Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn ở trường phổ thông
10:30 | 06/05/2015 Print   E-mail    

 
 
Bồi dưỡng học sinh giỏi đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo. Đây là một hoạt động dạy học mang tính đặc thù cao, người học là học sinh giỏi, có năng khiếu theo môn học, người dạy là những giáo viên có trình độ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm trong công tác dạy học. Những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của các môn khoa học công nghệ trong xu thế hội nhập thì môn Ngữ văn đang dần bị xem nhẹ trong trường phổ thông. Để phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi môn học này rất cần một số phương pháp mà các nhà quản lý giáo dục và các giáo viên Ngữ văn quan tâm.
 
Là một trong những môn học có vai trò quan trọng trong trường phổ thông, ngoài chức năng công cụ, môn Ngữ văn còn góp phần rất lớn hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và các phẩm chất cao đẹp của người học. Bởi vậy, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn là vô cùng cần thiết và quan trọng. Nó giúp phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, tố chất, tình yêu đối với văn chương, tạo cơ hội, điều kiện để các em gắn bó lâu dài với bộ môn. Mặt khác, hiện nay, do xu hướng và tâm lý xã hội, phụ huynh và học sinh chưa thực sự coi trọng bộ môn Ngữ văn nên việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn ở trường Trung học phổ thông sẽ củng cố hiểu biết và lấy lại niềm tin và tình yêu, niềm đam mê của các em với bộ môn này, từ đó, điều chỉnh dần tâm lý xã hội.
 
 
Trong những năm gần đây, việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn trong trường phổ thông có những thuận lợi song cũng gặp khá nhiều khó khăn.Thực tế cho thấy, hiện nay, một số học sinh không thích học Văn, có em thậm chí còn lơ là, ít quan tâm học bộ môn này, có em còn từ chối vào đội tuyển học sinh giỏi Văn. Phần lớn bài viết của các em rất ngắn, khô, thiếu cảm xúc. Đó là biểu hiện của sự yếu kém về năng lực tạo lập văn bản, năng lực cảm thụ văn chương của các em. Trước thực tế của việc học văn hiện nay của học sinh, người thầy dạy văn cần phải kích thích, thắp sáng tâm hồn các em bằng những tình cảm cao đẹp, giúp các em biết đồng cảm, rung động trước số phận của con người trong các trang sách cũng như trong cuộc đời. Người thầy truyền cho học sinh tình yêu văn chương, hướng cho các em có nhận thức đúng về vai trò của môn ngữ văn trong sự phát triển của xã hội hiện đại, đó là một công cụ để tư duy, giúp các em học tốt các môn học khác, là phương tiện giúp các em đạt hiệu quả cao trong giao tiếp, là cầu nối để mọi người xích lại gần nhau hơn và để giúp mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình. Do đó, người thầy dạy Ngữ văn, đặc biệt là các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi phải là người khơi dậy, đánh thức khả năng văn học đang tiềm ẩn trong mỗi học trò của mình.
 
Chính từ thực tiễn đó, chúng ta rất cần những sáng kiến, những phương pháp  để khắc phục những tồn tại nêu trên. Chúng ta cần phát hiện học sinh giỏi môn Ngữ văn; Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và cách thức bồi dưỡng. Nuôi dưỡng và thắp sáng trong học sinh niềm đam mê văn học, củng cố niềm tin vào thầy cô và có động lực mạnh mẽ để học tập; hướng dẫn học sinh tự học; bồi dưỡng theo chuyên đề, mảng kiến thức; hướng dẫn học sinh cách lập ý cho các dạng đề thi học sinh giỏi; rèn kỹ năng viết mở bài, kết bài, chuyển đoạn; rèn kỹ năng diễn đạt cho học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh cách vận dụng kiến thức lý luận văn học vào bài văn nghị luận văn học.Chú trọng cả việc bồi dưỡng theo kế hoạch dài hạn và kế hoạch trước mắt, tức là vừa bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn theo đội tuyển dự thi cấp tỉnh vừa chú ý bồi dưỡng lồng ghép với chương trình chính khóa; đề cao việc tự học, tự nghiên cứu của học sinh giỏi; đưa ra các giải pháp giúp giáo viên bồi dưỡng rèn cho học sinh giỏi Ngữ văn những kỹ năng cần thiết và quan trọng (kỹ năng lập ý, diễn đạt, viết mở bài, kết bài, chuyển đoạn, vận dụng lý luận văn học vào bài văn nghị luận), đồng thời giúp học sinh có kiến thức sâu rộng về các vấn đề (qua việc bồi dưỡng theo chuyên đề, mảng kiến thức).
 
Để sáng kiến được áp dụng rộng rãi trong thực tế, đối với các cấp quản lý giáo dục cần tổ chức kỳ thi học sinh giỏi nghiêm túc, có chất lượng chuyên môn cao, có chế độ động viên kịp thời, xứng đáng cho những giáo viên và học sinh có thành tích cao trong công tác này. Cần phổ biến những sáng kiến có chất lượng, có tính khả thi để giáo viên có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ;đối với nhà trường thì cần tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh về thời gian, tinh thần, vật chất để thầy và trò có thể hết mình vì nhiệm vụ. Có thể phân công nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cho một nhóm giáo viên để huy động được sức mạnh của tập thể; đối với giáo viên thì cần tích cực tự học, sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của môn Ngữ văn, của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, từ đó phải đầu tư thời gian, trí tuệ, tâm huyết thiết kế chương trình, giáo án có chất lượng, hết lòng vì học sinh; đối với học sinhcần rèn ý thức tự giác, chủ động trong học tập, tích cực tham gia đội tuyển. Ngoài ra, học sinh cần có thói quen đọc sách văn học để tiếp xúc với các tác giả, tác phẩm không được đưa vào học trong chương trình, mở rộng tri thức văn học sử, lý luận văn học; cònđối với phụ huynh học sinh thì cần hiểu sâu sắc ý nghĩa của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, từ đó, tạo điều kiện về thể chất và tinh thần cho con em tích cực tham gia các buổi học bồi dưỡng học sinh giỏi, luôn ủng hộ niềm đam mê văn học của các em.
 
Nói tóm lại, để bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn trong trường phổ thông, chúng ta rất cần những sáng kiến, những phương pháp của các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên dạy văn, niềm đam mê của học sinh và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh./.
 
                                                                                                         Bài: Lê Ngân
BBT.