Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
07:39 | 27/09/2016 Print   E-mail    

 

 

Có thể thấy rằng, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển xã hội. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Nguồn nhân lực chất lượng cao đang giữ vai trò quyết định sự phát triển của loài người. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

 

Cùng với xu thế chung của cả nước, những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có những chỉ đạo cụ thể trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng bộ Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đặc biệt là Nghị quyết VI của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng năm 2025. Với sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm của các ngành, các cấp, công tác đào tạo nguồn lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đạt được một số kết quả khả quan.                                      

 

Tuy nhiên, nhìn chung, so với yêu cầu, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước nói chung, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Trước hết là hạn chế về khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu xã hội trên 2 phương diện: Đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng, dự báo hằng năm đào tạo mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của xã hội; Đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, 80% đến 90% số sinh viên ra trường vừa được tuyển dụng cần phải đào tạo lại ít nhất là một năm. Hạn chế thứ hai là sự mất cân đối về số lượng giữa các ngành nghề được đào tạo do sự thiếu định hướng trong việc chọn nghề và chọn trường cho sinh viên. Trên thực tế, việc chọn trường, chọn ngành học của học sinh, sinh viên nhiều khi lại dựa vào các quyết định cảm tính, mơ hồ như ngành đó, trường đó đang là “mốt”, gia đình có người thân quen, trường này dễ đỗ, trường kia “danh giá”... Điều này dẫn đến cung - cầu về nhân lực chất lượng cao vẫn luôn ở trạng thái “thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa”, gây lãng phí cho các gia đình và cho cả xã hội. Những hạn chế trên có nguyên nhân từ những khó khăn về cơ sở vật chất, về nội dung chương trình đào tạo, về phương pháp giảng dạy, về đội ngũ giảng viên. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục đào tạo ở nước ta còn thiếu thốn và có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, miền, đặc biệt là các thiết bị giảng dạy và học tập, các công trình phục vụ thí nghiệm và thực hành cho sinh viên. Nội dung chương trình đào tạo của các ngành học ở bậc đại học đã có nhiều đổi mới, từng bước đi vào chuẩn hóa. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều giáo trình, bài giảng chưa được thường xuyên cập nhật, chuẩn hóa về nội dung. Phương pháp đào tạo của các trường cao đẳng, đại học đều đã cố gắng đổi mới theo hướng nâng cao tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, nhưng những đổi mới này đang còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn từ chính bản thân sinh viên, vì sau 12 năm học phổ thông đã quá quen với lối học thụ động. Đội ngũ giảng viên các trường đại học, mặc dù số lượng có học hàm, học vị hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn tình trạng thiếu các chuyên gia đầu ngành.

Trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Chúng ta cần tăng cường nhân lực chất lượng cao ở cả 3 nhóm: Lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ và lao động kỹ thuật. Với điểm xuất phát khá thấp, việc đảm bảo cung cấp nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang là thách thức rất lớn. Và quan trọng nhất, là các thách thức trong chuyển biến tư duy của chúng ta. Đó là việc nền kinh tế đã chuyển sang vận hành theo quy luật thị trường, nhưng một loại các vấn đề cốt lõi như: giáo dục và đào tạo, thống kê và dự báo, tuyển dụng và sử dụng… vẫn còn mang hơi hướng quan liêu tập trung, thậm chí còn ở mức lạc hậu. Ngay cả quan niệm về “nhân lực chất lượng cao” cũng có nơi, có lúc còn bị hiểu sai lệch, đống nhất với bằng cấp.

Trong thời đại của sự phát triển khoa học và công nghệ, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải trở thành một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển. Đây là khâu đột phá trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời phải đào tạo cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi về chuyên môn, có đạo đức trong sáng, tận tâm, tận lực vì dân, vì nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp từ bậc phổ thông đến bậc đại học, bảo đảm cho người học có một định hướng đúng đắn về ngành, nghề mà mình theo đuổi, từ đó xác định mục đích, động cơ, thái độ học tập rõ ràng. Trong thời gian qua, vai trò của công tác hướng nghiệp bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc chọn ngành, nghề phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa xứng tầm, chưa phát huy hết khả năng, đặc biệt trong khâu tổ chức các hoạt động định hướng trong thực tiễn. Để làm tốt điều này, các cơ sở giáo dục, đào tạo từ phổ thông đến đại học cần thành lập và chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm hướng nghiệp, làm cho hoạt động hướng nghiệp trở nên thiết thực, đa dạng cả về nội dung và hình thức hướng nghiệp nhằm đem lại hiệu quả mong muốn như mục tiêu đã đề ra.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì Việt Nam nói chung, Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng cần chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quán lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp./. 

Bài: Lê Ngân, BBT

 

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu