Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Đa phần học sinh né tránh chọn thi môn Lịch Sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015
10:02 | 30/06/2015 Print   E-mail    

 
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ Văn, thí sinh được quyền lựa chọn 2 môn thi trong số các môn thi: Ngoại Ngữ, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Địa Lý, Lịch Sử. Được quyền lựa chọn 2 trong số 4 môn thi nên ở tất cả các trường THPT đều xảy ra tình trạng chênh lệch số lượng thí sinh đăng ký dự thi giữa các môn xã hội và môn tự nhiên. Trong đó, môn Lịch Sử là môn ít được học sinh chọn thi nhất.
 
Trong thời gian cận kề ngày thi, tại các trường THPT, trong khi ở các môn tự nhiên luôn sôi nổi vì có số lượng thí sinh ôn tập đông thì môn Lịch Sử lại khá trầm lắng vì chỉ lác đác ít ỏi một số em ôn tập. Tại trường THPT Vũng Tàu, nơi có số lượng thí sinh dự thi đông thứ 2 của tỉnh( sau THPT Nguyễn Huệ), trong tổng số gần 600 thí sinh dự thi chỉ có 16 thí sinh đăng ký thi môn Lịch Sử.
 
Chia sẻ về lý do chọn môn Lịch Sử để thi, em Nguyễn Hải Trang- Học sinh lớp 12D2-trường THPT Vũng Tàu, TP Vũng Tàu cho biết: “Trong khối thi ĐH thì khối em chọn là khối D và môn thi em chọn để xét tốt nghiệp là môn Lịch Sử. Với bản thân em, em thấy mình có khả năng về các môn xã hội hơn là các môn tự nhiên nên em chọn môn mà em thấy thoải mái và có thể đạt kết quả tốt.”
 
Huỳnh Thị Hồng Ngọc- Học sinh lớp 12D2- trường THPT Vũng Tàu, TP Vũng Tàu cho biết: “Trong kỳ thi sắp tới ngoài 3 môn Toán, Văn, Anh, em chọn thêm môn thứ 4 là môn Lịch Sử, vì trong quá trình học em thấy em mạnh hơn về Ban xã hội. Và khi cô giảng về môn Lịch Sử thì em cảm thấy thích và tiếp thu khá nhanh nên em quyết định chọn môn Sử.”
 
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, chỉ có khoảng 15% thí sinh chọn thi môn Lịch Sử. Riêng tại BRVT, con số này chiếm chưa tới 6%. Cụ thể là, trong tổng số 12.091 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chỉ có 674 thí sinh chọn thi môn Lịch Sử. Ở nhiều trường THPT chỉ có vài ba thí sinh đăng ký, thậm chí có trường không có thí sinh nào đăng ký thi môn Lịch Sử. 
 
Em Trần Thị Thùy Liên- Học sinh lớp 12D4- trường THPT Vũng Tàu, TP Vũng Tàu cho biết: “Em không chọn môn Sử, bởi vì khối lượng môn Sử quá dài mà thời gian ôn tập rất ngắn nên em chọn phương pháp an toàn là không chọn môn lịch sử để thi”
 
Em Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Học sinh lớp 12A3- trường THPT Vũng Tàu, TP Vũng Tàu: “ Trong khoảng thời gian ôn thi nước rút như thế này lại thêm có nhiều môn thi khác nữa nên sẽ khó khăn nếu em chọn môn Sử, vậy nên em không chọn môn Lịch Sử mà chọn môn khác dễ học hơn như môn Địa.”
 
Ông Nguyễn Đức Thiện- Hiệu trưởng Trường THPT Phú Mỹ, huyện Tân Thành cho biết: “Toàn trường chúng tôi chỉ có 4 thí sinh chọn thi môn Sử. Điều này nói lên một thực trạng hiện nay môn Sử chúng ta chưa được thu hút học trò, bên cạnh đó có một thực trạng nữa là các em theo môn sử thì các em không biết đi ngành nghề gì để xin việc cho nên đa số các em không chọn”
 
 
Cô Đinh Thị Ngọc – GV môn Lịch Sử, trường THPT Vũng Tàu, TP Vũng Tàuchia sẻ “Không chỉ ở trường THPT Vũng Tàu mà các trường trong cả nước cũng vậy, học sinh chọn môn LS rất ít vì được coi là một môn khó khăn, khô khan, thậm chí học sinh chọn môn Sử thi còn được đưa vào tình trạng quý và hiếm. Là một GV dạy môn Lịch Sử, khi các em lựa chọn môn LS với số lượng ít như vậy thì tôi cũng thấy hơi chạnh lòng, nhưng  đó là xu thế chung của tất cả các GV dạy Lịch Sử không những ở tỉnh BRVT mà chung trong cả nước. Môn học Lịch Sử này nó có rất nhiều các vấn đề đã được báo chí và các nhà chuyên môn về Lịch Sử đã phân tích lý do tại sao các em chọn ít. Thứ nhất là xu thế của xã hội hiện nay chọn môn Lịch Sử để đi vào các ngành nghề là ít. Thứ 2 là cách học môn Lịch Sử rất là khó, theo các em là dài và khó, có nhiều sự kiện, khô khan.”
 
Việc không có nhiều học sinh đăng ký chọn thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia một lần nữa cho thấy, nguyên nhân hàng đầu vẫn là do cơ hội việc làm cho những HSSV học khối C (Văn ,Sử, Địa) sau khi ra trường quá ít; cơ hội thăng tiến, thu nhập ở những ngành nghề khối C thấp. Bên cạnh đó, chương trình dạy môn Sử trong các nhà trường hiện nay vẫn quá nặng nề, có quá nhiều sự kiện, con số, mốc thời gian, tên nhân vật để buộc học sinh nhớ một cách máy móc, không những không thu hút mà còn làm các em sợ hãi khi phải học, phải thi …Và nếu không giải quyết được hai nguyên nhân trên thì tình trạng HS né tránh môn Lịch Sử sẽ mãi còn tiếp diễn.
 
Bài, ảnh: Lê Đức
BBT.