An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Triển khai kế hoạch thực hiện quy định, quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục năm 2014.
08:07 | 03/04/2014 Print   E-mail    

 

 
Trong thời gian qua, tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đã và đang diễn ra phổ biến, nghiêm trọng tại một số địa phương, đặc biệt là có những vụ bạo lực, xâm hại tình dục ở cả trẻ em dưới 5 tuổi gây ra hậu quả xấu về tính mạng, sức khỏe, tinh thần và sự phát triển trí tuệ của trẻ, khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bức bối.
 
Nhằm nâng cao nhận thức và hành động của xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, con cái trong gia đình để ngăn ngừa , giảm dần và tiến tới giảm cơ bản tình trạng trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, UBND thành phố vừa triển khai kế hoạch thực hiện quy định, quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục năm 2014 trên địa bàn.
 
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội
 
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là phấn đấu giảm 10% tỷ lệ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục so với năm 2013; 85% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu; 100% tỷ lệ trẻ em phát hiện bị bạo lực, bị xâm hại tình dục được can thiệp, trợ giúp. Để thực hiện mục tiêu trên, kế hoạch cũng đưa ra những nội dung cần thực hiện như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phối hợp giữa các cấp, các ngành tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, đồng thời giáo dục các kỹ năng sống, giúp các em hiểu được các quyền cơ bản mà pháp luật quy định để thông qua đó các em có thể hiểu và tự bảo vệ mình; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp và mạng lưới cộng tác viên tại các khu phố, thôn; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực tiếp cận với các dịch vụ y tế, các phúc lợi xã hội khác khi có nhu cầu…
 
Để thực hiện những mục tiêu và nội dung trên, UBND thành phố yêu cầu Phòng LĐTB-XH chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, phường thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại; phối hợp với các ngành liên quan phát triển các loại hình dịch vụ giúp đỡ trẻ em và kiểm tra giám sát việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại. Công an thành phố thường xuyên tiến hành kiểm tra, truy quét các tụ điểm ổ nhóm mại dâm và tệ nạn xã hội có liên quan đến trẻ em; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị bắt cóc và bị mua bán. Phòng Văn hóa- Thông tin tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các gia đình, cộng đồng, về phòng chống bạo lực gia đình. Phòng giáo dục tuyên truyền hướng dẫn các em học sinh để các em có những hiểu biết và kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình, phòng chống xâm hại tình dục và tình trạng bạo lực tại nhà trường. UBND các phường, xã phân công, bố trí cán bộ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cá nhân, gia đình và cộng đồng phát hiện, cung cấp thông tin về trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại; chỉ đạo các ban, ngành liên quan phát triển các loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em, hình thành mạng lưới cộng tác viên, điểm tư vấn trợ giúp trẻ em ở cộng đồng, trường học trên địa bàn…
 
Bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bị bạo lực, bị xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành mà còn là trách nhiệm của toàn cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, mỗi gia đình phải thường xuyên quan tâm, giáo dục, quản lý tốt con trẻ, gạt bỏ mặc cảm, dư luận khi có con em bị xâm hại để tố cáo thủ phạm ra trước pháp luật, có như vậy trẻ em mới thực sự được bảo vệ,  giúp trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.
 
Bài: Dung Đoàn
BBT.