Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Ý kiến của người dân Bà Rịa Vũng Tàu về chủ trương tổ chức kỳ thi chung quốc gia
09:34 | 02/08/2014 Print   E-mail    

 

 
Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2015 dự kiến sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Và để tổ chức một kỳ thi chung, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 3 phương án, trong đó, phương án 1, thí sinh tối thiểu phải dự thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Phương án 2, mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong khối KHTN(Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc KHXH (Lịch sử, Địa lí). Phương án 3 cũng thi theo dạng bài thi nhưng phân hóa rõ nét hơn với 4 bài thi cụ thể: bài thi Toán - Tin, bài thi KHTN ( trong các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ), bài thi KHXH (chọn trong các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân) và bài thi Ngoại ngữ.
        
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố ba phương án cho một kỳ thi chung thì dư luận lại tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho chủ trương này. Sau đây là ý kiến của các chuyên gia GD, các học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý  các đơn vị, trường học tại BRVT.
 
 
Khi chủ trương mới về kỳ thi quốc gia năm 2015 được đưa ra, về cơ bản, đa số các ý kiến đều cho rằng việc bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và chỉ thực hiện một kỳ thi THPT chung là chủ trương đúng đắn, phù hợp với giáo dục tiên tiến hiện đại.
 
Ông Nguyễn Ngọc Nguyện- Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh BRVT khẳng định: “chọn một kỳ thi quốc gia trước hết là giảm áp lực kỳ thi. Như vừa rồi, kỳ thi tốt nghiệp THPT các tỉnh đều đỗ trên 90%, có những tỉnh đỗ trên 99%. Có người nói vui rằng tổ chức một kỳ thi hết sức tốn kém để chọn được vài em rớt, thật lãng phí. Vì vậy tôi nghĩ việc chúng ta tổ chức 1 kỳ thi chung sẽ có ý nghĩa lớn”.
 
Cô Lê Thị Bích Đào- Giáo viên trường THPT Vũng Tàu phấn khởi cho biết: “Hai kỳ thi mà nhập lại thành một thì tôi rất ủng hộ, bởi vì chúng ta đều biết các kỳ thi tổ chức rất tốn kém về tiền bạc, đồng thời làm cho HS rất mệt mỏi, mà xu hướng của thế giới thường người ta chỉ thi 1 kỳ thi để xét tuyển thôi, nên tôi ủng hộ phương án này”.
 
Em Lê Thanh Nhàn-Học sinh trường THPT Vũng Tàu chia sẻ: “Một năm học, chúng em đã phải trải qua rất nhiều kỳ thi, bây giờ giảm bớt 1 kỳ thi như vậy sẽ giảm bớt rất nhiều áp lực cho chúng em nên em nghĩ kết quả thi sẽ được cải thiện hơn”.
 
Ngoài việc đồng tình ủng hộ Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi chung quốc gia, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với phương án 1, bởi phương án này không gây nhiều xáo trộn quá đột ngột với việc học cũng như tâm lý của các em học sinh và các nhà trường. Hơn nữa, theo phân tích của các chuyên gia GD, phương án 1 tương đối phù hợp với chương trình học và điều kiện dạy-học ở các trường hiện nay.
 
Ông Nguyễn Ngọc Nguyện- Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh BRVT nhấn mạnh: “ từ năm 2015 trở đi Bộ GD-ĐT nên chọn phương án 1 mà tôi gọi lộ trình 1 gồm các môn Toán, Văn , ngoại ngữ và tự chọn vì những môn này HS cấp 3 mà trực tiếp là HS lớp 12 đang học rồi, cho nên triển khai cái này không có gì khó khăn cả”
Xung quanh phương án 1, việc Bộ GD-ĐT đưa môn ngoại ngữ thành một trong 3 môn thi bắt buộc, nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là động lực thúc đẩy học sinh không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ, giúp HS hội nhập và nắm bắt tri thức KHKT của thế giới tốt hơn.
 
Ông Nguyễn Minh Huệ- Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh BRVT nhận định: “chúng ta đang trong quá trình xây dựng đất nước, đất nước ta đang trong giai đoạn CNH-HĐH, hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực đa phương ngoại giao như thế nếu học sinh không tích cực học ngoại ngữ, các trường không chú trọng dạy ngoại ngữ thì sau này cán bộ của chúng ta làm sao có thể ngoại giao hay nắm bắt, lĩnh hội tri thức thế giới. Cho nên, việc Bộ GD--ĐT đưa Ngoại ngữ thành môn thi chính tôi hoàn toàn nhất trí”.
 
Dù đồng tình, song một số ý kiến cũng lo ngại rằng, nếu đưa môn Ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi chung cho tất cả các đối tượng HS sẽ gây thiệt thòi cho HS khu vực nông thôn- nơi điều kiện dạy và học Ngoại ngữ còn hạn chế.
 
Theo các chuyên gia giáo dục, kỳ thi chung quốc gia nếu được thực hiện từ năm 2015 sẽ đỡ tốn kém cho xã hội, đỡ sức ép cho học sinh. Tuy nhiên, kỳ thi này phải được tổ chức như một kỳ thi đại học. Và kỳ thi này cũng phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng, để các trường ĐH yên tâm lấy đó làm cơ sở xét tuyển, vì nếu không xét tuyển được thì sẽ lại là sự lãng phí, không có công cụ, dữ liệu để sàng lọc.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu