An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hãy giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
09:18 | 26/04/2014 Print   E-mail    


HÃY GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT
---------------
 
Ngay từ khi còn nằm trong nôi, chúng ta được nghe những câu hát à ơi, những bài đồng dao ca ngợi quê hương đất nước của bà của mẹ ( con cò bay lả bay la, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…), nó trong sáng và tinh tế biết bao nhiêu. Nhưng gần đây, sự phát triển của khoa học - công nghệ và sự phổ biến của internet đã ảnh hưởng trực tiếp đến cách sử dụng tiếng Việt của một bộ phận dân chúng. Bên cạnh những tác động tích cực, một bộ phận giới trẻ đang làm tiếng Việt mất dần sự trong sáng.
 
Công nghệ thông tin là một thành tựu vĩ đại của con người. Từ khi xuất hiện Internet thì loài người đã thiết lập thêm một kênh giao tiếp mới.  Nó vừa tiện, vừa nhanh, vừa hiệu quả, vừa kinh tế. Quả là lợi hại. Bây giờ, chúng ta có thể cứ ngồi nhà mà vẫn giao tiếp, trao đổi, trò chuyện với cả thế giới. Ngôn ngữ mạng cũng có quy luật riêng của nó. Nó mặc nhiên sống “kí sinh” trong lòng ngôn ngữ toàn dân nhưng lại có dung mạo thể hiện khác: ngắn, rút gọn tới mức tối đa, bỏ qua các chuẩn mực chính tả - dấu câu, sử dụng nhiều các kí hiệu biểu trưng, chen lẫn tiếng nước ngoài… 
 
(Tiếng Việt 1)
 
Cách sử dụng tiếng Việt hiện nay đang gây nên nhiều bức xúc và tranh luận. Điều này không phải không có căn cứ. Đó là hiện tượng nói và viết tiếng Việt tùy tiện, bừa bãi trong đời sống hàng ngày và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bất chấp các chuẩn mực chính tả, việc nói bậy, nói lóng, chêm tiếng nước ngoài và sáng tạo ngôn ngữ theo kiểu tùy hứng vẫn diễn ra phổ biến. Điều này đã ảnh hưởng đến hệ giá trị xã hội, đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt. Nhanh - gọn, đó là lời giải thích của đông đảo bạn trẻ đã và đang sử dụng ngôn ngữ mạng. Dù để nói nhanh, viết gọn hay vì lý do nào đi nữa thì mục đích cuối cùng của giao tiếp là để người khác hiểu được thông tin mà mình muốn truyền đạt. Thế nhưng với các bạn trẻ, ngoài đạt tốc độ nhanh, từ ngữ nào càng lạ, càng khó dịch nghĩa thì càng được ưa chuộng, mặc cho người đọc, người nghe phải đoán già, đoán non và việc nói một đằng, hiểu một nẻo thường xuyên xảy ra.
 
Theo các nhà nghiên cứu, ngôn ngữ mạng ở Việt Nam là biến thể thiếu chuẩn mực của tiếng Việt - cả ở bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp "bất tuân quy tắc", nhiều khi ngôn ngữ mạng không chệch khỏi quy luật ngôn ngữ. Ví dụ, người ta viết "k" thay "c" vì âm "cờ" có thể đọc như "k", "q".Như vậy, có thể thấy, việc dùng ngôn ngữ mạng như sử dụng dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn, trong bối cảnh và nhóm xã hội nhất định, nhưng cũng có thể mang đến tác hại lâu dài. Sử dụng hay không sử dụng ngôn ngữ mạng, sử dụng thế nào, đó là điều mọi người nên cân nhắc.
 
Rõ ràng ta có thể thấy rằng cách đây vài năm, khi mạng xã hội chưa bùng nổ, chúng ta chưa hề biết đến từ “Chém gió” hay “hix”....Những ngôn ngữ này có thể thấy là không hề xuất hiện trong từ điển tiếng Việt. Nhiều người lớn tuổi, thuộc thế hệ trước không hiểu những từ đó có nghĩa là gì nhưng giới trẻ hiện nay lại rất hiểu và xem đó như những ngôn ngữ thông dụng để giao tiếp, tán ngẫu. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Cùng với sự biến đổi của thời gian, đời sống xã hội, ngôn ngữ tất yếu cũng có sự thay đổi. Giới trẻ ngày nay đang sống trong một xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả, năng động. Việc một bộ phận giới trẻ có những sáng tạo riêng khi sử dụng ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp để giao tiếp sinh động hơn cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, tình trạng giới trẻ sử dụng ngôn ngữ chat tràn lan, vô tội vạ, mọi lúc, mọi nơi, không phù hợp với hoàn cảnh và môi trường giao tiếp là vấn đề cần được quan tâm.
 
Trước nguy cơ lan rộng và ngày càng trở nên phổ biến của ngôn ngữ mạng đòi hỏi một chủ trương nhất quán và sự phối hợp của toàn xã hội để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vai trò của phụ huynh và thầy cô giáo trong việc này rất quan trọng. Cha mẹ là người dạy các em ngay từ tiếng nói đầu tiên và văn hóa giao tiếp ở các em chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Nhà trường là nơi để các em rèn luyện về ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng, đúng nghĩa, đúng chuẩn và kể cả đúng chính tả. Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất: để ý đến các em nhiều hơn khi các em trò chuyện trên mạng hay tin nhắn và nhắc nhở các em về việc không nên dùng ngôn ngữ mạng trong các bài tập, bài viết, bài thi ở trường.
 
Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta nên tiếp thu những cái tiên tiến nhưng luôn luôn phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bới chúng ta là những người con Lạc, cháu Hồng, là những người con mang dòng máu Việt Nam./.
 
Bài: Lê Ngân
BBT.