Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Diễn đàn xã hội: “Để” hay là “bỏ”!
07:20 | 14/11/2018 Print   E-mail    

 Diễn đàn xã hội: “Để” hay là “bỏ”!
 
     “Xây dựng Vũng Tàu là đô thị du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng” là một nội dung quan trọng trong mục tiêu tổng quát được Nghị quyết đại hội đảng bộ thành phố Vũng Tàu lần thứ VI đề ra. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thành phố đã chung tay góp sức thực hiện, với nỗ lực mạnh mẽ và nhiều giải pháp thiết thực, đã mang lại những kết quả khả quan và ấn tượng. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh được xem là giải pháp hàng đầu, với những khẩu hiệu hành động hết sức rõ ràng, cụ thể và thiết thực.
 
     Gần đây, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã đưa ra lời kêu gọi hành động “Hãy trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; để rác đúng nơi quy định”. Lời kêu gọi hành động này đã được các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị Thành phố triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, được nhân dân và du khách tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề là lời kêu gọi của Đảng bộ Thành phố“..để rác đúng nơi quy định”, nhưng không biết do cố tình, hay không chú ý, mà khi xuống đến một số đơn vị, địa phương để truyền tải đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đã được sửa lại là “bỏ rác đúng nơi quy định”.
 
     Khi nêu vấn đề này ra, chắc hẳn sẽ có nhiều người phàn nàn: “Khéo vẽ chuyện! Để rác hay bỏ rác có khác gì nhau mà cũng phải đưa ra bàn luận”! Tất nhiên là mọi người có quyền suy nghĩ, nhận định như vậy, bởi xét về biểu hiện hình thức bên ngoài thì cơ bản chẳng có gì khác biệt, cũng chỉ là việc mang rác bỏ (hoặc để) vào nơi quy định. Thế nhưng theo tác giả bài viết này, về mặt ngữ nghĩa thì cụm từ “bỏ rác” hay là “để rác” lại có sự khác biệt nhất định và mang ý nghĩa sâu xa, do đó cũng xin mạn phép được lạm bàn về vấn đề này.
   Hãy để rác đúng nơi quy định  (ảnh: Trần Việt) 
     
     “Bỏ rác đúng nơi quy định” có thể hiểu một cách nôm na là một hành động mang tính thói quen. Tất nhiên là thói quen này được hình thành trên nền tảng được tuyên truyền, giáo dục và nhận thức của bản thân. Thói quen này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong đời sống sinh hoạt, dẫn đến gần như một phản xạ tự nhiên mang tính vô thức, giống như khi ta ho hay hắt hơi, tự nhiên đưa tay lên che miệng vậy. Kể ra trong đời sống xã hội hiện nay, nếu người dân có được thói quen “Bỏ rác đúng nơi quy định” đã là điều hết sức đáng mừng rồi! Thói quen này là biểu hiện của nếp sống văn minh! Và để có được nó phải trải qua một quá trình lâu dài, từ tuyên truyền giáo dục, và kể cả là chế tài (xử phạt răn đe), để chuyển hóa nhận thức của người dân; từ nhận thức đúng mới có hành động đúng, và từ nhiều hành động đúng được lặp đi lặp lại mới hình thành được thói quen tốt này.
 
     Thế nhưng việc “Để rác đúng nơi quy định” lại có sự khác biệt nhất định. Khi “để” một vật gì đó vào một chỗ nào đó, ta thường phải có sự suy xét, cân nhắc xem để ở đó có phù hợp hay không, chứ không phải chỉ là đúng hay không. Tóm lại, hành động “để” rác có thể xem như kết quả của hoạt động tư duy, từ suy luận, phán đoán để đi đến hành động. Nó khác với hành động “bỏ” rác là một thói quen gần như trở thành bản năng mang tính vô thức.
 
     Người phương Tây có một câu ngạn ngữ khá hay: “Cái gì để không đúng chỗ đều có thể bị xem là rác”. Câu nói này phá vỡ quan niệm thông thường lâu nay cho rằng rác là những gì không còn giá trị sử dụng, mà sẽ phải hiểu rằng: tất cả mọi thứ (không chỉ riêng đối với rác thải), nếu để không đúng chỗ thì dù còn giá trị sử dụng đều bị xem là rác. Câu nói này cũng cho thấy tư duy nhận thức ở bậc cao của con người sống trong một xã hội văn minh, đòi hỏi mọi người phải có tác phong công nghiệp; có ý thức kỷ luật, ngăn nắp và nề nếp ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội; cái gì cũng phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc, chứ chẳng riêng gì vấn đề rác.
 
     Nhân đây cũng xin nêu lại một vấn đề khá lý thú là đất nước ta khi ở thời kỳ còn khó khăn về kinh tế, thường hay nhập “hàng nghĩa địa” về cho người dân sử dụng. Đây thực chất là những món đồ cũ mà người dân các nước phát triển đem “bỏ” ở bãi rác như ti vi, tủ lạnh, xe máy…vv. Nhưng khi về đến Việt Nam thì nó lại được “để” ở những vị trí trang trọng trong nhà của nhiều gia đình. Chẳng thấy ai dùng từ “bỏ” những món đồ này trong nhà cả, vì những gia đình ấy đã có suy xét, cân nhắc khi “để” những món đồ này, trong khi truy xét về nguồn gốc thì những món đồ này rõ ràng đã từng bị xem là rác. Điều này cho thấy rằng trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng đã có ý niệm khá rõ ràng về từ ngữ “để” hay “bỏ” rác. Điều chủ yếu là thái độ, suy nghĩ của chúng ta thế nào khi “bỏ”, hay là “để” chúng mà thôi.
 
     Hay như một hiện tượng mà gần đây báo chí có nêu ở một số nơi có người dân mang chiếc tủ kính đặt ngay ngắn trước cửa nhà, trong có bày mấy chồng sách giáo khoa cũ; treo mấy bộ quần áo học sinh cũ được giặt, ủi phẳng phiu; đặt chiếc nồi cơm điện cũ..vv, kèm theo tấm biển ghi dòng chữ : “Ai dư thì mang đến; ai thiếu lấy về xài”. Thật xúc động! Thật nhân văn! Rõ ràng mấy món đồ đó nếu vứt quăng quật ở vỉa hè, lề đường thì là rác; hay thậm chí được “bỏ” vào thùng rác công cộng thì cũng chỉ là rác, nhưng khi được “để” vào vị trí phù hợp thì nó không còn là rác nữa, mà đã trở thành món quà nhỏ bé làm ấm lòng những gia đình nghèo. Đặc biệt hành động “để” đó cho thấy người để không chỉ là người có ý thức văn minh, mà còn là người có tấm lòng nhân ái thật đáng quý, đáng tôn vinh!
 
     Nói tản mạn quanh đi quẩn lại, người viết bài này cũng chỉ mong muốn chia sẻ suy nghĩ cá nhân của mình về sự khác nhau giữa việc “để” rác với việc “bỏ” rác. Nếu chúng ta xem việc “bỏ”rác đúng nơi quy định chỉ thuần túy là việc làm đúng đắn và cần thiết của người công dân trong một đô thị văn minh, thì đối với những người dân biết “để” rác nêu trên lại là việc làm cần tôn vinh, bởi đó không chỉ đơn thuần là thói quen như một phản xạ tự nhiên mang tính vô thức, mà còn là biểu hiện của con người có lòng nhân ái, có sự suy xét và cẩn trọng về từng cử chỉ, việc làm của mình, để giúp cho xã hội luôn trật tự, ngăn nắp.
 
     Thành phố Vũng Tàu thân yêu của chúng ta cần lắm thay những người biết “để” rác! Vì mục tiêu mong muốn cuối cùng của việc “để” rác không chỉ đơn giản là có được một đô thị sạch, mà còn là mong muốn có được một xã hội trật tự, kỷ cương, ngăn nắp, văn minh, tiến bộ và tràn đầy lòng nhân ái./.
 
Bài: Trần Ngọc Hà, BBT
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu