Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tăng cường các giải pháp xử lý nước thải đô thị tại Vũng Tàu
07:30 | 08/08/2019 Print   E-mail    

Trong thời gian gần đây, đặc biệt là mùa mưa năm 2018 đến nay, tại thành phố Vũng Tàu đã liên tục xảy ra các trận mưa có cường độ lớn trên diện rộng với tần suất rất dày (cường độ mưa từ 80 mm đến 170 mm) kết hợp với thủy triều cao, với những ảnh hưởng của nước biển dâng mà trước đây chưa từng xảy ra. Điều này đã làm một số tuyến đường, lưu vực địa bàn Thành phố bị ngập úng cục bộ, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân cư. Vậy trong tương lai, làm thế nào để các đô thị như thành phố Vũng Tàu đối phó với tình trạng ngập úng như những ngày qua và ứng phó với những bất thường của thời tiết?

Cứ vào mùa mưa nhất là khi Vũng Tàu dồn dập đón những trận mưa lớn, nhiều đoạn đường trong thành phố bị ngập úng, chậm thoát nước, thậm chí có những trận mưa sau 2 – 3 giờ mới thoát hết. Cụ thể là các đoạn đường dọc đường Lê Hồng Phong, đoạn ngã năm Lê Hồng Phong – Ba Cu – Trương Công Định, ngã ba Lê Hồng Phong – Huyền Trân Công Chúa, ngã ba Lê Hồng Phong – Thống nhất mới; Đường 30/4 đoạn từ Lê Quang Định đến Nguyễn Hữu Cảnh; Đường Ngô Quyền đoạn từ Lưu Chí Hiếu đến số 72 Ngô Quyền; Đường 51B (đường 2/9) đoạn từ Nguyễn An Ninh đến Lê Quang Định và từ Trần Anh Tông đến Lưu Chí Hiếu phía trái tuyến; Đường 51C (đường 3/2) đoạn từ Nguyễn Hữu Cảnh đến Đô Lương.

Một đoạn đường Bình Giã bị ngập nước khi trời mưa lớn

Theo cán bộ Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật – Sở Xây dựng cho biết:  “ Ngoài tác động về biến đổi khí hậu và nước biển dâng nói trên, vấn đề ngập nước tại thành phố còn đến từ các nguyên nhân nội tại khác. Đó là do tốc đô thị hóa nhanh, bề mặt đô thị chuyển từ mặt đất tự nhiên (như đất, cát, bãi cỏ, mặt nước) sang các loại mặt phủ nhân tạo (như mái nhà, sân bãi lát gạch, bê tông, đường nhựa,...). Nước mưa trước đây tự thấm xuống đất là chính nay chuyển sang chảy tràn trên bề mặt, dồn ra đường, không thu, thoát kịp nên gây ngập. Thêm vào đó, việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước còn gặp nhiều khó khăn. Các cửa thu nước thường bị người dân lấp lại để ngăn mùi hôi; rác, lá cây trôi theo nước bít kín các cửa thu nước. Khi mưa không kịp khơi thông dẫn đến hạn chế khả năng thu nước mưa trên đường. Còn các cống thoát nước bị lắng đọng không nạo vét kịp: những khu vực gần biển có nhiều cát bay; khu vực ven núi có nhiều đất, cát rửa trôi. Mỗi khi mưa, đất cát trôi vào trong cống, lắng đọng thu hẹp dòng chảy rất nhanh làm hạn chế khả năng thoát nước trong cống. Cùng với các nguyên nhân trên, hệ thống thoát nước đô thị chưa hoàn chỉnh. Mặc dù tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đã có quy hoạch chung về xây dựng và quy hoạch chuyên ngành thoát nước được phê duyệt, trong đó hệ thống thoát nước đã được tính toán để đảm bảo tiêu thoát nước. Tuy nhiên, là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa cao, đến nay hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, còn chắp vá, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước”.

Thu gom và nạo vét các cống thoát nước trên địa bàn thành phố Vũng Tàu

Để khắc phục những khó khăn và hạn chế nêu trên, nhiều giải pháp tổng thể cũng như chi tiết về việc chống ngập nước và xử lý nước thải đô thị đã được đưa ra cụ thể.

Trước hết, cần đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước của đô thị từ khâu quy hoạch đến triển khai các dự ấn đầu tư xây dựng. Đồng thời, tăng cường sử dụng các giải pháp thấm nước trên mặt bằng đô thị như thảm cỏ, gạch lỗ, hạn chế bê tông hóa ở những diện tích không thực sự cần thiết; Quản lý chặt chẽ cao độ nền xây dựng theo quy hoạch; tập trung xử lý thoát nước cho khu vực dân cư có nền thấp, thường bị ngập nước như khu vực dọc kênh Bến Đình, thành phố Vũng Tàu; Tăng cường công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, khắc phục tình trạng các cửa thu nước mưa trên đường bị lấp, bị rác, lá cây bít kín để đảm bảo khả năng thu nước mưa trên đường; Có phương án phù hợp và kiểm soát chặt chẽ công tác nạo vét hệ thống thoát nước, đảm bảo khơi thông dòng chảy, chú trọng các tuyến gần biển có nhiều cát bay, ven núi có nhiều đất, cát rửa trôi. Cùng với đó, Thành phố cũng cần được đầu tư các hệ thống thoát nước phù hợp với tình hình phát triển đô thị, cụ thể đó là: Dự án thu gom, xử lý nước thải các khu Gò Găng - Long Sơn; dự án Thu gom, xử lý và thoát nước thành phổ Vũng Tàu giai đoạn 2; xây dựng bổ sung các đoạn cống còn khuyết, các cửa xả để phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu và xây dựng mới các tuyến thoát nước chính của thành phố.

Hy vọng, với các giải pháp đặt ra nói trên, tình trạng ngập úng tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố sẽ được giải quyết dứt điểm, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố./.

Bài, ảnh: Phan Thảo, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu