An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tín hiệu vui trong công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh BR-VT
05:36 | 08/12/2015 Print   E-mail    

 

Bà Rịa- Vũng Tàu với nỗ lực phòng chống HIV/AIDS:

Kỳ 1: Tín hiệu vui trong công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh BR-VT

-----------------

Được phát hiện từ năm 1981, đến nay, trải qua 34 năm, căn bệnh HIV/AIDS đã giết chết hơn 25 triệu người trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại TPHCM vào năm 1990. Từ đó đến nay đã có hơn 75 ngàn người nhiễm HIV bị tử vong. Hiện nay, dù y học thế giới đã tiến bộ đáng kể, dù các nước đã có nhiều chiến dịch ngăn ngừa và phòng chống HIV/AIDS... nhưng căn bệnh này vẫn là nỗi nhức nhối của cả cộng đồng. Để ngăn chặn hiệu quả sự lây nhiễm của HIV và hạn chế số người tử vong do căn bệnh này, những năm gần đây, tỉnh BRVT đã tích cực, quyết liệt triển khai sâu rộng nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh BR-VT, đến nay toàn tỉnh đã có 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ghi nhận có người nhiễm HIV. Đối tượng nhiễm HIV không còn tập trung trong một số nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, mại dâm, đồng tính…mà đã xuất hiện ở cả những đối tượng là nông dân, cán bộ, học sinh, sinh viên...

Bác sĩ Bùi Minh Kha-Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh BR-VT cho biết: “Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh có số lượng lũy  tích người nhiễm HIV rất lớn  trên toàn quốc. Tính đến 31/10/2015 số người nhiễm lũy tích trên địa bàn tỉnh là trên 4.500 người  và chuyển sang giai đoạn AIDS là hơn 3.000 người, tử vong do AIDS là 1.800 người. Riêng từ ngày 1/1/2015 đến 31/10/2015, BR-VT đã phát hiện 87 trường hợp nhiễm mới, chuyển AIDS là 41, tử vong 31 ca.”

Để giảm thiểu số người lây nhiễm HIV/AIDS, trong thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; tập huấn, cung cấp vật tư, hỗ trợ các cơ sở y tế thực hiện tư vấn, xét nghiệm, điều trị người nhiễm HIV/AIDS; thành lập và hỗ trợ 2 cơ sở điều trị Methadone tại TP Vũng Tàu và huyện Long Điền, qua đó điều trị cho trên 700 đối tượng bệnh nhân nghiện ma túy. Bên cạnh đó, TT PC HIV/AIDS tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện/thành phố xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên, qua đó tiếp cận truyền thông cho hàng chục ngàn đối tượng nghiện chất ma túy và gái mại dâm, phát hàng trăm ngàn bao cao su và bơm kim tiêm sạch, đồng thời thu gom hàng chục ngàn bơm kim tiêm bẩn mỗi năm.

Nhận xét về hoạt động của các nhóm đồng đẳng viên tại tỉnh BRVT, bà Đỗ  Thụy An My  - Phó ban điều hành mạng lưới đồng đẳng viên khu vực phía Nam cho biết: “Tôi thấy các nhóm đồng đằng viên tại tỉnh BR-VT  rất tích cực trong lĩnh vực phòng chống HIV. Các nhóm đã hỗ trợ cho người lao động tình dục và hỗ trợ cho những người sử dụng ma túy, hỗ trợ cho những bạn đồng tính nam (gọi là  MSM) các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV rất hiệu quả. Từ đó giúp họ thay đổi hành vi an toàn trong các  quan hệ tình dục, trong tiêm chích ma túy để họ không lây nhiễm HIV.”

Cùng với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thời qua, các ban, ngành, đoàn, hội và các Trung tâm, cơ sở y tế địa phương cũng đã thực hiện tích cực, quyết liệt nhiều hoạt động phòng, chống HIV/ADIS. Chẳng hạn, thông qua buổi tuyên truyền phòng chống tệ nạn mại dâm, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền các nội dung phòng lây nhiễm HIV/ AIDS. Hay tại Trung tâm giáo dục lao động và dạy nghề tỉnh, nơi tập trung cải tạo cả ngàn đối tượng nghiện hút ma túy và mại dâm - hai đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao- ngoài việc điều trị bằng thuốc ARV cho các học viên bị nhiễm HIV, /AIDS, chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý cho các học viên bị nhiễm HIV, Trung tâm còn phối hợp với Phòng y tế tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho tất cả các học viên.

Ông Trần Thiện Chí-Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động và dạy nghề tỉnh cho biết: “Đa số các học viên là đối tượng nghiện, tiêm chích ma túy và hơn 30% các em bị nhiễm HIV từ trước khi vào Trung tâm. Khi các em vào đây, tất cả cán bộ, công viên  chức chúng tôi, đặc biệt là cán bộ phòng y tế tích cực giúp các học viên trong  công tác khám, điều trị, bố trí công việc lao động và quan trọng nhất là tư vấn giáo dục để các em hiểu một điều: bị nhiễm HIV chưa phải là hết tất cả. Từ đó chúng tôi giúp các em ổn định lại tâm lý,  xóa bỏ đi tư tưởng chán đời, bất cần đời và có thái độ hợp tác tích cực hơn với chúng tôi. Nhiều em sau khi cai nghiện ở đây về lại trở thành những đồng đẳng viên tự nguyện.”

Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đặc biệt là ngành y tế tỉnh, phải kể đến sự hỗ trợ tích cực từ các dự án quốc tế như Life-Gap, Quỹ toàn cầu, Ngân hàng thế giới trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Trong gần 20 năm qua, thông qua các dự án, các tổ  chức quốc tế này đã hỗ trợ 70% kinh phí hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Các dự án tập trung vào hoạt động điều trị người nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV, dự phòng lây truyền mẹ con, điều trị người nghiện bằng thuốc Methadone, can thiệp giảm thiểu tác hại...

Bác sĩ Bùi Minh Kha nhận xét: “Trong thời gian qua, tỉnh ta đã nỗ lực rất nhiều trong công tác chống HIV/AIDS. Hàng năm chúng ta làm rất nhiều những xét nghiệm phát hiện và số lượng nhiễm mới trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay đều giảm. Nếu như trong những năm 2006 -2007 lên gần 500 người nhiễm mới trong 1 năm,  thì những năm gần đây số lượng người nhiễm mới trong tỉnh giảm dần xuống còn 250 đến 300 người. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay,  Bà Rịa-Vũng Tàu mới chỉ phát hiện 87 trường hợp. Do vây, tôi đánh giá rất cao về sự nỗ lực trong những hoạt động phòng chống HIV AIDS tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.

Từ những nỗ lực và kết quả trên, hiện nay, Bà Rịa- Vũng Tàu đã thoát khỏi nhóm 10 tỉnh, Thành phố có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước. Đây là tín hiệu vui cho tỉnh nhà.

Mục tiêu mà tỉnh BRVT đặt ra trong công tác phòng chống HIV/AIDS là đến năm 2030 sẽ không có người nhiễm HIV/AIDS mới. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế mà rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, BR-VT đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS mà nếu không có giải pháp kịp thời thì không chỉ mục tiêu không đạt được mà tỷ lệ người lây nhiễm HIV có khả năng sẽ tăng cao. Trong phóng sự kỳ sau chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này./.

Bài: Thanh Bình, BBT