An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hãy mở rộng vòng tay yêu thương với trẻ tự kỷ.
02:13 | 17/04/2014 Print   E-mail    

 
Trường Mần non Hoà nhập Phước An (53/3 Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu) phối hợp với Hội cha mẹ có con tự kỷ TP. Vũng Tàu vừa tổ chức Ngày hội cho trẻ tự kỷ với chủ đề “Con đường đi đến hoà nhập”. Ngày hội giúp các bậc phụ huynh cón con tự kỷ giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục con; đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng Tự kỷ.
 
Description: C:\Users\Admin\Desktop\hinh 4.jpg
 
Tại ngày hội, nhiều phụ huynh chia sẻ, họ rất bối rối khi biết con mình bị tự kỷ. Thực tế, khi phát hiện con bị tự kỷ, tâm lý của các bậc cha mẹ thường rất hoang mang, lo sợ, buồn chán, mất bình tĩnh, mặc cảm và có thái độ không chấp nhận sự thật. Nhiều người đã tìm mọi cách để chạy chữa cho con, thậm chí, có những người còn tìm đến thầy bói để… cúng. Anh N.Đ.H (ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, TP. Vũng Tàu) cho biết, khi còn nhỏ, con trai anh (cháu N.M.H) có những biểu hiện bất thường như: thích nằm một mình, cười một mình, không nói; đến lúc 18 tháng tuổi, cháu được bác sĩ kết luận là bị tự kỷ. Lúc đó, vợ chồng anh rất hoang mang, suy sụp tinh thần. Anh đã đưa con đến gặp các bác sĩ và tìm thầy cúng ở nhiều nơi với hy vọng chữa lành bệnh cho con nhưng đều không được. Sau đó, được bạn bè giới thiệu, anh cho cháu theo học tại trường Mần non Hoà nhập Phước An. Được các cô giáo chăm sóc và có cách giáo dục phù hợp, tình hình của N.M.H được cải thiện dần lên. Đến nay, cháu N.M.H đã hoà nhập với bạn bè, gia đình và là một học sinh giỏi Toán của trường Tiểu học Thắng Tam.
 
Cũng giống như em M.H, em T.B.N cũng mắc chứng tự kỷ từ nhỏ. Được biết, T.B.N thường mắc chứng khó ngủ, hay nằm vật vã và ngại tiếp xúc với cha mẹ, anh em. Nhưng được gia đình phát hiện sớm và cho theo học ở trường Mần non Phước An nên đến nay, em đã theo kịp bạn bè, tự tin giao tiếp với những người xung quanh.
 
BS. Nguyễn Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, hiện là cố vấn tâm lý, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tự kỷ là một sự rối loạn phát triển khá phức tạp ở trẻ. Nếu trẻ em bị mắc chứng tự kỷ thì khó trở thành một người hoàn toàn bình thường. Trẻ tự kỷ thường có những biểu hiện khác thường như: thích chơi một mình, người khác gọi không trả lời, chậm nói, ít nói hoặc không nói, khi nói không nhìn thẳng vào mặt người đối diện (nhóm trẻ nhỏ, từ 0-3 tuổi); ăn nói không khéo léo, thích áp đặt ý kiến của mình cho người khác… (nhóm trẻ lớn). BS. Nguyễn Ngọc Thanh khuyên rằng, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường đó, cha mẹ phải theo dõi con thường xuyên và đưa con đi khám tại các bác sĩ chuyên khoa Tâm lý. Nếu phát hiện và có cách điều trị, giáo dục sớm, đúng cách có thể mang lại những cải thiện đáng kể cho cuộc sống và tương lai của trẻ. Vì vậy, ngoài việc cho các em theo học ở các trường mần non, tiểu học, THCS… thì nên dành một khoảng thời gian nhất định để cho trẻ theo học ở các trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Ngoài ra, để cải thiện chứng tự kỷ, cha mẹ cần kiên nhẫn, dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi, yêu thương con; đồng thời, nên cho con nghe những thể loại nhạc nhẹ nhàng, dạy con những kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp với những người xung quanh và cho trẻ vận động nhiều.
 
Cô Lê Thị Chính Lan, Hiệu trưởng trường Mần non Hoà nhập Phước An nói: “Việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn vì trẻ tự kỷ thường không nghe theo “hiệu lệnh” của giáo viên. Vì thế, ngoài kiến thức, kỹ năng, hiểu biết tâm lý trẻ em, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì và tâm huyết. Bên cạnh đó, cần có sự đồng cảm, quan tâm của gia đình và xã hội để giúp mở rộng con đường hòa nhập cộng đồng cho các em”.  
 
Hiện nay, số trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng tăng nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Trong khi đó, nhận thức của xã hội về căn bệnh này vẫn còn thấp. Vì vậy, gia đình, nhà trường và xã hội cần mở rộng vòng tay yêu thương để tạo cho trẻ bị tự kỷ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. “Qua Ngày hội cho trẻ tự kỷ, chúng tôi muốn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng tự kỷ tại BR-VT; đồng thời tạo cơ hội cho phụ huynh có con tự kỷ được học hỏi, hiểu biết thêm kiến thức về cách chăm sóc, giáo dục con”-cô Chính Lan nói.
                                                                                                                                   
Bài, ảnh: Nguyệt Cát
BBT.