Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Chủ động phòng, chống bệnh tay - chân - miệng trong trường học
03:21 | 09/10/2019 Print   E-mail    

Các trường mầm non, Tiểu học trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã bước vào năm học mới được hơn một tháng, theo dự báo từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì đây sẽ là thời điểm thuận lợi khiến bệnh tay - chân - miệng bùng phát và diễn biến phức tạp. Hiện tại đang là thời điểm mà bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng, chống. Trước tình hình đó, đòi hỏi các cấp, các ngành nhất là ngành giáo dục trên địa bàn thành phố Vũng Tàu cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm chủ động ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong.

(Minh họa: Các em học sinh Trường mầm non Họa Mi - phường Rạch Dừa trong hội thi Vui-khỏe) 

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Theo Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc bệnh tay chân miệng. Điều đáng nói, các ca mắc tay chân miệng tăng mạnh trong tháng 9 và đầu tháng 10, với 565 trường hợp. Thành phố Vũng Tàu là địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng nhiều nhất tỉnh. Nhằm chủ động phòng tránh dịch bệnh này, các trường học tại thành phố Vũng Tàu đang triển khai nhiều biện pháp như tổ chức phun thuốc diệt muỗi, tăng số lần vệ sinh trường lớp từ hai đến ba lần trong tuần, tẩy rửa vệ sinh đồ dùng đồ chơi cho trẻ bằng nước khử trùng Chloramin B....

Thời điểm hiện nay, khi trẻ đã bước vào năm học mới, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, sẽ khiến bệnh dễ lây lan và phát triển. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh Tay chân miệng là sốt, tổn thương ở da (rát đỏ, nổi mục nước một số vị trí như quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông), trẻ dễ quấy khóc… Để hạn chế bệnh Tay chân miệng lây lan, các giáo viên khi đón trẻ nên quan sát kỹ, nhằm nhận biết sớm các trường hợp bệnh. Khi phát hiện trẻ bị mắc bệnh Tay chân miệng, phụ huynh không nên cho con đến lớp. Tốt nhất là chờ đợi khi bệnh hết hẳn, nhằm tránh lây lan cho trẻ khác. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; đảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ nâng cao sức đề kháng,… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Tay chân miệng cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Khảo sát tại một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Vũng Tàu thì chúng tôi được biết: Ngay từ đầu năm học mới, các nhà trường đã tuyên truyền để phụ huynh khi gửi con biết về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, cảm cúm, sốt xuất huyết... đồng thời yêu cầu giáo viên phải rửa tay, rửa mặt cho trẻ trước khi ăn. Đồ chơi, bàn, ghế thường xuyên được lau sạch sẽ. Hàng ngày, sau khi trả hết trẻ vào cuối buổi, các cô giặt khăn mặt bằng xà phòng, hấp sấy theo đúng quy định, nhằm hạn chế không để trẻ bị lây chéo. Cùng với việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ dụng cụ học tập và đồ chơi, các trường tiểu học có học sinh bán trú tăng cường công tác an toàn thực phẩm; đảm bảo vệ sinh khu vực chế biến, bếp ăn; dùng Chloramin B để khử khuẩn sàn nhà, khu vệ sinh; giáo dục cho trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân...

Theo Ban Giám hiệu Trường mầm non Họa Mi - phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu thì: Cứ thứ 6 hàng tuần, cán bộ, giáo viên, nhân viên trường chúng tôi tổng vệ sinh toàn trường như lật thảm; quét dọn vệ sinh mạng nhện, dùng nước tẩy rửa để lau sàn và tẩy rửa vệ sinh đồ chơi, sau đó phơi nắng để cho các con sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dán thông báo tuyên truyền ở ngoài bảng để phụ huynh cũng như các cô giáo nắm bắt được những điều cần thiết để phòng chống dịch tay chân miệng, cho các con rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Để phòng, chống hiệu quả, các giáo viên còn hướng dẫn trẻ cách rửa tay, sau đó, cho các em thực hành để hiểu rõ hơn. Các lớp học đều có số lượng học sinh khá đông, nên nếu xuất hiện một trẻ mắc bệnh, nguy cơ lây lan là rất cao.

Chị Nguyễn Thị Phương, ở phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu chia sẻ: “Thấy thông tin trên báo, đài, nhà trường tuyên truyền nhiều về bệnh Tay chân miệng nên tôi sợ lắm. Do đó, tôi nghĩ bản thân là phụ huynh nên tự ý thức đảm bảo vệ sinh đồ chơi, ăn uống cho con để hạn chế lây lan, chứ không nên ỷ lại vào nhà trường hay ngành chức năng”.

Còn ngành y tế thành phố Vũng Tàu, thời gian qua cũng phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong công tác phòng, chống bệnh Tay chân miệng. Cụ thể, ngành y tế đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, giám sát phòng bệnh Tay chân miệng ở các điểm trường; cấp phát Cloramin B kịp thời cho các trường; đẩy mạnh công tác truyền thông trong trường học; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; kịp thời xử lý khi xảy ra ổ dịch…

Trong thời gian tới, bệnh Tay chân miệng vẫn có chiều hướng gia tăng nên rất cần sự chủ động từ nhà trường, ngành y tế và người dân tại thành phố Vũng Tàu để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như: Cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu