Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin du lịch Tin du lịch
Ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu: Phấn đấu nâng cao tỷ trọng khách cao cấp
12:44 | 14/09/2011 Print   E-mail    

Sau 20 năm hình thành và phát triển, tuy gặt hái được nhiều thành tựu, nhưng ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Phóng viên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chung quanh vấn đề này và định hướng phát triển ngành du lịch trong giai đoạn tới.

*Phóng viên: Đề nghị ông cho biết những thành tựu cơ bản mà ngành du lịch BR-VT đạt được sau 20 năm hình thành và phát triển?

- Ông Hồ Văn Niên: Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: bờ biển dài, khí hậu ôn hòa, địa hình núi rừng kết hợp và tiềm năng nhân văn khá phong phú. Bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại: Biển thường xuyên có sóng lớn, nhiều ao xoáy, đảo xa đất liền, các sự cố tràn dầu cũng như việc khai thác thủy sản gần bờ gây ô nhiễm; các di tích lịch sử tuy nhiều nhưng quy mô và tính chất không bằng các địa phương khác… Ngoài ra, chúng ta cũng phải đối phó với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng của thiên tai… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự chỉ đạo của UBND tỉnh cùng với nỗ lực của toàn ngành và nhân dân, ngành du lịch BR-VT đã có những bước phát triển vững chắc, đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tại thời điểm năm 1991, cơ sở hạ tầng kinh tế nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng rất thiếu thốn; sản phẩm du lịch nghèo nàn, hầu như chỉ có tắm biển; nguồn nhân lực nhiều hạn chế, doanh thu du lịch đạt thấp… Từ năm 2005, việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện. Nhờ đó, đến nay cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã khá đồng bộ và hiện đại. Chất lượng nhân lực phục vụ du lịch được nâng lên; sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Công tác tổ chức các sự kiện ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Doanh thu du lịch tăng bình quân hơn 10%/năm, lượng khách nội địa tăng bình quân khoảng 7%/năm, khách quốc tế khoảng 9%/năm.

Cùng với công tác tổ chức các sự kiện, các cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu BR-VT và các doanh nghiệp ra thế giới đã tạo luồng sinh khí mới cho ngành du lịch. Công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội được quan tâm. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt, không để xảy ra ngộ độc tập thể tại các khu, điểm du lịch; công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm được tăng cường.

*Tuy đạt được khá nhiều thành công, nhưng có ý kiến cho rằng du lịch BR-VT chưa thực sự xây dựng được thương hiệu cho riêng mình, ông có trăn trở gì về điều này?

- Tôi cho rằng, nếu nói du lịch BR-VT chưa xây dựng được thương hiệu là không đúng. Ngay từ trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Vũng Tàu đã được biết là một điểm du lịch tắm biển nổi tiếng. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, qua các giai đoạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều có nghị quyết về phát triển du lịch. Ngành du lịch và các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ và toàn diện các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch. Tỉnh cũng tập trung quảng bá du lịch mạnh mẽ thông qua việc tham gia các hội chợ trong nước và khu vực, quảng bá trên các tạp chí chuyên ngành; đẩy mạnh xúc tiến du lịch, liên doanh liên kết. Đặc biệt, từ năm 2006, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá - thể thao - du lịch tầm cỡ quốc tế, quốc gia và khu vực, thu hút đông đảo du khách và nhân dân. Trong đó, những sự kiện mang tính thường niên như: Khai hội văn hoá - du lịch, Giải bóng chuyền nữ bãi biển quốc tế, Liên hoan diều quốc tế… trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Nhiều khu du lịch và đơn vị kinh doanh du lịch cũng xây dựng được thương hiệu du lịch riêng như: Khách sạn Imperial, khu du lịch Biển Đông, Long Hải Beach resort, Sixsenses Resort Côn Đảo, Anoasis Beach resort, Hồ Tràm Beach resort, Sài Gòn - Bình Châu… đóng góp cho thương hiệu du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là công tác quảng bá du lịch chưa theo kịp tốc độ và nhu cầu phát triển. Nguồn kinh phí từ ngân sách chi cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch rất hạn chế; nhiều đơn vị và doanh nghiệp du lịch chưa tích cực tham gia chương trình quảng bá chung cũng như chưa chú trọng việc giới thiệu doanh nghiệp mình.

Tôi cũng lưu ý một số tồn tại mà ngành du lịch chưa khắc phục được là sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Sự liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ; lượng khách cao cấp, khách quốc tế còn thấp. Mục tiêu của ngành du lịch là tạo ra thị trường du lịch mới với nhiều sản phẩm phong phú, mới lạ chưa hoàn thành. Hiện nay, mức độ cạnh tranh quốc tế, khu vực và giữa các địa phương trong nước diễn ra rất gay gắt. Trong khả năng cho phép, chúng ta đã và đang làm hết sức mình và thương hiệu du lịch BR-VT cũng đang được củng cố, nhưng để có một thương hiệu du lịch mạnh đòi hỏi các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch và người dân cùng nỗ lực.

*Ông có thể cho biết định hướng phát triển ngành du lịch trong giai đoạn tới?

- Định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2010 – 2015 phải gắn với mục tiêu chung là “phát triển kinh tế biển, xây dựng BR-VT thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại vào năm 2015; phát triển kinh tế gắn với yêu cầu phát triển bền vững; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội…”. Do đó, điểm quan trọng trong định hướng phát triển du lịch là nâng cao tỷ trọng khách cao cấp và khách quốc tế trong cơ cấu khách du lịch của tỉnh, đồng thời, tiếp tục chú trọng thu hút khách nội địa nghỉ dưỡng cuối tuần đến từ khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, ngành du lịch phải chuẩn bị đi trước đón đầu cơ hội phát triển cảng biển, dịch vụ logistic, công nghiệp phụ trợ khi các thương nhân, người nước ngoài làm việc, hoạt động tại tỉnh để cung ứng kịp thời các dịch vụ du lịch cao cấp và các dịch vụ hỗ trợ cho các dự án du lịch lớn khi đi vào hoạt động; Tiếp tục tăng cường, củng cố các hoạt động xúc tiến, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước, trong đó chú trọng thu hút khách du lịch quốc tế thông qua việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và khai thác tốt chương trình “Bốn quốc gia - một điểm đến”; Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho Côn Đảo để nơi đây thực sự là địa chỉ du lịch thu hút đông đảo du khách quốc tế.

Để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch, nhất là các dự án đầu tư có quy mô vốn lớn; Đẩy mạnh cuộc vận động văn minh thương mại, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong kinh doanh du lịch nhằm tạo môi trường tự nhiên và xã hội lành mạnh; Tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch để thu hút du khách; Đẩy mạnh đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm; Đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối với các vùng dự án và các dự án du lịch; Nghiên cứu phát triển các loại hình du lịch biển - đảo nhằm kết hợp nhiệm vụ kinh tế gắn với quốc phòng…

UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển du lịch hàng năm với những giải pháp cụ thể, phù hợp và giám sát việc thực hiện một cách sát sao, chặt chẽ. Hy vọng rằng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cũng như sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, chúng ta sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành du lịch do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra.

*Xin cảm ơn ông!

Đan Châu (thực hiện)

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu