Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Đổi mới cách dạy - học môn văn và môn sử
12:46 | 24/12/2014 Print   E-mail    

Những năm gần đây, văn học và lịch sử là hai bộ môn ít được học sinh quan tâm. Đưa văn học lên sân khấu, dẫn học sinh về nguồn… những việc làm này tưởng chừng chỉ để vui chơi, giải trí vậy mà lại mang đến hiệu quả thiết thực cho việc học văn, dạy sử trong các trường phổ thông hiện nay.

 “Suốt những năm dạy học, chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để tiếp thêm ngọn lửa đam mê văn học cho học sinh? Giảng thật hay, nói thật sâu với những bài giảng trên lớp thôi chưa đủ, một chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tổ chức tại trường để các em cảm thụ tác phẩm văn học là việc nên làm”, cô Phùng Thị Lan, giáo viên văn trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) giải bày những trăn trở của một giáo viên dạy văn như vậy. Và bằng chính tâm huyết của mình, các thầy cô giáo trường THPT Trần Nguyên Hãn đã truyền thêm lửa cho học sinh để các em thêm yêu môn văn bằng những buổi ngoại khóa văn học sinh động. Chỉ trong vòng nửa tháng, cả thầy và trò cùng chọn tác phẩm văn học rồi chuyển thể sang kịch bản sân khấu; chọn những lời thoại vừa vui tươi, dí dỏm vừa không làm mất cái “cốt” của tác phẩm văn chương… Vậy rồi có tới hơn 50 trích đoạn, hoạt cảnh của các khối lớp lcùng tham gia vòng “sơ tuyển”, thầy cô giáo của trường đã chọn ra 17 tác phẩm xuất sắc nhất để công diễn phục vụ hàng ngàn học sinh của trường vào một giờ ngoại khóa văn học vào buổi tối.
 
Buổi ngoại khóa văn học không khác nào một buổi biểu diễn nghệ thuật mà ở đó mỗi người sắm một vai: thầy hiệu trưởng làm sân khấu; cô dạy văn làm người dẫn chương trình, hóa trang, nhắc vở; các em học sinh hóa thân thành những nhân vật trong vở kịch… Không khí buổi ngoại khóa “nóng” hẳn lên bởi những vai diễn sinh động, với những lời thoại tự nhiên trong các trích đoạn: Tắt đèn, Chí Phèo, Xã trưởng – mẹ Đốp, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Cô bé bán diêm, Romeo - Juliet… Xen lẫn giữa các trích đoạn các tác phẩm văn học là những khúc ca, điệu múa được phổ nhạc từ những bài thơ, bài dân ca: Viếng lăng Bác, Trống cơm, Chuyện tình Cổ Loa, Đàn ghitar của Lor – ca, Mùa xuân nho nhỏ… Em Đặng Hoàng Vũ vào vai xã trưởng trong trích đoạn Xã trưởng – mẹ Đốp cho biết, trước đây em không thích môn văn học nhưng khi tham gia những buổi ngoại khóa văn học ở trường THPT Trần Nguyên Hãn, em thấy việc tiếp cận với các tác phẩm văn học trở nên nhẹ nhàng; dễ hiểu. Từ đó, em thấy yêu bộ môn này hơn. “Sau buổi ngoại khóa văn học, dễ nhận ra một điều: văn học vẫn có một sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của con người. Ở đâu đó những cái tên trong tác phẩm văn chương vẫn đang được người đời dùng để chỉ những mẫu người khác nhau trong xã hội. Và ở đâu đó như trong không gian của một buổi ngoại khóa, chính sức sống của văn chương đã mang lại những giá trị tinh thần to lớn”, cô Phùng Thị Lan nói thêm.
 
Các em học sinh tiểu học tham quan trận địa pháo cổ Sao Mai – Núi Lớn trong một tiết học ngoại khóa môn Lịch sử.
 
Từ nhiều năm qua, trong trường phổ thông môn học lịch sử vẫn còn bị xem là môn phụ. Các em học sinh hầu như chỉ tiếp cận với lịch sử đất nước bằng con đường duy nhất là các bài giảng khô khan qua sách giáo khoa. Vài năm gần đây, đưa học sinh về nguồn, đến trực tiếp những địa danh lịch sử được xem là phương pháp dạy sử thiết thực, mang lại hiệu quả. Về nguồn là dịp để các em học sinh đến tận nơi tham quan di tích, những hiện vật còn lưu lại trong mỗi sự kiện lịch sử. Từ đó, học sinh cảm thấy như được hòa mình bằng cảm xúc thật vì vậy bài học lịch sử với các em học sinh trở nên hấp dẫn, sống động hơn. Có sự hào hứng, yêu thích trong quá trình học tập, bài học lịch sử không chỉ đơn thuần đọng lại là kiến thức lịch sử. Chính sự hào hứng, yêu thích còn giúp các em học sinh chuyển hóa một cách hiệu quả nhất những hiểu biết thành tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm với tương lai…
 
Ông Phạm Chí Thân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho rằng, việc về nguồn để học lịch sử địa phương cần phải được nhân rộng để phát huy hết giá trị của di tích lịch sử. Di tích lịch sử chính là chiếc cầu nối để thắt chặt mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Trước đây, nhiều học sinh đều không mặn mà với môn lịch sử bởi nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân quan trọng xuất phát từ phương pháp giảng dạy. Những năm gần đây, việc giáo dục truyền thống-lịch sử dân tộc cho học sinh đã được đổi mới, bằng nhiều hình thức: trưng bày, triển lãm; sinh hoạt chuyên đề; hội thảo, gặp gỡ nhân chứng, phát hành bản tin, tập san; tổ chức thi tìm hiểu kiến thức lịch sử... Ngoài các hình thức kể trên, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tổ chức nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử và đổi mới phương pháp giảng dạy môn lịch sử cho các thầy cô giáo dạy các môn về khoa học xã hội nhân văn của các trường.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.
 

Các bài mới hơn
Các bài cũ hơn