Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Xoa dịu nỗi đau Da cam/dioxin – cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
10:06 | 06/08/2019 Print   E-mail    

Kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2019).  

Xoa dịu nỗi đau Da cam/dioxin – cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

---------------- 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi đế quốc Mỹ rải chất độc da cam xuống chiến trường miền Nam (năm 1961), nỗi đau da cam vẫn chưa ngủ yên. Hôm nay đây, chúng ta vẫn phải chứng kiến hàng triệu đồng bào, đồng chí đã và đang phải chịu những hậu quả nặng nề, dai dẳng do chất độc da cam/dioxin gây ra. Trong đó, hàng vạn nạn nhân đã chết trong đau đớn; nhiều nạn nhân đang hằng ngày, hằng giờ sống trong giày vò của bệnh tật; nhiều cặp vợ chồng rơi vào cảnh tuyệt vọng khi sinh ra những đứa con dị dạng, dị tật. Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn cảm thông và dành cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin sự quan tâm đặc biệt. Các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đã góp phần làm vơi đi "nỗi đau da cam", tạo thêm điều kiện để các nạn nhân nỗ lực phấn đấu vượt qua bệnh tật. Để giải quyết hậu quả chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh, ngày 10/8 hàng năm được chọn là ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với mục đích, kêu gọi toàn xã hội chung tay thực hiện các phong trào từ thiện nhân đạo, thăm hỏi, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho hàng triệu nạn nhân và gia đình.

(Hình minh họa)

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách, chế độ dành riêng cho những nạn nhân bị nhiễm chất đốc hóa học da cam/dioxin. Đồng thời, từng bước nghiên cứu, điều chỉnh các mức trợ cấp thường xuyên. Hầu hết các nạn nhân da cam đều mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu, ốm đau nằm viện dài ngày hoặc mắc chứng bệnh nan y… Nếu không có sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng thật khó có thể nói hết sự khốn khó của các gia đình nạn nhân da cam/dioxin. Theo thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thì từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun giải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3.06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong đó Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất . Hiện nay, trên cả nước có khoảng 151.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh do các di chứng của chất độc da cam như liệt, chậm phát triển trí tuệ, mù, câm, điếc… Gia đình và bản thân các em đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, thể xác lẫn tâm hồn.

Cùng với nỗi đau của cả nước, theo báo cáo của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin & Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thì tính đến đầu năm 2019, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 3.500 người là nạn nhân chất độc màu da cam, trong đó 1.500 người bị ảnh hưởng trực tiếp và gần 2000 người bị ảnh hưởng gián tiếp, nhưng trong số này chỉ có hơn 600 người được nhận trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Hàng năm, các cấp Hội nạn nhân chất độc màu da cam, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã quan tâm giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp… cho các nạn nhân chất độc màu da cam nhưng nhìn chung, cũng giống như đa số nạn nhân trong cả nước, đời sống của các nạn nhân chất độc màu da cam trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khó khăn. Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có trên 200 nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam đang phải chống chọi và sống chung với nỗi đau da cam. Trong đó, thành phố Vũng Tàu là địa phương có nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin nhất trong Tỉnh.

Tại thành phố Vũng Tàu, những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ nhằm xua đi nỗi đau da cam. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Vũng Tàu đã và đang tích cực vận động các nhà hảo tâm, các gia đình có điều kiện kinh tế cùng chung tay giúp đỡ những người bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, sự quyết tâm của cán bộ, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam đã và đang được quan tâm, thực hiện với nhiều nội dung, hình thức vận động, trợ giúp đa dạng, nhằm giúp các nạn nhân da cam ngày càng có được cuộc sống tốt hơn.

Anh Hoàng Văn Thoan (sinh năm 1969 - nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin, thường trú tại phường 11 thành phố Vũng Tàu) tâm sự: “Vào các dịp lễ, tết tôi được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tới thăm hỏi, tặng quà. Đặc biệt Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Vũng Tàu đã quan tâm, động viên về tinh thần, đã phần nào đó xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại. Mặc dù bệnh tật nhưng tôi luôn cố gắng lao động để thoát nghèo”.

Nói về hoạt động của Hội trong những năm qua, ông Trần Hữu Cơ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, ngoài việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, với những nạn nhân nhiễm chất độc da cam thì thành phố Vũng Tàu cũng đã triển khai nhiều phong trào và hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc như phong trào: ''Đền ơn đáp nghĩa", “Uống nước nhớ nguồn”, "Vì nạn nhân chất độc da cam",  “Lá lành đùm lá rách”... Đặc biệt, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Vũng Tàu thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền và quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ nạn nhân. Số tiền này đã được trích để hỗ trợ vốn sản xuất cho các hộ gia đình bị nhiễm chất độc màu da cam còn khó khăn trong cuộc sống; tặng học bổng cho các cháu đang theo học tại các trường; tặng quà cho các gia đình vào dịp lễ, tết…Ngoài ra, thông qua tổ chức Hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: dạy nghề, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động.

Chúng ta hi vọng rẳng, kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/08/1961-10/08/2019) là dịp để các cấp, các ngành trong cả nước nói chung, thành phố Vũng Tàu nói riêng tuyên truyền chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam. Hôm nay, mỗi chúng ta hãy cùng nhau chung tay bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp và phát triển. Cùng với đó, chung tay giúp đỡ gia đình và các nạn nhân là di chứng của loại chất độc nguy hiểm này bằng cả vật chất và tinh thần, bằng cả hành động và lời nói để giúp họ vươn lên trong cuộc sống và làm vơi đi nỗi đau, mất mát mà họ phải trải qua./.

Bài: Lê Ngân, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu