Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Bàn nhiều giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
04:04 | 29/09/2014 Print   E-mail    

 
UBND Tỉnh vừa chủ trì hội thảo về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp – thành viên nhóm nghiên cứu chỉ số PCI.
 
BR-VT có lợi thế về du lịch và cảng biển để thu hút đầu tư
                       
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với dự án nâng cao năng lực cạnh tranh (USAID/VNCI) thực hiện. Chỉ số PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các Tỉnh, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2013 đã là báo cáo năm thứ 9 của Chỉ số này. Trong những năm qua, Lãnh đạo Tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư, nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
 
Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong các năm qua của Bà Rịa – Vũng Tàu luôn nằm trong nhóm Tốt so với cả nước, tuy nhiên trong năm 2012 và 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh của Bà Rịa – Vũng Tàu đã giảm và nằm trong nhóm Khá của cả nước, cụ thể: Năm 2011 Tỉnh xếp hạng 6/63 tỉnh thành; năm 2012 xếp hạng 21/63 tỉnh thành, giảm 15 bậc so với năm 2011; năm 2013 xếp hạng 39/63 tỉnh thành, giảm 18 bậc so năm 2012, đây là kết quả không như mong đợi của Tỉnh.
 
Sau khi có kết quả PCI 2013, Tỉnh đã: Ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của Tỉnh, trong đó xác định những hạn chế, nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giao các Sở ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện và định kỳ báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện cho UBND Tỉnh; các chỉ số sụt giảm điểm và có thứ hạng thấp trong năm 2013 được tập trung chú trọng cải thiện. Triển khai trực tiếp Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI năm 2014 của Tỉnh đến các lãnh đạo Sở ngành và UBND các địa phương, đồng thời giao các Sở ngành và các huyện thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số PCI năm 2014 của đơn vị mình với các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện. Thành lập ban điều hành để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của Tỉnh. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính; nâng cao chất lượng của tổ một cửa; chấn chỉnh thái độ của các bộ công chức trong thực thi công vụ; duy trì số điện thoại đường dây nóng cải cách hành chính và đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp tại Sở Nội vụ và Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận và xử lý phản ánh của tổ chức và cá nhân; và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao Chỉ số PCI của Tỉnh.  Bên cạnh đó, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ hợp tác xã, chương trình về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; tiến hành rà soát, công khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để đông đảo doanh nghiệp được biết và thụ hưởng; tăng cường hoạt động của tổ hỗ trợ xử lý khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời thường xuyên rút kinh nghiệm để bổ sung, thực hiện Kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có hiệu quả.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước gặp khó khăn, các hoạt động thiết thực để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lúc này là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển vốn đăng ký của các dự án thành vốn thực hiện, góp phần phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Tỉnh. Các hành động để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh, Tỉnh sẽ xây dựng một Kế hoạch dài hạn đến năm 2016, với mục tiêu là đưa Chỉ số PCI của Tỉnh trở lại nhóm Tốt của cả nước, đưa Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành điểm đến tin cậy đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
 
Tại buổi hội thảo, lãnh đạo địa phương và các chuyên gia kinh tế đã cùng phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của chỉ số PCI của BR-VT. Theo bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp – thành viên nhóm nghiên cứu chỉ số PCI, trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh BR-VT năm 2013 thì có 4 chỉ số sụt giảm điểm so với năm 2012, trong đó 2 chỉ số có điểm số và thứ hạng thấp là chỉ số tiếp cận đất đai và chỉ số tính năng động; riêng chỉ số cạnh tranh bình đẳng (mới được bổ sung năm 2013) cũng có kết quả thấp. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì cho biết, qua khảo sát cho thấy nhiều DN tại BR-VT đánh giá việc tiếp cận đất đai để phục vụ sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn; rủi ro khi bị thu hồi đất cao và khi bị thu hồi đất lo ngại không được bồi thường thỏa đáng. Bên cạnh đó, các DN còn chưa hài lòng về chất lượng CCHC trong lĩnh vực đất đai và cho rằng việc thực hiện các TTHC gặp khó khăn, rườm rà... Còn chỉ số tính năng động sụt giảm điểm chủ yếu là do cảm nhận của DN về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực DN tư nhân thấp và nhiều DN cho rằng có những chủ trương, ý kiến hay của lãnh đạo tỉnh nhưng chưa thực thi tốt ở các sở, ngành và cấp huyện.
 
Ngoài các ý kiến phân tích về nguyên nhân dẫn đến chỉ số PCI của tỉnh liên tục sụt giảm trong vài năm gần đây, lãnh đạo các sở, ngành tại địa phương cũng đã bàn nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Trong đó, hội thảo tập trung vào các giải pháp quan trọng đó là tiếp tục đẩy mạnh CCHC để cải thiện môi trường đầu tư bằng những việc làm cụ thể trong thực hiện các quy trình thủ tục về cấp phép đầu tư, giao đất, cho thuê đất, thuế, hải quan...; tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại với DN để kịp thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến hoạt động của DN; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Đối với đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung giải ngân vốn cho các dự án, công trình trọng điểm …
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ

BBT.