An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Không gian văn hóa chợ.
04:31 | 31/03/2014 Print   E-mail    

                                            

Từ bao đời nay, chợ là nơi trao đổi hàng hóa, nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó gắn rất chặt và là một phần không thể thiếu của văn hóa làng xã, văn hóa đô thị ở Việt Nam. Ở quê xưa mỗi xã đều có một cái chợ nhỏ, gọi là chợ làng bán mua hàng hóa thiết yếu thường ngày, vài xã thì lại có một cái chợ lớn hơn họp theo phiên, gọi là chợ huyện. Còn ở thành phố thì thông thường mỗi phường đều có chợ, cả thành phố thì có một chợ gọi là chợ lớn, chợ trung tâm.
 
Ồn ã, náo nhiệt với tiếng người mua, kẻ bán trong không gian của nhiều mặt hàng quen thuộc- đó là chợ. Với sự hình thành và văn hóa đặc sắc vốn có, chợ tồn tại, phát triển và biến đổi cùng nhịp sống nông thôn, thành phố. Nhiều chợ ở thành phố đến nay chỉ còn trong ký ức vì đã biến đổi thành trung tâm thương mại, siêu thị... nhưng chợ vẫn hiển hiện như một phần của lịch sử, văn hóa và là nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình.
 
IMG_1746.jpg
Chợ quê – Hình minh họa
 
Chợ là nơi trực tiếp mang đến những thực phẩm tươi, lành mạnh cho cộng đồng dân cư, đồng thời cũng là nơi giúp dân có thể giao tiếp, tạo ra môi trường xã hội giúp cho cuộc sống đô thị bớt căng thẳng. Chợ với nhiều mặt hàng thông dụng, thiết yếu với cuộc sống hằng ngày như rau củ quả, hàng khô, hàng thủ công mỹ nghệ và những món quà quê mộc mạc, đó là những sản phẩm nông sản sạch, an toàn. Chợ không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, đặc sắc, tin cậy, mà còn tạo cơ hội kết nối thị trường , tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
 
Ở thành phố chợ đông đến tận khuya. Ở đồng bằng, chợ miền quê, chợ duyên hải có khi là một buổi mua bán ngắn ngủi vào bình minh hay chiều tối thường gọi là “chợ mai” hay “chợ chiều”. Rồi chợ “phiên” miền núi lâu lâu mới họp một lần. Người địa phương chờ được đi chợ như đi lễ hội. Ở đó, kiểu thương mại bằng cách trao đổi hàng hoá như từ thời cổ đại vẫn còn sót lại như biểu tượng cho vẻ đẹp “mua bán” nguyên sơ của ngày thơ ấu nhân loại.
 
Ðến chợ mọi người sẽ đắm mình trong cảnh chen chúc, đông đúc và có thêm một chút gì đó lộn xộn, ồn ào nhưng vui và ấm áp. Tay nắm tay, vai chạm vai, mắt nhìn nhau được hỏi han, mời chào như người nhà... được nghe những mùi vị thơm thảo của xứ sở quê hương lan toả khắp không gian. Mắt nhìn no nê trước những sắc màu tươi tắn của cây trái, sản vật, hàng hoá...Ngày xưa không có internet nên chợ là một nơi trao đổi thông tin rất quan trọng, không đi chợ coi như bị mù tịt về thông tin. Qua "diễn đàn chợ" các bà các cô mới có dịp buôn dưa lê hàn huyên tâm sự với nhau. Cũng qua đi chợ mới biết nhà bà A có cái B nó cũng kháu gái, nếu chưa có đám nào hỏi thì mai tôi sang hỏi cho thằng con trai tôi. Đây cũng là một cách đánh tiếng từ xa và tuyên bố xí phần.
 
Đóng
Một góc chợ - hình minh họa
 
Chợ là một từ chỉ nơi mà tại đó diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền tệ, hiện vật hoặc hàng đổi hàng. Chợ được hình thành ở khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức.Ở bất cứ nơi nào cứ có kẻ bán người mua là có chợ. Có rất nhiều loại chợ khác nhau. Chợ nhỏ thì cấu trúc rất đơn giản, có thể là một bãi trống mà những người bán hàng ngồi thành từng dãy với những sản phẩm đặc thù. Chợ lớn, hiện đại thì cấu trúc khá phức tạp. Mỗi chợ có thể gồm nhiều khu vực riêng biệt, mỗi khu vực lại có những dãy gồm nhiều gian hàng khác nhau. Do có chức năng đặc thù riêng của nó, cho nên chợ thường được hình thành và xây dựng tại những nơi đông dân cư, thường là những nơi là trung tâm, đầu mối giao thông.
 
Phiên chợ vui nhất trong năm phải nói ngay là phiên chợ tết. Người xe chen nhau hối hả với lá dong, cành đào, cành quất,... Mùi hương bài, mùi khói pháo hòa lẫn với mùi bánh rán, mùi mắm tôm tạo nên cái hương vị rất đặc trưng của chợ tết. Những mặt hàng trong chợ tết cũng phong phú và đa dạng hơn, nào lá dong, câu đối đỏ...Trẻ con ngày xưa có khi cất tiền mừng tuổi từ đầu năm đến cuối năm để đi chợ tết.
 
Có thể nói rằng, không gian sinh hoạt chợ bao đời nay vẫn trường tồn như một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của cộng đồng người Việt. Theo thời gian, chợ Việt Nam đã khang trang hơn, hiện đại hơn nhưng giá trị văn hóa vững bền của nó thì không hề thay đổi./.

 Bài:  Lê Ngân
BBT.