An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
BR-VT đối mặt với khó khăn và thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS
06:56 | 11/12/2015 Print   E-mail    

 

Bà Rịa – Vũng Tàu nỗ lực phòng chống HIV/AIDS: 

Kỳ 2: BR-VT đối mặt với khó khăn và thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS

------------- 

Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức quốc tế và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm,  tỉnh ta đã thoát khỏi nhóm 10 tỉnh/TP có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, BR-VT đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống HIV/AIDS và mục tiêu “đến năm 2030 không có người nhiễm HIV mới” của tỉnh trong thời gian tới. 

 

Những khó khăn và thách thức mà BR-VT đang đối mặt trong công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay đó là: tình hình dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh mới chỉ giảm xu hướng gia tăng chứ chưa giảm sâu, giảm bền vững; một số địa phương như Vũng Tàu, Long Điền, Tân Thành số người nhiễm HIV/AIDS mới vẫn tiếp tục gia tăng do địa bàn phức tạp, dân số đông, cấu trúc dân số nhiều thành phần; các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS như: nghiện chích ma túy, mại dâm, tình dục đồng giới nam... trên địa bàn tỉnh biến đổi phức tạp, khó kiểm soát, khó can thiệp và có chiều hướng tăng; còn rất nhiều người chưa có kiến thức, ý thức bảo vệ mình trước căn bệnh nguy hiểm này. Khảo sát gần đây của cơ quan chức năng cho thấy 40% gái mại dâm bị nhiễm HIV không hề biết mình mắc bệnh, trong các trường hợp quan hệ tình dục với bạn tình thì có tới 50% không dùng bao cao su....

Một đồng đẳng viên tại tỉnh cho biết: “ Quan hệ  tình dục đồng giới rất phức tạp, các bạn có thể thay đổi bạn tình thường xuyên, thay đổi người yêu thường xuyên. Và khi các bạn tham gia vào tiệc tùng thì các bạn thường sử dụng các chất kích thích và quan hệ tập thể. Chính vì vậy,  mức độ lây nhiễm HIV ở các bạn đồng giới rất là cao. Đa số các bạn quan hệ với nhau nhưng không sử dụng các biện pháp an toàn để phòng chống HIV.”

Mặc dù được các dự án nước ngoài viện trợ, song mức độ bao phủ của dịch vụ Phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế: số lượng bao cao su, bơm kim tiêm phát miễn phí mới chỉ đáp ứng được  khoảng 50% nhu cầu; số người nghiện chích ma túy tham gia điều trị Methadone mới chỉ khoảng 20%; Số người nhiễm HIV được điều trị ARV mới chỉ chiếm hơn 31% trong tổng số người nhiễm HIV còn sống; những địa phương không có Dự án tài trợ, việc triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chưa đi vào chiều sâu, các hoạt động chỉ mới tập trung trong các tháng chiến dịch truyền thông hoặc tuyên truyền về phòng chống lây nhiễm HIV cho đại diện các ban ngành, đoàn thể của địa phương; Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao và phổ biến ở cộng đồng làm ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV, là rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm và chuyển gửi bệnh nhân đến các cơ sở chăm sóc điều trị. Đây là những nguy cơ khiến dịch HIV dễ bùng phát trở lại, với nguy cơ kháng thuốc cao, đòi hỏi chi phí lớn hơn nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.

Ngoài những khó khăn, thách thức kể trên, việc các dự án viện trợ nước ngoài cắt giảm kinh phí tài trợ các hoạt động trong công tác phòng chống HIV/AIDS đang là thách thức lớn đối với BR-VT. Từ năm 2008 đến nay, ngân sách đảm bảo cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ từ các dự án Quốc tế (chiếm gần 80% tổng kinh phí thực hiện). Tính từ năm 2008 đến tháng 10/2015, các dự án nước ngoài gồm: Quỹ toàn cầu, Ngân hàng thế giới, VAAC (Ban quản lý tiểu dự án hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS) đã viện trợ cho BR-VT hơn 61 tỷ đồng thực hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, các dự án quốc tế bắt đầu cắt giảm viện trợ do Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các quốc gia nghèo. Đến năm 2016, dự án của Ngân hàng thế giới sẽ  chấm dứt viện trợ tại Việt Nam cũng như tại BR-VT, dự án Quỹ toàn cầu và dự án VAAC sẽ tiếp tục cắt giảm kinh phí hỗ trợ và sẽ kết thúc viện trợ vào năm 2018.

Bác sĩ Bùi Minh Kha-Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh BR-VT cho biết: “Không chỉ các dự án nước ngoài bị cắt giảm mà ngân sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV/AIDS tại BR-VT cũng đang cắt giảm dần. Cụ thể, năm 2013, Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV/AIDS cấp cho  BR-VT hơn 2,3 tỷ đồng thì đến năm 2014 cắt giảm xuống còn khoảng 700 triệu đồng, năm 2015 cắt giảm còn khoảng hơn 800 triệu đồng. Và đến năm 2016, chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS cũng sẽ kết thúc trên cả nước cũng như tại BR-VT. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và nhất là hoạt động chăm sóc điều trị trong HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới”.

Nguồn kinh phí viện trợ bị cắt giảm, nếu không được bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến độ bao phủ phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao như gái mại dâm, nghiện ma túy; mạng lưới đồng đẳng viên bị thu hẹp, người nhiễm HIV không đủ chi phí sẽ bỏ điều trị ARV, người nghiện chích ma túy sẽ bỏ điều trị Methadone.... BR-VT sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như: số người nhiễm HIV sẽ bùng phát trở lại, số người chết vì AIDS sẽ tăng lên, bệnh nhân HIV đang điều trị ARV sẽ bị kháng thuốc. Sau này, nếu có kinh phí để thực hiện tiếp chương trình thì sẽ tốn kém công sức, tiền bạc hơn gấp nhiều lần.

Trước những khó khăn và thách thức nêu trên, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ y tế, UBND tỉnh và ngành y tế BR-VT đã và đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm duy trì kết quả đã đạt được và tiếp tục hạn chế mức độ lây nhiễm HIV, giảm tỷ lệ tử vong do AIDS trên địa bàn tỉnh. Vậy những giải pháp đó là gì chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này trong phóng sự kỳ sau./. 

Bài, ảnh: Thanh Bình, BBT