Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh( 19/5/1890 – 19/5/2015 )
03:09 | 09/05/2015 Print   E-mail    

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Chù ), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.
Sau nhiều năm hoạt động trong nước và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng rất nhiều bí danh và tên gọi khác nhau để đánh lạc hướng kẻ thù. Tuy nhiên danh xưng Hồ Chí Minh được chọn là tên gọi chính thức của Người. Theo một số tài liệu thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu sử dụng danh xưng này từ năm 1942 khi sang trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt minh là hội Quốc tế phản xâm lược Việt nam, để tranh thủ sự ủng hộ của Trung hoa dân quốc.
 
Ngoài tên gọi Hồ Chí Minh và tên tự Nguyễn Tất Thành , trong cuộc đời mình Người còn có nhiều tên gọi và bí danh khác như: Nguyễn Ái Quốc, Văn Ba, Lý Thụy, Hồ Quang, Vương, Tống Văn Sơ, Trần, Thầu Chín, Lin, Chen Wang, Già Thu...
 
Từ lúc sinh ra đến 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của gia đình đặc biệt là của ông bà ngoại. Năm 1895 Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, sau khi thân mẫu qua đời, Nguyễn Sinh Cung theo cha trở về Nghệ An rồi lấy tên Nguyễn Tất Thành, tích cực học chữ Hán và theo cha đi một số nơi, học được nhiều điều. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành lại theo cha vào Huế, lúc đầu học trường Pháp – Việt, sau học trường Quốc học Huế. Khoảng cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, tháng 8/1910 vào Phan Thiết, làm giáo viên trường Dục Thanh. Tháng 2/1911 Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn.
 
Chứng kiến cảnh nhân dân sống lầm than, cực khổ dưới ách thực dân tàn bạo; Những thất bại đau đớn của các sĩ phu yêu nước tiền bối, ngày 5/6/1911 người thanh niên ưu tú của dân tộc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với tên gọi mới là Văn Ba, lên tàu Amiran Latuso Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng.
Với hành trang ban đầu là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập, tự do; Người đã chọn con đường không giống với con đường mà các bậc tiền bối đã đi. Bước chân của Người đã đặt đến nhiều trung tâm văn minh nhất cũng như những nơi bần cùng nhất của thế giới. Nơi đầu tiên Người đến là nước Pháp, một trung tâm văn minh của thế giới và cũng là đất nước của kẻ thù  đang thống trị dân tộc mình. Sau đó người đi tới nhiều nước khác: Trung Quốc, Liên Xô, Thái Lan, Hoa Kỳ, Anh...Làm đủ các nghề và tìm ra chân lý giải phóng dân tộc.
 
Ngày 18/6/1919 với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, gửi tới hội nghị Véc-xây bản yêu sách, đòi chính phủ các nước họp hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của nhân dân Việt Nam.
 
Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thức được xu hướng phát tiển của thời đại. Từ một người yêu nước nồng nhiệt, Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lê Nin soi đường chỉ lối.
 
Những năm hoạt động trong phong trào Cộng sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê Nin, học tập kinh nghiệm của các Đảng cộng sản, kinh nghiệm của Liên Xô – Quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã tích lũy được những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, hình thành dần đường lối cứu nước, Người đi đến khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường Cách mạng vô sản”.
 
Năm 1920 Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp tại đại hội Tua; Năm 1921 Người tham gia thành lập hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; Năm 1922 xuất bản tờ báo “ Người cùng khổ” ở Pháp. Năm 1923 Người được bầu vào ban chấp hành Quốc tế nông dân. Năm 1924 Người tham dự đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là ủy viên thường trực Bộ phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á, xuất bản 2 cuốn sách nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp và đường cách Mệnh. Cũng cùng năm này Người thành lập hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Quảng Châu ( Trung Quốc ) và tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt cho hội, đào tạo cán bộ Cộng sản để lãnh đạo hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào Việt Nam.
Ngày 3/2/1930 Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long, Hương Cảng ( Trung Quốc )thống nhất 3 tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, điều lệ vắn tắt và chương trình vắn tắt của Đảng cộng sản Việt Nam.
 
Năm 1941 Nguyễn Ái Quốc trở về nước triệu tập hội nghị lần thứ 8 của ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc trong giai đoạn mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội, tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chính sách căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
 
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Năm 1946 Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ những thành quả của Cách mạng tháng 8. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã dành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử "chấn động địa cầu" Điện Biên Phủ 1954.
 
Năm 1955 Trung ương đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 2 nhiệm vụ chiến lược là: tiến hành cách mạng XHCN và xây dựng CNXH ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Năm 1960, Đại hội lần thứ III của Đảng đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ tịch ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II và khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cùng với ban chấp hành Trung ương đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam - Một chiến sĩ xuất sắc - Một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Cộng sản Quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Người được xem không chỉ là một danh nhân của dân tộc Việt Nam mà còn của thế giới. Trong khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24 tại Paris năm 1987 UNESCO đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC - DANH NHÂN VĂN HÓA.
                                                                                                Bài: Hoàng Yến
BBT.