Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Giá trị truyền thống của Tết Việt
09:45 | 17/01/2017 Print   E-mail    

Với mỗi người dân Việt Nam, ngày Tết Nguyên Đán có một giá trị truyền thống tinh thần rất lớn. Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm linh của mỗi người, trong gia đình và cả cộng đồng mà ta có thể gọi chung là một giá trị truyền thống của Văn hoá gia đình Việt Nam. Tết đến Xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì, mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Nguyên đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Tết Việt

(Hình minh họa) 

Chúng ta có thể thấy rằng, Tết Nguyên Đán của người Việt không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người trong quan niệm của người phương Đông. Mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.

Người Việt cho rằng, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên sẽ chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng.

Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ, có đạo đức, có truyền thống tốt. Chẳng hạn: ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường. Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào, bất cứ giới nào: nam hay nữ, nông dân, thợ, kẻ sĩ hay chức sắc, lão bà hay lão ông. Ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Chẳng hạn, Tết là phải chúc mừng nhau: sức khỏe, tuổi tác (trường thọ), chúc “làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”… Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hòa giải những bất đồng. Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt muốn đạt tới và thường đạt tới. Cho nên, những ngày trong dịp Tết Nguyên đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Tết đến, người Việt thường nhắc nhiều đến “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Đó không phải là một sự bảo thủ, đó là cả một nền văn minh, một gam màu cần thiết cho tiết trời ấm áp mỗi độ xuân về. Cuộc sống mỗi người dân trên khắp đất nước Việt Nam đã ngày càng khấm khá, họ hài lòng với những gì đang thay đổi. Họ vẫn giữ những niềm tin, sự thành kính cao quý nhất đến Bác Hồ, đến Đảng, Nhà nước. Những tiếng cười nói hân hoan, những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc vào những ngày cuối năm – nước mắt của sự sum vầy, đoàn tụ đã chứng tỏ điều đó.

Cùng với tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế, giao lưu và hội nhập quốc tế, những nét truyền thống văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam đang bị tác động của những yếu tố ngoại lai. Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi các cháu cũng muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Chính sự tác động của đời sống văn hóa-xã hội, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt. 

Vì thế, bảo tồn, giữ gìn và phát triển những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta. Dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài, giữ được nét truyền thống văn hóa của Tết Việt sẽ đưa chúng ta về với cội nguồn, về với tổ tiên và quê hương, gia đình-nơi đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Từ đó, để mỗi người Việt Nam càng thêm tự hào, trân trọng về truyền thống vẻ vang của dân tộc, yêu thương giúp đỡ nhau nhiều hơn; ra sức phấn đấu, rèn luyện và cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc, quê hương, sống xứng đáng với đất nước Việt Nam “ngàn năm văn hiến”.

Nói tóm lại, ở thời đại nào đi chăng nữa thì Tết Việt vẫn mang một giá trị văn hóa truyền thống rất riêng. Đi qua những giây phút sống trong phong tục đẹp đẽ của gia đình Việt mấy ngày Tết, ta mới hiểu gia đình là cội nguồn nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mỗi người. Tết cổ truyền luôn là một hoạt động văn hóa đặc sắc. Những nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc có vai trò rất quan trọng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì vậy, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc đặc biệt cần thiết, đồng thời lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa quốc tế để phù hợp với nhịp sống hiện đại, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển và nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước./.

Bài: Lê Ngân, BBT

 

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu