Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Hình thành thói quen đọc sách
09:48 | 26/03/2015 Print   E-mail    

NGÀY SÁCH VÀ BẢN QUYỀN THẾ GIỚI 23-4:
Hình thành thói quen đọc sách
--------
 
Ngày Sách và Bản quyền Thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha): Vào ngày 23-4 hàng năm (là ngày lễ Thánh Goerge), có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó. Ngày 23-4 còn là ngày mà cả ba đại văn hào của thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác của mọi thời đại. Ngày này cũng là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo. Chính vì vậy, UNESCO mong muốn Ngày Sách và Bản quyền Thế giới sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng - những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại; dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc.
 
Sinh viên trường Đại học BR-VT chọn mua sách tại Ngày hội sách tổ chức tại trường
 
Sách chính là nơi để người ta có thể tự vấn lại chính mình, độc thoại và tự hiểu. Trong cuộc sống vội vã, xô bồ, lẽ ra sách còn là điểm dừng rất cần thiết nhưng đối với nhiều người, đặc biệt là số đông bạn trẻ ngày nay họ lại bỏ qua thói quen đọc sách. Một số bạn trẻ chỉ đọc những gì “hot”, những sự kiện xôn xao mà quên đi những tác phẩm nghệ thuật, những cuốn sách thực sự mang lại những điều bổ ích cho bản thân. Ông Hoàng Phúc Cương, Giám đốc Nhà sách Hoàng Cương (163 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Nhiều người đã quên thói quen đọc sách vì đổ lỗi cho môi trường xung quanh, cho cuộc sống hôm nay quá xô bồ vội vã, bon chen nên sách trở thành thứ xa lạ. Mặc dù vẫn có những em học sinh đến ngồi đọc tại chỗ với mong muốn tìm được những thông tin bổ ích. Nhưng số đó rất ít”.
 
Đối diện câu hỏi về thói quen đọc sách, không chỉ có giới trẻ mà nhiều người lớn tuổi cũng thừa nhận, nhu cầu đọc sách từ lâu đã bị họ xếp sau các nhu cầu giải trí khác như: đọc báo, online, xem phim, nghe nhạc... Bởi vậy, để đào luyện được thói quen này ở nhiều người, thật sự không phải dễ dàng. Nhiều học sinh, sinh viên hiện tại nếu có đến thư viện cũng chỉ đơn thuần để ngồi máy tính gõ chat, nhận email. Việc họ kỳ công tìm tựa sách nào đó ở thư viện không phải là nhiều, không phổ biến như trước đây. Đồng ý, xã hội phát triển kéo theo sự thay đổi của con người nhưng đọc sách vẫn là một thói quen nên có ở mỗi người vì có những thứ mà không gì có thể thay thế sách đọc được. Ông Trần Duy Lập, Giám đốc Nhà sách Nguyễn Du, cũng chung một quan điểm. Ông Lập cho rằng đọc sách không chỉ giúp bồi đắp kiến thức mà còn tạo cho người đọc sự tưởng tượng phong phú, tính chủ động, hiệu quả tiếp thu nhiều hơn... Người nước ngoài, họ đọc sách bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào, miễn là có thể đọc được. Họ có thể ngồi trịnh trọng ở bàn đọc, trong thư viện, nhiều khi họ cũng đọc sách khi đi xe buýt, trên xe taxi, ở nhà ga hay trong lúc chờ đợi làm thủ tục giấy tờ… Không tiện cầm sách trong tay, thì họ dùng điện thoại di động, ngay cả những chiếc máy nghe nhạc đời mới, miễn là có tính năng đọc văn bản, họ cũng biến hóa được thành trang sách. Từ đó, chúng ta cần phải có sự đào luyện lại thói quen đọc sách như vậy.
 
Lâu nay, chúng ta đã quen có tâm lý “dạy và học”. Nhiều nhà giáo đã đề nghị cần thay đổi góc nhìn đó bằng cách hãy để học sinh đọc, chứ không chỉ là học. Đã đến lúc, chúng ta cần phải đưa học sinh đến với sách đọc, dạy cho học sinh phương pháp tự tư duy và dẫn nhập bằng khối lượng tri thức đồ sộ, phương pháp luận trong sách vở. Song song đó thì ngành xuất bản và cơ quan quản lý văn hóa cần xiết chặt hơn cánh cửa kiểm duyệt để loại bỏ những kiểu sách vở xào nấu, sai văn phạm, trái với thuần phong mỹ tục… Hàng năm Thư viện tỉnh đều mở Ngày hội đọc sách, Hội nghị bạn đọc, Hội thi kể chuyện sách… nhằm khuyến khích mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên tham gia. Bên cạnh đó, thư viện cũng thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu sách, định kỳ mỗi quý một lần để giới thiệu những cuốn sách hay, sách mới có giá trị đến với bạn đọc. Ngoài ra, Thư viện tỉnh và các thư viện cấp huyện cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về những cuốn sách hay, sách “gối đầu giường” để bạn đọc tham gia, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho mọi người. Nếu chưa quen với sách, mỗi người chỉ cần mỗi ngày đọc một trang. Vạn dặm xa khởi đầu từ một bước dưới chân, một thói quen khởi đầu từ một việc làm nho nhỏ như vậy. Quan trọng là đừng bỏ quên sách, mà phải luôn có trong tầm tay với một cuốn sách hay một phương tiện có thể hỗ trợ đọc sách để ý thức đọc, thói quen đọc biến thành bản năng, thành phản xạ có điều kiện ở mỗi người.
 
Bài, ảnh: Yến Nhi
BBT.