Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Giáo viên các trường mầm non biến vật liệu phế thải thành đồ dùng đồ chơi dạy học
10:30 | 11/03/2015 Print   E-mail    

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh, các ban ngành và chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt sự đóng góp tích cực của phụ huynh, thiết bị dạy hoc, đồ chơi cho trẻ ngày càng phong phú, mang tính hiện đại, đáp ứng phần nào yêu cầu thực hiện chương trình Giáo dục mầm non. Tuy nhiên nhiều thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, không gần gũi với trẻ và chưa đáp ứng việc thực hiện các chủ đề trong trường mầm non. Để khắc phục những hạn chế đó, giáo viên các trường mầm non trong tỉnh đã tích cực tự làm đồ dùng giảng dạy, đồ chơi cho trẻ bằng các vật dụng phế thải, nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương.
 
Cây hoa đào, hoa mai, nồi bánh chưng, bánh tét, con tàu, ngôi nhà cho đến những cảnh vật, muông thú ngộ nghĩnh dễ thương này được các cô giáo trường mầm non Hương Sen tại Thành phố Vũng Tàu làm thủ công từ các vật liệu phế thải. Từ những nguyên vật liệu phế thải tưởng như đã vứt đi, nhưng với sự cần mẫn, bàn tay khéo léo của các cô giáo trường MN Hương Sen, các vât liệu ấy đã thu lượm, góp nhặt, xử lý, làm sạch để tao nên những đồ dùng đồ chơi an toàn không gây độc hại cho trẻ, giúp bảo vệ môi trường và phục vụ cho chính các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Không chỉ tự sáng tạo, tự làm, giáo viên trường mầm non Hương Sen còn hướng dẫn, lôi cuốn trẻ cùng tham gia bằng cách gợi ý trẻ tự chọn màu sắc, hướng dẫn thao tác và cách làm ra các đồ dùng đồ chơi gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ.  Đây là cách mà giáo viên trường Hương Sen giáo dục trẻ tình cảm yêu quý lao động, biết tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Hoạt động này cũng giúp trẻ bộc lộ tư duy, trí tưởng tượng và khơi nguồn sáng tạo.
 
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên trường mầm non Hương Sen, Thành phố Vũng Tàu cho biết: “ Hàng năm trường tổ chức thi đồ dùng đồ chơi để tạo phong trào thi đua giữa các giáo viên và khối lớp. Đây cũng là nhiệm vụ mà giáo viên chúng tôi đã xác định từ đầu năm học. Giáo viên khi làm đồ dùng đồ chơi dạy học phải khéo léo, sáng tạo. Từ những nguyên vật liệu phế thải, các cô có thể suy nghĩ và sáng tạo, tìm tòi làm sao để tạo ra sản phẩm đẹp mắt thu hút trẻ nhỏ.”
 
 
Không chỉ các trường mầm non tại khu vực Trung tâm Thành phố mới mạnh về phong trào làm đồ dùng đồ chơi dạy học từ vật liệu phế thải mà tại các trường vùng sâu vùng xa trong tỉnh, phong trào này cũng được các trường thực hiện tích cực. Chẳng hạn tại trường mầm non Rạng Đông ở xã Xà Bang và trường mầm non Sen Hồng tại xã Kim Long của huyện Châu Đức, tận dụng các vỏ hộp sữa học đường, giáo viên của hai trường này đã tái hiện lại các mô hình trường học, trang trại, các nhạc cụ hiện đại cũng như dân tộc, các câu chuyện cổ tích...sống động, đẹp mắt. Việc tận dụng lại các phế liệu bỏ đi để làm đồ dùng đồ chơi dạy học đã giúp cho mỗi trường tiết kiệm được từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi năm. Đây là một số tiền không nhỏ đối với các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
 
Cô Nguyễn Mai Bích Thu Giáo viên trường mầm non Rạng Đông Châu Đức cho biết: “ Đối với chương trình mầm non, tâm lý của trẻ là cần phải được vừa chơi vừa học, phải được tiếp xúc với đồ dùng đồ chơi thì trẻ mới có thể tiếp thu được kiến thức nhanh hơn. Với môi trường mầm non như vậy thì GV cần phải đầu tư nhiều về kỹ năng làm đồ dùng đồ chơi. Thứ nhất là để có đồ dùng phục vụ cho các góc chơi, các tiết học. Thứ hai là để GV được thể hiện sáng tạo của mình và góp phần tiết kiệm cho quỹ của nhà trường và tạo điều kiện cho trẻ học tập tốt hơn.”
 
 
Phong trào thi đua tự làm đồ dùng, đồ chơi đã tạo thành làn sóng lan rộng khắp các nhà trường từ nhiều năm nay. Nhiều sản phẩm được kết tinh bởi sự khéo léo, sáng tạo của giáo viên, phụ huynh học sinh và bản thân trẻ được trải nghiệm với cơ hội học tập khác nhau khi tham gia hoạt động này. Nhiều đồ dùng, đồ chơi bền, đẹp, có tính sư phạm tốt, có giá trị sử dụng cao được nhân rộng cách làm trong đội ngũ giáo viên, làm phương tiện hỗ trợ nâng cao chất lượng học tập, vui chơi cho trẻ trong trường Mầm non; Tạo cơ hội cho giáo viên mầm non phát huy khả năng, sáng tạo trong nghiên cứu, cải tiến, tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ phục vụ thiết thực việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục mầm non mới.
 
Ông Nguyễn Thanh Giang, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh BRVT nhận xét:” Đây là một trong những hoạt động rất sáng tạo của các cô giáo ở các trường mầm non. Chúng tôi đánh gíá rất cao sự nỗ lực sáng tạo của các cô trong các hoạt động làm đồ dùng đồ chơi và Bộ GD-ĐT về kiểm tra cũng đã đánh gái như vậy. Trong điều kiện hiện nay kinh phí để trang bị đồ dùng dạy học cho các nhà trường nói chung và đối với các lớp mầm non rất hạn chế. Do vậy, việc các trường mầm non trong tỉnh tận dụng các rác thải thành đồ chơi đã tiết kiệm rất lớn cho ngân sách tỉnh  nói chung và kinh phí cho ngành và các nhà trường nói riêng. Hoạt động này cũng đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhà trường, hoạt động GD các cháu ở độ tuổi mầm non.”
 
Thực tế hiện nay, đồ chơi cho trẻ mầm non có rất nhiều trên thị trường, nhưng để đáp ứng được nhu cầu học theo từng chủ đề thì phải tốn kém khá nhiều kinh phí. Ngoài ra, một số bài giảng không có đồ dùng, đồ chơi phù hợp với chủ đề. Chưa kể đến một số đồ chơi trên thị trường có thể độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng đến trẻ. Do vậy, việc giáo viên các trường không ngại khó, ngại khổ, bỏ công sức và thời gian nghỉ ngơi của mình để sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi phù hợp với từng chủ đề, nội dung bài giảng, tình huống giáo dục không chỉ khắc phục được các hạn chế kể trên mà còn giúp trẻ phát huy được tính tích cực sáng tạo trong các hoạt động. Thông qua các đồ chơi được tạo ra từ vật dụng gần gũi với cuộc sống có thể giúp trẻ học được các kỹ năng, kiến thức trong đời sống và hứng thú hơn khi tham gia các hoạt động ở trường. Phong trào này cũng đã hình thành ở giáo viên ý thức thường xuyên nghiên cứu tự làm đồ dùng dạy học, qua đó góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và đặc biệt hình thành ở trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường một cách bền vững.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.