Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Bàn về văn hóa đọc sách
07:28 | 28/11/2018 Print   E-mail    

Bàn về văn hóa đọc sách
     Nếu như chúng ta có điều kiện tìm hiểu về các danh nhân thế giới, có thể thấy rằng hầu hết các vị danh nhân này, mặc dù xuất phát điểm trong xã hội, hay tính cách, sở thích, thói quen, cũng như lĩnh vực hoạt động đều có sự khác biệt, nhưng tất cả hầu như có một điểm chung, đó là sở thích đọc sách. Khó thể chỉ ra một vĩ nhân nào đó lại không thích đọc sách, kể cả một danh tướng như Napoléon là người thường xuyên xông pha trận mạc cũng có sở thích đọc sách. Điều này có thể giúp chúng ta có thể khẳng định rằng đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho sự thành công của mỗi con người.
         
     Cũng không có gì khó khăn để chứng minh điều này. Trước hết, sách luôn được ví như một người bạn, và cũng chẳng có ai để đi đến sự thành công mà không có một người bạn nào ở bên cạnh. Càng có nhiều bạn thì càng dễ gặt hái thành công, tất nhiên là phải biết chọn bạn mà chơi, và đọc sách cũng vậy, phải biết chọn sách mà đọc. Kế đến, sách giúp chúng ta bồi bổ tri thức. Cũng chẳng ai đạt được thành công mà đầu óc rỗng tuếch chẳng có chữ nào. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ đạt được thành công mà chẳng hề đọc sách, ấy là bởi những người ấy trong đầu họ dù không có chữ nhưng có có quá nhiều kinh nghiệm xương máu và không ít phen “sa hầm sảy hố” mới có được thành công. Giá như họ chịu đọc sách thì có lẽ tránh được những sai lầm không đáng, bởi sách truyền lại những tri thức, kinh nghiệm của người đi trước, chỉ rõ đâu là những “hầm, hố” trên đường đời, để người đi sau biết mà tránh.
         
     Đọc sách cũng giúp cho con người phát triển tư duy. Có lẽ chúng ta cũng nên phân biệt giữa đọc sách truyền thống với việc đọc báo và đọc tài liệu. Đọc tài liệu và đọc báo (kể cả là báo in hay báo hình) đều chỉ giúp tiếp cận thông tin, chứ không có tác dụng phát triển tư duy. Chỉ có đọc sách mới giúp phát triển tư duy. René Decartes, triết gia và là nhà toán học nổi tiếng người Pháp từng nói: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Cogito, egro sum). Mặc dù câu nói này ở góc độ triết học có nhiều cách diễn giải khác nhau, nhưng cũng có thể hiểu rằng chẳng có ai không tư duy mà tồn tại được (tồn tại một cách đúng nghĩa và tốt đẹp). Liệu một người nào đó thường nói, hoặc làm những điều gì đó mà không hiểu mình đang nói gì, làm gì thì người đó có thể “tồn tại” một cách tốt đẹp trong xã hội hay không?! Đặc biệt việc đọc sách văn học nghệ thuật giúp cho con người ta phát triển năng lực tư duy trừu tượng (khác với tư duy trực quan cụ thể). Có thể thấy những phát kiến khoa học quan trọng nhất trong lịch sử loài người đều xuất phát từ năng lực tư duy trừu tượng, điều mà các nhà khoa học đương thời cảm phục mà thốt lên rằng chỉ có “trí tưởng tượng điên rồ” thì mới có được những phát kiến khoa học vĩ đại đó.
         Bạn đọc đến nhà sách Phương Nam (ảnh: Trần Việt)  
     
     Đọc sách cũng giúp cho con người nuôi dưỡng những hoài bão to lớn và nghị lực mạnh mẽ để vượt qua dông tố trong cuộc sống. Charles Dickens, văn sỹ nổi tiếng người Anh vốn có cuộc sống thủa ấu thơ vô cùng cơ cực. Trong tự truyện của mình, ông ta có kể rằng, khi còn là một cậu bé, hằng đêm phải lang thang vạ vật ngủ ở vỉa hè, góc phố với những kẻ lưu manh của thành phố London, ông ta đã tranh thủ ánh sáng lay lắt của ngọn đèn đường để đọc những trang sách mua bằng đồng tiền ít ỏi kiếm được trong ngày. Ông ta đã cười, khóc cùng với những nhân vật trong trang sách và nung nấu trong mình một ý chí, hoài bão to lớn phải vươn lên trong cuộc sống như những nhân vật đó. Nếu như thời đó Charles Dickens không chịu đọc sách mà tham gia chuyện phiếm về những mánh khóe lọc lừa cùng với đám lưu manh kia thì London chắc sẽ có thêm một kẻ lưu manh, và thế giới sẽ không thể có danh nhân Charles Dickens. Hay như Nelson Mandela, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, lãnh tụ của nhân dân Nam Phi, người đã dành phần lớn cuộc đời để đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc). Với 27 năm bị nhà cầm quyền giam giữ, thói quen đọc sách đã giúp Nelson Mandela củng cố ý chí, nghị lực và hoài bão to lớn để ngày nay mang lại sự hòa hợp dân tộc và phát triển cho đất nước, đưa Nelson Mandela trở thành người cha tinh thần của nhân dân Nam Phi. Như lời thuật lại không giấu vẻ ngưỡng mộ của một viên cai ngục tại một nhà tù khét tiếng của Nam Phi thì: “Có lẽ trong tất cả mọi hình phạt khắc nghiệt của nhà tù, con người ấy (Nelson Mandela) chỉ sợ hình phạt cấm đọc sách”.
         
     Đọc sách cũng giúp con người trau dồi phẩm hạnh, nhân cách và làm phong phú tâm hồn. Sách dạy cho chúng ta biết điều hay, lẽ phải; biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Vẻ đẹp phong phú của tâm hồn ấy không chỉ nội liễm ở bên trong, mà còn tỏa sáng ra cả bên ngoài. Hoàng Đình Kiên, nhà văn hóa lớn của Trung Hoa thời kỳ Bắc Tống từng nói: “Kẻ sĩ ba ngày không đọc sách thì mặt mũi khó coi, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe”. Thật vậy, chúng ta mặc dù không phải là những nhà tướng số gì, năng lực quan sát và suy luận chỉ cần ở mức độ bình thường, nhưng cũng đủ để phân biệt được sự khác nhau về diện mạo cũng như tính cách khi tiếp xúc với một người thường xuyên đọc sách với kẻ hoàn toàn không biết trên đời tồn tại một thứ gọi là cuốn sách.
         
     Đọc sách có nhiều tác dụng to lớn như vậy, nhưng thời nay, không biết có phải do áp lực của kinh tế thị trường, phải lo vật lộn, bươn chải với cuộc sống nên ít người chịu đọc sách! Mặc dù Việt Nam là dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, nhưng so với một số quốc gia phát triển cho thấy tình trạng văn hóa đọc sách ở ta thật đáng xấu hổ. Khi mà mỗi người dân Việt Nam trung bình đọc 0,28 cuốn sách/năm và dành phần lớn thời gian rảnh rỗi ở các quán nhậu, quán cà phê thì tỷ lệ này ở Nhật Bản hay Israel là 20 cuốn/người/năm, ở Singapor là 10 cuốn/người/năm. Không những thế văn hóa đọc sách ở ta vốn đang còm cõi lại còn bị biến dạng bởi sự lấn sân của các thể loại sách điện tử, xu thế đọc sách trên mạng. Rõ ràng việc đọc sách điện tử có những lợi thế không thể phủ nhận như sự tiện lợi, thể loại phong phú và nhất là đỡ tốn tiền, nhưng kèm theo đó cũng có những khuyếm khuyết như đăng tải đủ loại sách với nội dung thượng vàng, hạ cám mà không ai chịu trách nhiệm; chất lượng trình bày kém, nhiều lỗi chính tả. Điều đó có khả năng ảnh hưởng lệch lạc nhận thức về các giá trị văn hóa như chân, thiện, mỹ và làm cùn mòn kỹ năng sử dụng ngôn từ của người đọc. Đặc biệt việc đọc sách điện tử không thể giúp chúng ta nuôi dưỡng những cảm xúc, hoài niệm giống như đọc sách in, vì mỗi cuốn sách in giống như một người bạn gắn bó. Khi mua sách về cũng như khi kết bạn; khi mở cuốn sách ra cũng như đang tâm sự, mở lòng với nhau; khi lật giở mỗi trang sách cũng như đang nắm tay một người bạn. Như Xiceron, triết gia lỗi lạc thời La Mã cổ đại từng quan niệm: Sách không phải là vật vô tri mà là vật thể có linh hồn. Ngắm nhìn gáy cuốn sách trên giá cũng như đang nhìn hình bóng phía sau người bạn thân mà trong chúng ta phảng phất những hoài niệm về cuốn sách đó. Những cảm xúc, hoài niệm đó giúp chúng ta sống “Người” hơn, mà xu thế sách điện tử với sự lãnh lẽo, khô khan không thể đáp ứng. Rất lấy làm tiếc là hiện nay, khi đời sống khá giả, nhiều gia đình đầu tư xây dựng những căn biệt thự tiện nghi, mà trong phòng khách luôn hiện diện chiếc tủ trưng bày nhiều chai rượu đắt tiền, hiếm lạ với vẻ phô trương, nhưng hiếm ai đầu tư một tủ sách trong nhà. Họ không biết rằng có một tủ sách trong nhà không chỉ giúp họ có được tri thức, mà còn hình thành không gian văn hóa trong gia đình, tạo lập được truyền thống hiếu học cho các thế hệ con em. Xét theo quan niệm Đông phương thì tủ sách trong nhà sẽ làm giàu nguyên khí, thuận lợi cho việc học hành của con em trong gia đình. Còn nếu xét theo thực tế thì những con em sinh trưởng trong gia đình có nhiều sách thường là năng lực học tập nổi trội hơn con em những gia đình đắm mình xung quanh toàn rượu thịt và tiền bạc.
         
     Thành phố Vũng Tàu hiện đang trong tiến trình phát triển trở thành một đô thị “Xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng”. Để đạt được mục tiêu này không chỉ đòi hỏi những giá trị đầu tư về vật chất, mà còn phải phát triển về văn hóa và con người. Chỉ có con người có văn hóa mới tạo lập được một đô thị văn minh và xứng đáng là chủ nhân của đô thị văn minh. Do đó việc phát triển văn hóa đọc sách trong nhân dân là một nội dung quan trọng trong Kế hoạch hành động của Thành ủy Vũng Tàu để thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần tự mình tích cực tham gia đọc sách in và vận động người thân trong gia đình cùng tham gia đọc sách in.
         
     Nếu như ai đó trong cuộc sống thường hay gặp những thất bại, thua thiệt, thì trước khi oán trách số phận, hay tự hỏi mình đã thường xuyên đọc sách hay chưa? Và trong suốt cuộc đời, chúng ta có thể sẽ hối hận về một việc làm nào đó, nhưng chắc chắn không bao giờ hối hận về việc đã đặt trong nhà một tủ sách./.
                                                                   
Bài: Trần Ngọc Hà, BBT
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu