Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
“Tự sướng” – căn bệnh nguy hại đối với một dân tộc.
08:34 | 21/02/2019 Print   E-mail    

 
“Tự sướng” – căn bệnh nguy hại đối với một dân tộc.
 
     Đôi khi trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường bắt gặp một số bạn trẻ dùng điện thoại di động tự chụp cho mình một vài kiểu ảnh, và sau đó ngắm nghía, cảm thấy phấn khích và mãn nguyện về “dung nhan” của mình. Hiện tượng này được giới trẻ hiện nay có cách gọi phổ biến là “tự sướng”. Đây có thể xem như là một niềm vui nho nhỏ của nhiều người, tự thưởng cho mình những giây phút hiếm hoi giúp thư giãn tinh thần trong cuộc sống còn quá nhiều ngột ngạt, bon chen.
 
     Hay cũng có một số người khi gặp những thất bại trong cuộc sống, thua thiệt so với những người xung quanh, họ đã phải tự động viên, an ủi mình. Nào là “Sông có khúc, người có lúc”; nào là “ Trông lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống cũng còn khối kẻ không bằng mình”; hay là “Đời ông cha nhà tao xưa kia còn gấp mấy lần ông cha nhà nó”…vv. Cũng có thể xem đây là là một hình thức “tự sướng”; là liều thuốc tinh thần cần thiết, giúp xoa dịu nỗi đau về những thất bại, thua thiệt của họ trong cuộc sống.
 
     Cũng có nhiều người, do tháo vát, biết xoay sở cộng thêm một chút may mắn, họ đã đạt được nhiều thành tựu trong công danh sự nghiệp hay trong làm kinh tế. Khi thoảng lúc nhàn tản, độc ẩm bên ly trà, ly rượu và chiêm ngẫm lại thành quả đạt được, họ không khỏi mãn nguyện, tự hài lòng về bản thân, theo kiểu “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”. Ấy cũng là biểu hiện của “tự sướng”. Điều đó xem ra cũng phù hợp, bởi đi đến thành công luôn đòi hỏi những nỗ lực bản thân, và họ có quyền tự thưởng cho mình một liều đô-pinh tinh thần về những nỗ lực đó.
 
     Suy cho cùng, những biểu hiện “tự sướng” kể trên cũng có những giá trị tích cực của nó. Con người, ngoài những nhu cầu về vật chất, còn phải có những nhu cầu về tinh thần, và cái “tự sướng” ấy chính là nhằm thỏa mãn phần nào nhu cầu về tinh thần, giúp con người có niềm lạc quan để đối mặt với thử thách; có động lực để vượt qua khó khăn; giúp con người phấn chấn hơn, yêu đời hơn và cũng…yêu mình hơn. Thật là một điều khủng khiếp cho xã hội nếu như con người không yêu bản thân mình, vì ngay bản thân mình còn không yêu thì chắc chắn chẳng còn yêu một ai khác. Và nếu không có lòng yêu thương lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội thì thế giới chúng ta đang sống sẽ trở thành địa ngục.
 
     Song, vấn đề đặt ra là cái sự “tự sướng” ấy, nếu đi quá giới hạn và chừng mực cần thiết, thì lại trở thành một căn bệnh tinh thần nguy hại đối với mỗi con người. Nó nguy hại là bởi nó có thể tạo ra những ảo tưởng và ngộ nhận về giá trị bản thân, hoặc hình thành tâm lý tự bao biện cho những yếu kém, làm con người trở nên mất ý chí phấn đấu và dẫn đến tụt hậu. Đặc biệt, cái sự “tự sướng” ấy nếu nó xảy ra đối với một quốc gia, một dân tộc thì mức độ nguy hại sẽ gấp bội do tính chất cộng hưởng và hiệu ứng đám đông. Nhà nhà, người người đua chen ca ngợi, nhưng hỏi thử có mấy ai dám chỉ ra những yếu kém, khiếm khuyết của quốc gia mình, dân tộc mình, bởi e ngại phải lãnh chịu búa rìu dư luận và có thể bị gắn cho cái tội tày đình là kẻ mất gốc, là không yêu nước, thậm chí là phản động…vv.
 
     Ở Việt Nam, lâu nay chúng ta luôn đề cao niềm tự hào truyền thống dân tộc và ca ngợi bản sắc con người Việt Nam. Sách sử ca ngợi, các thế hệ đi trước ca ngợi, thế hệ đi sau ca ngợi. Hiếm ai đó dám phản biện vấn đề được coi là hết sức thiêng liêng và nhạy cảm này. Nhưng trước hết cũng phải khẳng định việc ca ngợi những giá trị của dân tộc mình, quốc gia mình là rất đáng trân trọng và cần thiết, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, để chúng ta có thể ngẩng cao đầu trên trường quốc tế, song cũng cần phải hết sức cẩn trọng để không lâm vào trạng thái “tự sướng”. Đó là luôn tự ve vuốt mình mà thiếu đánh giá khách quan về những giá trị tích cực đích thực, cũng như không nhìn nhận những cái dở, cái xấu - đặc biệt là trong phạm trù văn hóa và con người Việt Nam, để khắc phục, sửa đổi.
 
     Nếu lật, giở lại những quan niệm, đánh giá lâu nay về con người Việt Nam thì có lẽ cần phải suy xét lại nhiều vấn đề. Chẳng hạn như người Việt Nam có phải là dân tộc có truyền thống sáng tạo, cần cù lao động hay không? Khi mà năng suất lao động của chúng ta thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 15 người Việt Nam mới làm việc bằng một người Singapor, và Việt Nam cũng là một trong 25 quốc gia tiêu thụ rượu bia đứng đầu thế giới. Hay như cũng cần xem xét lại người Việt Nam chúng ta có phải là dân tộc có truyền thống hiếu học hay không? Khi mà mỗi người dân Việt Nam trung bình đọc 0,28 cuốn sách/năm và dành phần lớn thời gian rảnh rỗi ở các quán nhậu, quán cà phê, trong khi tỷ lệ này ở Nhật Bản hay Ixrael là 20 cuốn/người/năm, ở Singapor là 10 cuốn/người/năm, và Việt Nam cũng hiếm có công trình nghiên cứu khoa học nào tầm cỡ quốc tế. Điều đó cho thấy cách học tập của người Việt phải chăng là lối học từ chương khoa bảng; học để lấy danh vị, lấy văn bằng để dễ kiếm việc làm và học để làm quan; không phải học với tinh thần cầu thị tri thức?! Bên cạnh đó khi thoảng chúng ta cũng “tự sướng” bằng việc trích dẫn phát biểu mang tính ngoại giao của những nhân vật nổi tiếng thế giới ca ngợi chúng ta, đại loại như : “Tôi mong muốn sau một đêm ngủ dậy bỗng dưng được trở thành người Việt Nam”, hay là “Đất nước các bạn là một đất nước tuyệt vời; các bạn là một dân tộc tuyệt vời”. Nhưng chúng ta suy nghĩ như thế nào về những câu nói bóng bẩy đó, nếu như biết được mỗi năm Chủ tịch nước ký cả ngàn quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, thể theo nguyện vọng của một bộ phận “con Rồng cháu Tiên” xin định cư ở nước ngoài, trong khi có không nhiều trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam, chủ yếu là mấy anh “Tây ba lô” từ châu Phi sang Việt Nam đá bóng kiếm tiền! Cũng cần phải biết thêm, sau đại chiến thế giới thứ 2, đất nước Nhật Bản là một đống tro tàn đổ nát, cuộc sống người dân cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, nhưng mọi người dân Nhật Bản đều ý thức nỗ lực để tái thiết đất nước, hiếm có trường hợp bỏ tổ quốc ra đi để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
     Nói cho công bằng thì tâm lý “tự sướng” ấy có ở nhiều dân tộc chứ chẳng riêng một dân tộc nào. Bởi vậy những năm đầu thế kỷ XX, đại văn hào Lỗ Tấn đã viết “A Quy chính truyện”, để đả phá “phép thắng lợi tinh thần” – một tật xấu của người Trung Quốc. Trong bối cảnh đất nước lạc hậu, bị các cường quốc phương Tây chà đạp, xâu xé, nhưng người Trung Quốc vẫn tự ru ngủ mình là cái nôi của văn minh thế giới và ảo tưởng về sức mạnh Đại Hán. Hay như Nhật Bản, mặc dù có tinh thần dân tộc rất cao, ý chí tự cường mạnh mẽ và nhiều phẩm chất đáng quý, nhưng học giả Kenichi Tanaka cũng viết tác phẩm “Người Nhật xấu xí” để đả phá những thói hư tật xấu của người Nhật. Đây là tác phẩm đã làm rúng động dư luận xã hội Nhật Bản một thời, nhưng nhìn chung có nhiều học giả Nhật đồng tình và cho rằng đó là cần thiết để cảnh tỉnh, tránh tư tưởng tự mãn dân tộc sau thời gian đất nước có những bước tiến thần kỳ trong phát triển kinh tế.
 
     Đất nước ta sau nhiều năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, chúng ta mới có một cái nhìn thông thoáng hơn về thế giới bên ngoài và chợt nhận ra rằng ta còn quá nhiều điều thua kém so với thế giới. Chẳng hạn một vấn đề nhỏ như các thế hệ học sinh trước đây trong nhà trường luôn được dạy rằng đất nước ta rừng vàng, biển bạc, tài nguyên phong phú; người dân thông minh, cần cù, sáng tạo, khéo tay. Nhưng nay, nếu theo dõi các kênh truyền hình quốc tế như National Geographic, hay Discovery thì mới biết tài nguyên đất nước, hay trình độ tay nghề, sự khéo léo của người Việt…cũng chưa là gì so với nước ngoài. Vậy mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới luôn dạy học sinh rằng đất nước họ nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên; dân tộc họ cũng chẳng phải là một chủng tộc thượng đẳng, hay thông minh xuất chúng. Vì vậy, để phát triển đất nước đòi hỏi mỗi công dân phải nỗ lực, chuyên cần lao động và học tập. Phải chăng với phương pháp, nội dung tuyên truyền, giáo dục công dân ngay từ khi còn nhỏ như vậy đã có tác động rất lớn đến việc hình thành những phẩm chất đáng quý của công dân, giúp cho đất nước phát triển?!
 
     Trông người lại ngẫm đến ta. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải có một cách nhìn nhận thực tế hơn để biết rằng chúng ta đang đứng ở đâu, đặc biệt cần phải có những đột phá trong đổi mới về giáo dục và văn hóa, trước hết là đổi mới quan điểm và nội dung tuyên truyền giáo dục, để mỗi công dân Việt Nam có được nhận thức đúng đắn, chân thực về quốc gia mình, dân tộc mình, cả về những giá trị tích cực cũng như những hạn chế, khiếm khuyết. Điều đó giúp khơi dậy trong mỗi người dân niềm tự hào dân tộc, đồng thời nhận thức được trách nhiệm của mỗi người dân nước Việt cần phải làm gì để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của quốc gia, dân tộc mình, góp phần đưa quốc gia, dân tộc mình đến một tương lai xán lạn.
 
     Một dân tộc nếu thiếu vắng niềm tự hào, dân tộc đó không thể đứng vững và ngẩng cao đầu. Nhưng một dân tộc “tự sướng”, dân tộc đó không thể tiến bước./.
 
Bài: Vân Anh, BBT                                                                                       

                                                                                                      

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu