Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2015: đề thi vừa sức với các thí sinh.
10:49 | 06/07/2015 Print   E-mail    

 

 
Ngày 4/7, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 bước vào ngày thi cuối cùng với hai môn Lịch Sử và Sinh học. Tại cụm thi tỉnh BRVT, đây là hai môn thi có ít thí sinh nhất trong 8 môn thi THPT quốc gia.
 
Ngược lại với không khí nhộn nhịp của 3 ngày thi trước, ở môn thi Lịch Sử sáng nay, không khí tại các điểm thi của tỉnh khá trầm lặng, yên tĩnh bởi số lượng thí sinh dự thi quá ít. Tại điểm thi THPT Trần Nguyên Hãn, TPVT chỉ có duy nhất 1 phòng thi với 11 thí sinh dự thi. Tuy vậy, so với điểm thi THPT Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc và điểm thi THPT Trần văn Quan, huyện Long Điền, số lượng thí sinh ở đây vẫn nhiều gấp 3 đến 4 lần. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 674 thí sinh đăng ký thi môn Lịch Sử, trong đó tại cụm thi ở tỉnh chỉ có 101 thí sinh dự thi. Ở môn Sinh học, toàn tỉnh có 1.620 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó dự thi tại tỉnh chỉ có 343 thí sinh. Tuy ít thí sinh, song, lực lượng giám sát, giám thị và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm thi vẫn được bố trí, canh phòng nghiêm ngặt như tất cả các môn thi khác. Kết thúc 4 ngày thi, nhận xét chung về đề thi năm nay, hầu hết các thí sinh và giáo viên đều cho rằng, nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông, không đánh đố thí sinh và có sự phân hóa cao, phù hợp cho cả hai đối tượng học sinh THPT và GDTX khi thi chung đề.
 
Em Trịnh Thị Thoa- học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TPVT nhận xét: “Em thấy các đề thi năm nay có sự phân hóa rất là rõ rệt cho HS đi thi tốt nghiệp và học sinh đi thi đại học. Để lấy được điểm 5, 6 thì rất là dễ, đơn giản, nhưng để lên cao hơn 7, 8 điểm thì cũng hơi khó cho các bạn có học lực trung bình. Em thấy đề thi như vậy là rất phù hợp với cụm thi ở cụm địa phương. So với lúc em làm thử trên trường thì em thấy đề thi dễ hơn rất nhiều nên khi làm bài xong em thấy rất là thoải mái.”
 
Em Hà Thị Huyền- Học sinh TTGDTX huyện Côn Đảo nhận xét: “Qua 4 ngày thi, em thấy 3 môn Văn, Sử, Địa đề mở nhiều, phù hợp với kiến thức cả trong trường học và ngoài xã hội nên em nghĩ là em có thể đậu trong kỳ thi này”.
 
Em Vũ Thanh Ngân- Học sinh trường THPT Vũng Tàu nhận xét: “Em thấy đề thi Toán năm nay rất phù hợp với những người có nguyện vọng thi tốt nghiệp giống như em. Bởi vì năm ngoái là trộn lẫn đề thi khó và dễ với nhau, còn năm nay thì xếp theo trình tự rất rõ ràng, từ khó đến trung bình đến dễ nên có thể phân loại được thí sinh”
 
So với năm trước, thời gian thi các môn Lịch Sử, Địa Lý được tăng từ 90 phút lên 180 phút, các môn Ngữ Văn, Toán tăng từ 120 phút lên 180 phút, các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ tăng từ 60 phút lên 90 phút. Sự thay đổi này giúp thí sinh có thêm thời gian hoàn thành tốt bài thi. Với đề thi các môn xã hội Ngữ văn, Địa lý, Lịch Sử thi theo hình thức tự luận, nhiều thí sinh có cơ hội nêu lên suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về những nội dung được hỏi trong bài thi. Đăc biệt, biển đảo tiếp tục là một trong các chủ đề được Bộ GD-ĐT đưa vào đề thi môn Ngữ Văn như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết trân trọng, yêu thương và nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Đề Văn cũng đặt ra vấn đề về bệnh vô cảm, bạo lực trong xã hội hiện nay, nhằm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua. Đề bài không yêu cầu thí sinh phải học vẹt mà cần các em nắm vững được kiến thức, biết liên hệ với đời sống thực tiễn.
 
Cô Phạm Thị Hương, giáo viên dạy Văn, trường THPT TRần Nguyên Hãn, TP Vũng Tàu: “Cái mới ở đây là tôi thấy phần đọc hiểu so với năm trước thì rất đầy đủ, kiến thức đọc hiểu Bộ GD-ĐT không lấy đâu xa lạ mà lấy ngay trong sách lớp 12 cho nên rất vừa tầm với các em. Cái hay thứ hai là câu nghị luận xã hội. Bộ đưa ra vấn đề giáo dục kỹ năng sống để các em thể hiện quan điểm, đây là một vấn đề rất cần thiết của giới trẻ hiện nay.”
 
Đề thi Địa lý cũng được đánh giá là khá dễ, được sử dụng Atlat- một quyển sách tập hợp các biểu đồ, các số liệu và địa danh về địa lý- trong phòng thi đã giúp các thí sinh dễ lấy được 50% điểm trong bài thi, do vậy nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi khi mới hết 2/3 thời gian.
 
Em Trần Quang Thạnh- Học sinh trường THPT Trần Quang Khải, huyện Long Điền nhận xét: “Đối với môn Địa lý em thấy tương đối dễ đối với thí sinh chọn môn thi tốt nghiệp. Phần Atlat tập trung được khoảng 5 điểm. Các địa danh, số liệu đã có sẵn trong atlat rồi nên chúng em không gặp khó khăn gì”
 
Mặc dù có nhiều đổi mới trong quy chế thi, hình thức thi, song được sự quan tâm sâu sát của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, người dân trong toàn tỉnh, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cụm thi tại tỉnh BRVT đã kết thúc thành công tốt đẹp. Trong cả 4 ngày thi không có thí sinh và giám thị vi phạm quy chế thi. Số thí sinh vắng thi không có lý do nhiều nhất là ở môn Văn với 39 em và ít nhất là môn Lịch Sử với 1 em. Sau khi kết thúc 8 môn thi, bài thi của các thí sinh tại các điểm thi trong tỉnh sẽ được tập hợp về tại trường THPT Bà Rịa dưới sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Ban chấm thi sẽ bắt đầu thực hiện chấm bài thi trong 4 ngày từ ngày 6/7 đến ngày 10/7. Sau khi chờ trường ĐHSP TPHCM và ĐH Sài Gòn chuyển kết quả chấm thi của các thí sinh BRVT tại cụm thi TPHCM, Ban chấm thi sẽ tiến hành xét tốt nghiệp cho tất cả các thí sinh. Kết quả tốt nghiệp và kết quả tuyển sinh sẽ gửi đến cho các thí sinh trước ngày 20/7 thông qua tài khoản trên mạng đã được cấp cho các thí sinh trước khi kỳ thi diễn ra. Đây cũng là một điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
 
Bài: Minh Phát
BBT.