng trách nhiệm của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường lành mạnh, thuận lợi cho các hoạt động giáo dục phát triển. Công tác này cũng góp phần mở rộng các nguồn đầu tư, các doanh nghiệp, chủ đầu tư khai thác tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Đây là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và nhà nước bởi vì giáo dục là sự nghiệp lâu dài của toàn xã hội. Sự nghiệp giáo dục sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ với nguồn lực to lớn của toàn dân./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT