Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành – một trong những di tích lịch sử giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại thành phố Vũng Tàu.
07:47 | 17/11/2018 Print   E-mail    

Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành – một trong những di tích lịch sử giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại thành phố Vũng Tàu.
 
     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thế hệ trẻ thành phố Vũng Tàu hôm nay cần hiểu rõ về địa phương, vùng đất mình đang sinh sống, góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phấn đấu rèn luyện bản thân, xây dựng quê hương. Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống hôm nay đã có nhiều đổi thay trên quê hương Vũng Tàu thân yêu. Cùng với nhiều di tích lịch sử cách mạng khác tại thành phố Vũng Tàu thì Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành (số 1124 đường 30/4 phường 11, thành phố Vũng Tàu)  đã và đang là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại thành phố Vũng Tàu. 
 
(Phường 11, TP Vũng Tàu tổ chức cho các em thiếu nhi dọn vệ sinh và dâng hương trong những dịp Lễ
của dân tộc tại Bia ghi công trận đánh Phước Thành để giáo dục truyền thống cách mạng)
 
     Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành được tọa lạc bên hông Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân (số 1124 đường 30/4 phường 11, thành phố Vũng Tàu). Theo lịch sử thành phố Vũng Tàu ghi lại thì Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành được xem là trận mở màn cho chiến thắng lịch sử giải phóng Vũng Tàu - Côn Đảo năm 1975. Ngày 29-4-1975, sau khi thất thủ tại cụm phòng ngự cầu Cỏ May, cầu Cây Khế và bị quân ta truy kích, bộ binh và xe tăng địch lũ lượt tháo chạy về hướng Vũng Tàu. Nhưng vừa đến Phước Thành (nay là phường 11, thành phố Vũng Tàu), quân địch bị Đại đội 62, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng mai phục bất ngờ từ hai bên đường đổ ra đánh úp. Hàng loạt xe tăng, xe tải, xe chở lính bị bắn cháy. Các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Số còn lại chạy thục mạng về Vũng Tàu, sau đó bị quân ta bắt và tiêu diệt hoàn toàn. Đây là một chiến công đáng tự hào của quân và dân thành phố Vũng Tàu trong tiến trình giải phóng thành phố Vũng Tàu thân yêu.
     
     Nhằm tri ân, tỏ lòng biết ơn đối với sự chiến đấu anh dũng của cha anh, tưởng nhớ và tôn vinh tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ Đại đội 62, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng và dân quân ấp Phước Thành, cuối năm 1975, Đảng bộ và nhân dân thị xã Vũng Tàu (nay là thành phố Vũng Tàu) đã dựng Bia tri ân tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh. Công trình xây dựng tuy còn giản dị nhưng Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành luôn là nơi để nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi và nhớ ơn những anh hùng đã dũng cảm hi sinh vì thành phố Vũng Tàu thân yêu.
 
      Theo cán bộ Văn hóa phường 11 thành phố Vũng Tàu thì: Sau gần bốn thập kỷ kể từ khi xây dựng (1975), năm 2012, Đảng bộ và chính quyền thành phố Vũng Tàu đã sửa chữa trùng tu Bia ghi công trận đánh Phước Thành lần thứ nhất với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng. Điểm nhấn của công trình là phù điêu tượng đài với hình tượng các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng và nhân dân thành phố Vũng Tàu chắc tay súng quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương. Việc bảo vệ, trùng tu những di tích, địa danh lịch sử để giáo dục lòng yêu nước cho thanh, thiếu niên là một cách làm hiệu quả, vừa có tính thuyết phục cao, vừa thể hiện sự trân trọng những giá trị lịch sử của cha ông. Mỗi khi đến với Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành, nhân dân và thế hệ trẻ thành phố Vũng Tàu nói chung, phường 11 nói riêng đều mang lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, những người đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, hy sinh để giữ gìn độc lập, tự do cho thành phố. Điều đó tạo nên tính chất lâu bền cho mỗi di tích và lan truyền rộng rãi cho nhiều thế hệ mai sau.
 
     Hằng năm, có nhiều dịp Lễ của dân tộc, đặc biệt là dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7, các tổ chức tại thành phố Vũng Tàu và phường 11, Trường THCS Phước Thắng (phường 11, thành phố Vũng Tàu) lại vận động hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia chỉnh trang Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành, trồng hoa cây cảnh, vệ sinh môi trường…Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất giúp các bạn trẻ tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương để đổi lại độc lập tự do hôm nay, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương.
 
      Khi được hỏi về cảm nhận được đến thăm Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành, em Lê Thị Phương Huyền – Học sinh Trường THCS Phước Thắng (phường 11, thành phố Vũng Tàu) cho biết: "Nhà em gần Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành nên em và các bạn cũng thường đến đây tham quan, tìm hiểu về địa điểm lịch sử cách mạng này. Em cảm thấy tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên có di tích lịch sử Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành, nơi thế hệ cha anh trải qua những ngày tháng gian lao nhưng vô cùng vẻ vang để giành độc lập dân tộc, giải phòng quê hương thành phố Vũng Tàu, để chúng em có được những ngày tháng tươi đẹp như hôm nay".
 
      Chiến tranh đã lùi xa nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau. Đến viếng Tượng đài ghi công trận đánh Phước Thành sẽ giúp các cấp, cách ngành và toàn thể nhân dân thành phố, đặc biệt là thế hệ trẻ ghi nhớ những chiến công vang dội của thế hệ đi trước, tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, tạo động lực hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
 

                                                                                     Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu