Thông tin quy hoạch Thông tin quy hoạch
Kế hoạch tổ chức lập: "Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 "
05:50 | 01/02/2021 Print   E-mail    

UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 15/01/2021 về Kế hoạch tổ chức lập: "Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" nhằm tổ chức triển khai Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Theo đó Kế hoạch lập Quy hoạch tỉnh được thực hiện là xác định các nội dung công việc trong quy trình lập quy hoạch tỉnh sau khi nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt: Phê duyệt dự toán lập quy hoạch; Xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức lập quy hoạch cần xác định cụ thể tiến độ hoàn thành, với mục tiêu hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh trong thời hạn 24 tháng theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 và khoản 3 Điều 1 Quyết định số 1442/QĐ-TTg; Lập và thống nhất đề cương chi tiết các nội dung đề xuất phát triển: Đề cương chi tiết các nội dung đề xuất phát triển phải nêu được các yêu cầu về nội dung chính của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn; yêu cầu phân tích, đánh giá hiện trạng và yêu cầu đề xuất phương án phát triển trong thời kỳ quy hoạch... Quy trình lập đề cương chi tiết các nội dung đề xuất gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các yêu cầu về nội dung chính của Quy hoạch tỉnh tại mục 1 Phần II (liên quan đến phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn) và các yêu cầu về nội dung chính Báo cáo đề xuất nêu tại mục 3 Phần II của Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo Quyết định số 1442/QĐTTg, lập đề cương chi tiết Báo cáo nội dung đề xuất;  Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi các sở, ngành, các đơn vị liên quan và UBND cấp huyện để có ý kiến thống nhất; Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉnh lý, hoàn thiện đề cương; Lựa chọn nhà thầu tư vấn: Bao gồm nhà thầu tư vấn lập Quy hoạch tỉnh, tư vấn lập các nội dung đề xuất và tư vấn lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Căn cứ Điều 17 Luật Quy hoạch năm 2017, các tổ chức tư vấn lập quy hoạch phải được lựa chọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Quy trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn hình thức đấu thầu rộng rãi, 2 túi hồ sơ, bao gồm các bước sau: Bước 1: Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Bước 2: Thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Bước 3: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, gồm các nội dung: (i) Lập E-HSMT; (ii) Thẩm định, phê duyệt E-HSMT; Bước 4: Tổ chức lựa chọn nhà thầu, gồm các nội dung: (i) Thông báo mời thầu và phát hành E-HSMT; (ii) sửa đổi, làm rõ E-HSMT; nộp E-HSMT'; (iii) mở EHSĐX Kỹ thuật; Bước 5: Đánh giá E-HSĐX kỹ thuật; trình, thẩm định và phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; Bước 6: Mở E-HSĐX tài chính; Bước 7: Đánh giá E-HSĐXTC và xếp hạng nhà thầu; Bước 8: Thương thảo hợp đồng, trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; Bước 9: Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Đối với tổ chức lập quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược và lập các nội dung đề xuất, phương án bố trí không gian phát triển ngành và lãnh thổ để tích hợp vào quy hoạch. Các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Thực hiện đồng thời các nội dung: Đánh giá thực trạng KTXH; xác định các vấn đề trọng tâm và nhiệm vụ tạo đột phá; đề xuất mục tiêu, quan điểm phát triển; xây dựng dự thảo khung (Dự thảo sơ bộ quy hoạch) và dự thảo lần 1 các Báo cáo nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Bước 2: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, hoàn thiện dự thảo sơ bộ quy hoạch tỉnh và dự thảo lần 1 các Báo cáo nội dung đề xuất (i) Tổ chức hội nghị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung dự thảo sơ bộ quy hoạch: (1) Báo cáo kết quả đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển; (2) Báo cáo kết quả đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; (3) Đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển tỉnh. (ii) Tổ chức hội nghị báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Dự thảo sơ bộ quy hoạch: (1) Báo cáo kết quả đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển; (2) Báo cáo kết quả đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; (3) Đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển tỉnh. (iii) Tổ chức các hội nghị, hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo lần 1 các Báo cáo nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh. (iv) Xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch. Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh (do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung nội dung đề xuất.

Bước 3: Hoàn thiện Dự thảo lần 2 các Báo cáo nội dung đề xuất phát triển để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và Dự thảo lần 1 Quy hoạch Tỉnh Trên cơ sở dự thảo sơ bộ Quy hoạch tỉnh và các Báo cáo nội dung đề xuất, Sở Kế hoạch và Đầu tư và tổ chức tư vấn lập quy hoạch tổng hợp dự thảo lần 1 Quy hoạch tỉnh; đồng thời chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo lần 2 các Báo cáo nội dung đề xuất sau khi xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch.

 Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến dự thảo Quy hoạch tỉnh; triển khai lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) (i) Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến; hoặc chuẩn bị hồ sơ để Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo quy hoạch theo quy định tại Điều 19 của Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 32 Nghị định 37/2019/NĐ-CP gồm: Tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, UBND cấp huyện và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến Quy hoạch tỉnh; các chuyên gia, nhà khoa học, ...; Gửi hồ sơ lấy ý kiến bằng văn bản, xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương trong vùng và các địa phương liền kề (thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận); Xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đối với những nội dung liên quan đến biển, hải đảo, vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. (ii) Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai công tác lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược: Lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn; lập Báo cáo đánh giá môi trường Chiến lược;  Tổ chức hội nghị, hội thảo xin ý kiến góp ý đối với dự thảo ĐCM; Trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Tiếp nhận Báo cáo thẩm định ĐCM của Hội đồng thẩm định và hoàn thiện Báo cáo ĐCM theo Báo cáo thẩm định và gửi lại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bước 5: Dự thảo quy hoạch tỉnh lần 2 (i) Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quy hoạch; ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức tư vấn và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tỉnh lần 2; (ii) Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua dự thảo quy hoạch; (iii) Ủy ban nhân dân tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo quy hoạch và hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bước 6: Hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 31 Luật Quy hoạch năm 2017 (i) Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua nội dung quy hoạch bằng văn bản; (ii) Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Bước 7: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch (i) Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức tư vấn lập quy hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh theo kết luận của Hội đồng thẩm định; (ii) Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Báo cáo quy hoạch sau chỉnh lý, hoàn thiện; (iii) Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy những nội dung kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch và kết quả tiếp thu ý kiến hoặc giải trình bổ sung của tỉnh; trình Quy hoạch thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. (iv) Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua nội dung Quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm i Khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch năm 2017; (v) Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch theo quy định tại Điều 35 Luật Quy hoạch năm 2017; (vi) Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch

Theo kế hoạch thời gian hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Trước ngày 20/9/2022  ./.

Tin: Kim Nguyễn, BBT