Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Quan tâm chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ giai đoạn giao mùa
01:13 | 30/04/2017 Print   E-mail    

Những ngày qua do thời tiết nắng nóng cộng với thời điểm giao mùa mưa nên số lượng trẻ nhỏ đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện Lê Lợi và Trung tâm Y tế thành phố Vũng Tàu tăng hơn. Từ đầu tháng 4 năm 2017 đến nay, khoa Nhi Bệnh viện Lê Lợi thành phố Vũng Tàu tăng 20% số bệnh nhân đến khám và điều trị so với thông thường. Đa số bệnh nhi mắc các bệnh mùa hè như hô hấp, viêm họng, viêm phổi, thủy đậu, tay chân miệng... Hơn lúc nào hết các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ cần quan tâm đặc biệt đến cách chăm sóc cho trẻ giai đoạn giao mùa này. 

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang ngồi

Phụ huynh đưa trẻ đến khám chữa bệnh tại khoa Nhi bệnh viện Lê Lợi Vũng Tàu 

Có thể thấy rằng, khi thời tiết thay đổi, nắng nóng da và hệ hô hấp vốn chưa thực sự hoàn thiện của trẻ nhỏ sẽ là nơi đầu tiên bị bệnh tật tấn công. Những chứng bệnh giao mùa trẻ thường mắc có thể là cảm cúm, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, sốt phát ban, sốt xuất huyết, dị ứng da…, trong đó có bệnh lành tính, cũng có bệnh dễ biến chứng bất ngờ. Thế nên việc tăng sức đề kháng cho trẻ để phòng bệnh vẫn luôn là ưu tiên số 1.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Lê Lợi thành phố Vũng Tàu, từ ngày 01- 4 đến đến 25-4, số bệnh Nhi đến khám tại Bệnh viện Lê Lợi tăng mạnh, từ 200-250 bệnh nhân mỗi ngày. Khu vực điều trị nội trú cũng quá tải khi số bệnh nhi được tiếp nhận vượt số giường thực kê tại khoa. Các bác sĩ khoa Nhi tại đây cho biết, nguyên nhân của tình trạng gia tăng bệnh nhi trong những ngày qua là do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt. Do trời nóng nên các gia đình thường sử dụng máy lạnh hay mở quạt máy với công suất lớn khiến trẻ rất dễ mắc bệnh vì nhiệt độ thay đổi đột ngột. Ngoài ra, một số yếu tố khác của mùa nóng cũng dẫn đến trẻ dễ nhiễm bệnh về đường tiêu hóa; các bệnh khác như tay chân miệng, viêm đường hô hấp cũng tăng…

Sắp tới, thời tiết mùa hè nắng mưa thất thường; nhiệt độ không khí dao động, độ ẩm môi trường cao... là cơ hội cho vi khuẩn, virut phát triển và gây bệnh. Để chủ động phòng ngừa các loại bệnh nói trên, các gia đình, các bậc cha mẹ cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp như: Chú ý bảo đảm đủ dinh dưỡng cho trẻ. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn quả xanh, rau sống, uống đủ nước, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, vệ sinh khi pha chế sữa cho bé, khi chế biến thực phẩm; Chú ý chăm sóc trẻ chu đáo: bảo đảm vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường; hằng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ, không để trẻ chơi đùa ngoài trời nắng; mỗi khi ra nắng hay đi học phải đội mũ, nón rộng vành; có đủ nước cho trẻ uống khi ở nhà và cả khi ở trường.

Theo các bác sỹ tại khoa Nhi bệnh viện Lê Lợi thì trong thời tiết nắng nóng như thế này, phụ huynh cần chú trọng cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để bé không rơi vào tình trạng mất sức khi mắc bệnh. Các bé biếng ăn thường dễ mắc bệnh, khả năng đề kháng cũng kém hơn so với những bé khác. Chính vì vậy, cha mẹ cần chăm sóc đúng cách và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp con tăng sức đề kháng trong mùa bệnh. Cảm cúm do nhiễm siêu vi rất dễ xảy ra với hiện tượng nóng sốt, đau nhức người, chảy nước mắt, nước mũi, đau cổ, ho nhẹ không đàm. Viêm họng cấp hay viêm thanh quản cũng là chứng bệnh trẻ rất dễ vướng phải, nhất là khi trẻ thức khuya, dậy sớm hay đi lại trong thời tiết nóng, bụi. Một số trẻ có thể bị sốt cao, ớn lạnh liên tục vài ngày sau đó nổi những nốt mủ trắng trên nền họng đỏ rực. Đàm nhớt sẽ tiết nhiều và khiến trẻ ho liên tục. Trẻ cần nghỉ ngơi nhiều, dùng kháng sinh, kháng viêm và hạn chế nói chuyện, cười lớn, vẫn tắm cho trẻ bằng nước ấm là lời khuyên của bác sĩ cho các bệnh này.

Mùa nắng nóng cũng là thời điểm tia cực tím từ mặt trời ở mức cao, gây độc hại cơ thể, làm giảm sức đề kháng, tổn thương mắt, mất nước, tăng nhịp tim, tăng chuyển hóa khiến trẻ mau mệt, mau mất sức, dễ bệnh. Nhiệt độ quá cao có thể gây sảng nhiệt, sốc nhiệt, gây tổn thương thần kinh tạm thời, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Trời nóng khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều, vi trùng phát triển mạnh trên bề mặt da. Tụ cầu khuẩn có thể gây viêm da, mẩn đỏ, trẻ ngứa ngáy khó chịu gãi dẫn đến nhiễm trùng, mụn mủ lan rộng ra. Nếu ở giai đoạn viêm mô tế bào, vùng da sưng đỏ tấy thì cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ gây nhiễm trùng huyết, tử vong nhanh. Khuẩn tụ cầu đa số kháng thuốc nên rất khó khống chế.

Chính vì thế, trong thời điểm giao mùa mưa này, để phòng bệnh từ đầu cho trẻ, các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên giữ vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cho con sạch sẽ; nhà ở, phòng ngủ thoáng khí; thay đổi quần áo phù hợp nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ về đêm cho trẻ; không nên bật quạt hoặc máy điều hòa trực tiếp vào giường của trẻ; chăm sóc chế độ dinh dưỡng tốt để trẻ nâng cao sức đề kháng phòng bệnh tốt nhất./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

 

 

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu