Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin du lịch Tin du lịch
Lễ Hội Nghinh Ông Thắng Tam - sản phẩm du lịch độc đáo của của thành phố Vũng Tàu
08:17 | 15/09/2017 Print   E-mail    

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam là một trong những sự kiện văn hóa – thể thao và du lịch tiêu biểu của thành phố biển Vũng Tàu. Từ năm 2000, lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam được Tổng Cục Du lịch chọn là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ của cư dân vùng ven biển. Theo quan niệm của những ngư dân vùng biển Vũng Tàu, cá Ông (cá voi) là một vị thần thiêng liêng, là cứu tinh và là chỗ dựa tinh thần của ngư dân mỗi khi đi biển nhất là lúc gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, bị hiểm nguy đe dọa… Do đó,  hội Nghinh Ông là dịp để bà con ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, có cuộc sống ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc; đồng thời lễ hội cũng là dịp để mọi người báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn…

Trong khu di tích lịch sử văn hóa đình thần Thắng Tam, Ngôi Lăng cá Ông được sáng lập và xây dựng vào năm Giáp Thân 1824, trong lăng hiện thờ 180 bộ cốt cá Ông, bộ ngọc cốt dài nhất khoảng 18m thờ tự vào năm Tân Mão 1831, được vua Thiệu Trị và vua Tự Đức cấp 3 đạo sắc Phong thần vào năm 1845, 1846 và 1850, năm 1991 đã được  Bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Việc cúng bái, thờ tự cá Ông đã có từ 200 năm nay, trong tỉnh BR-VT hiện có 14 Ngôi thờ tự, riêng thành phố vũng tàu có 6 Ngôi thờ tự cá Ông.

Lễ rước kiệu Nghinh Ông – Thắng Tam năm 2016 

Năm nay, lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu sẽ diễn ra chính thức từ ngày 30/9/2017 đến hết ngày 7/10/2017 (nhằm từ ngày 11 đến 18/8 âm lịch). Lễ hội được tổ chức thành hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ diễn ra với các hoạt động như: lễ rước kiệu Nghinh Ông trên biển: đoàn Nghinh Ông khởi hành từ cảng Cầu Đá (Bãi Trước) đến miếu Hòn Bà – mũi Nghinh Phong tiến hành tế lễ, sau đó về lễ đài tại số 1 Ba Cu. Tiếp đó là lễ rước kiệu Nghinh Ông, đoàn rước sẽ diễu hành qua nhiều tuyến đường để về lại Đình thần Thắng Tam. Tiếp đến là lễ cúng giỗ tiền Hiền và các anh hùng liệt sĩ; lễ thỉnh sắc Thần từ ngôi Tiền hiền Đình vào ngôi Lăng Ông, lễ cùng tế Ông Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần, lễ thỉnh sắc thần và Long vị từ ngôi Lăng Lông vào ngôi Đình Thần, lễ xây chầu Đại bội... Cùng với các nghi thức quan trọng trên, trong các ngày diễn ra lễ hội còn  biểu diễn hát bả trạo, tuồng cổ, múa lân, sư, rồng … Phần hội với những trò chơi dân gian vui khỏe  liên quan đến các hoạt động của ngư dân như: kéo co nam nữ, đẩy cây, dẫn bóng sút cầu môn, bóng chuyền bãi biển, bi sắt, thi câu cá…

Các vân động viên và nhân dân tham gia trò chơi bịt mắt đập niêu - Một trong những trò chơi của lễ hội nghinh ông những năm trước 

Ngoài ý nghĩa là một hoạt động văn hóa dân gian thường niên, lễ hội Nghing Ông Thắng Tam còn là một hoạt động văn hóa du lịch, góp phần đưa hoạt động du lịch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng đa dạng, phong phú, xứng tầm với sự phát triển chung của khu vực, trong nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động trong lễ hội còn góp phần quảng bá, nâng tầm thương hiệu du lịch thành phố, có giá trị như một bức thông điệp gửi đến bạn bè và du khách gần xa về thành phố Vũng Tàu văn minh, thân thiện, ấn tượng.

Hiện tại, thành phố Vũng Tàu đang gấp rút chuẩn bị mọi công đoạn để tổ chức lễ hội một cách linh thiêng, trang trọng mà không kém phần sôi nổi, hấp dẫn với những trò chơi dân gian độc đáo. Thành phố Vũng Tàu hoan nghênh và chào đón du khách trong và ngoài nước đến dự lễ hội./.

Bài, ảnh: Phương Anh, BBT

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu