Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Tết thầy - nét đẹp truyền thống của người Việt
10:12 | 21/02/2015 Print   E-mail    

 
“Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy”, đã bao đời nay, người Việt Nam lưu truyền câu thành ngữ đó như để ghi nhớ về một thuần phong mỹ tục của dân tộc. Dẫu “Tết thầy” xưa và nay có nhiều thay đổi, nhưng trong tâm thức mỗi người dân Việt, nhớ về người thầy trong những ngày vui Tết là truyền thống không bao giờ mất.
 
 
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần tết đến, xuân về, thầy Dương Tiến Thông, cựu giáo viên trường THPT VT lại dâng lên một niềm vui vô bờ. Niềm vui ấy không chỉ bởi do sắc trời mùa xuân mang lại, và cũng không chỉ bởi tết là dịp đoàn viên, sum họp gia đình, mà còn là vì dịp Tết, thầy Thông được gặp lại những người học trò cũ, nghe trò kể về những thăng trầm trong cuộc sống, thấy được sự trưởng thành của những người học trò mình đã dạy dỗ năm xưa, qua đó thấy lại được hình ảnh của mình với hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo.
 
Thầy Dương Tiến Thông, cựu giáo viên trường THPT VT chia sẻ: “Tôi về hưu từ năm 2010, đến nay được 5 năm. Trong 5 năm cứ tết đến vào ngày mùng 3 là học trò đến thăm chúc tết thầy, với chúng tôi đó là điều rất cảm động. Đó là món quà mà cuộc đời đã ban tặng cho nghề của chúng tôi”
 
Chị Nguyễn Thị Song Giao- Cựu học sinh trường THPT Vũng Tàu tâm sự: “Mỗi năm tết đến, chúng tôi đều nhớ đến người thầy khi xưa đã từng dạy chúng tôi. Vì vậy, năm nào chúng tôi cũng đi tới thầy cô thăm hỏi, an ủi những thầy cô tuổi già và cả thầy cô trẻ. Dịp đi thăm như vậy gợi lại cho chúng tôi những công ơn của thầy”
Còn cô Doãn Thị Minh Hải, cựu giáo viên trường THPT Vũng Tàu, mặc dù nghỉ hưu đã 13 năm nay, nhưng Tết năm nào cô cũng được nhiều học trò về thăm chúc tết. Học trò của cô, có người mái tóc cũng đã bạc màu thời gian, nhiều người không chỉ thành nhân mà cả thành danh, thế nhưng lòng tôn kính người giáo viên đã tận tụy, hết lòng yêu thương truyền đạt kiến thức, dạy dỗ điều hay lẽ phải ở đời thì vẫn nguyên vẹn trong lòng nhiều thế hệ học trò. Và năm hết, tết đến, khi tạm gác lo toan, bận bịu, học trò lại tìm đến cô để thăm hỏi, tri ân.
 
Anh Nguyễn Thanh Phước- Cựu học sinh trường THPT Vũng Tàu chia sẻ “Trong dịp ngày xuân này, chúng tôi đến thăm thầy cô giáo là một cơ hội để chúng tôi bày tỏ tình cảm, tình thầy trò và sự quý mến đối với các thầy cô giáo. Dịp tết thế này mà chúng tôi đến thăm thầy cô thì tình cảm thầy trò cũng được nhân lên và sâu đậm hơn. Và chúng tôi, phần nào đó đã đền đáp được công ơn thầy cô đã dạy dỗ chúng tôi trở thành những người trưởng thành, thành đạt”
 
Cô Đoàn Thị Minh Hải- Cựu giáo viên trường THPT Vũng Tàu xúc động chia sẻ: “Trong không khí ngày Tết như ngày hôm nay thì ai cũng vui cả , nhưng nhà giáo chúng tôi lại càng vui hơn bởi vì có những học trò từ nhiều năm nay không gặp, có khi cả 20 năm. Nhiều em nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa, nhờ đó tạo nên những tình cảm sâu đậm giữa thầy trò”
 
Đến với thầy cô dịp Tết là đạo lý chứ không phải là sự bắt buộc. Tuy nhiên, thế hệ học trò ngày nay không phải ai cũng biết đến truyền thống này. Học trò ngày nay có nhiều phương tiện giải trí hơn trong dịp tết. Nhiều em còn phải theo cha mẹ đi du lịch đó đây, phong tục “ Tết thầy” cũng vì thế phần nào phai nhạt.  
Cô Nguyễn Thị Phương- Hiệu trưởng trường THCS Vũng Tàu nhận xét: “Lớp trẻ hiện nay, nhiều em không hiểu được ý nghĩa này, tuy nhiên vẫn còn nhiều em được cha mẹ, ông bà hướng dẫn nên vẫn giữ truyền thống đến thăm thầy cô vào dịp Tết. Có thể nói, phong tục “mùng một tết cha, mồng 3 tết thầy” rất quan trọng và ý nghĩa vì nó đề cao vai trò, công đức của người thầy đối với sự thành đạt của học trò. Và trong những ngày tết, người thầy sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi không chỉ được sum họp bên gia đình mà còn có những người học trò luôn nhớ đến thầy cô để đến chúc Tết”
 
Xã hội ngày nay theo yêu cầu đổi mới GD, xét về mối tương quan tiếp nhận kiến thức, thầy cô giáo không còn giữ vị trí độc tôn. Và trong quá trình xây đắp tri thức, thầy giáo chỉ ở vị trí hướng dẫn. Tuy nhiên, người thầy đúng nghĩa không có gì thay thế, thầy vẫn là kim chỉ nam, là nguồn mạch dẫn dắt, để từ điểm tựa, từ một chỉ giáo dù nhỏ nhất của thầy mà ít nhất ta vượt ra khỏi chính ta. Tôn sư trọng đạo vì thế mãi là một đạo lý cơ bản trong lẽ làm người. Chính đạo lý này làm nên nét đẹp đậm chất nhân văn nhất mà cha ông truyền lại cho chúng ta và rất cần mỗi thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ, phát huy.
 
Bài, ảnh: Minh Phát

BBT.