Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Tuyên truyền phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em
07:56 | 14/08/2013 Print   E-mail    

 

 
            Nhằm nâng hiệu quả trong công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, Sáng 12/8, UBND phường 12 phối hợp với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh  tổ chức tuyên truyền phòng mua bán phụ nữ và trẻ em.
 
Tham gia buổi tuyên truyền, các học viên được  nghe  bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó chi cục trưởng  và ông Nguyễn Hồng Phúc – chuyên viên của Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu  trình bày các chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người như: Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người những phương thức thủ đoạn tinh vi của tội phạm buôn bán người…
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- báo cáo tại hội nghị
 
Trong những năm gần đây, nhất là từ khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tình hình tội phạm buôn bán người xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng không chỉ trong nước, mà trong khu vực và trên toàn thế giới. Theo số liệu của Bộ Công an, cho đến nay đã có hàng chục nghìn PNTE Việt Nam bị buôn bán để làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, buộc phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Họ bị bóc lột tình dục, bóc lột lao động hoặc bị sử dụng vào những mục đích thương mại, vô nhân đạo khác. Tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của xã hội, phong tục tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của nhà nước, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, tiềm ẩn những nhân tố xấu về an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Nguyên nhân là do khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, nhận thức pháp luật và cuộc sống còn thấp, nhất là phụ nữ, trẻ em ở nông thôn vùng sâu, vùng xa. Thủ đoạn hoạt động của loại tội pham này rất tinh vi và rất khó phát hiện. Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng các mối quan hệ sẵn có để dụ dỗ số phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo, có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, thất nghiệp… bằng những lời đường mật như hứa tìm việc làm thích hợp nhẹ nhàng ở thành phố, thị xã với mức lương cao, ổn định nhưng sau đó lại tìm cách đưa ra biên giới bán cho các chủ chứa hoặc tổ chức tội phạm ở nước ngoài. Có trường hợp đối tượng là nạn nhân của một cuộc mua bán người khi được giải thoát, biết được thủ đoạn của bọn buôn người khi trở về nước do không có việc làm đã trực tiếp dụ dỗ những phụ nữ và trẻ em ở địa phương để bán ra nước ngoài.  Chúng còn lợi dụng sự sơ hở trong chính sách pháp luật, nhất là trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm người thân, đi hợp tác lao động để lừa gạt phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài. Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như : điện thoại di động, mạng internet.. để làm quen, tạo mối quan hệ thân thiện, thậm chí giả vờ yêu nhau. Sau một thời gian quan hệ, hứa hẹn chúng lừa nạn nhân đi du lịch rồi bán cho các động chứa ở nước ngoài.
 
Tội phạm mua bán người là một vấn đề xã hội bức xúc, gây hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân, gia đình và xã hội. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 29-3-2011; tích cực tuyên truyền về các âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm đến người dân, thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, đời sống của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em, từ đó tích cực tham gia phát hiện, tố giác các ổ nhóm mua bán người. Ngày 11-1-2013, chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người và chính thức có hiệu lực từ ngày 15-4-2013. Theo đó, các nạn nhân bị mua bán sẽ được hỗ trợ tiền ăn, quần áo và vật dụng cá nhân trong thời gian không quá 60 ngày tại cơ sở bảo trợ; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh và được chăm sóc y tế. Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ: tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường cho nạn nhân muốn trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả; hoặc đưa về nơi người thân cư trú với nạn nhân là người chưa thành niên; học văn hóa, học nghề; xem xét cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh bảo đảm thu nhập tái hòa nhập cộng đồng... Thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền của các cấp, các ngành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, giúp các nạn nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng .  
 
Thông qua chương trình tập huấn tuyên truyền nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống buôn bán người, vận động quần chúng mạnh dạn tố giác tội phạm góp phần hạn chế thấp nhất vụ án liên quan đến mua bán người và trẻ em trên địa bàn, nắm rõ hơn những kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng trong tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Qua đó nêu cao cảnh giác về các thủ đoạn hoạt động, nguyên nhân, hậu quả của tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em để biết phòng ngừa và tích cực đấu tranh phòng chống các loại tội phạm về buôn bán người nhằm giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.
                                                                                                       
Tin, ảnh:  Như Ngọc
BBT.