Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Khuynh hướng chọn nghề của học sinh phổ thông trung học hiện nay vẫn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
09:01 | 20/04/2016 Print   E-mail    

 
 
Kỳ thi THPT Quốc gia và mùa tuyển sinh Cao đẳng, Đại học năm 2016 đang đến gần. Hiện nay các em học sinh khối 12, nhà trường, gia đình và xã hội đang đứng trước sự băn khoăn không biết nên cho con em mình thi vào ngành nghề nào để sau khi ra trường có thể kiếm được cơ hội việc làm dễ dàng hơn. Một nghiên cứu gần đây về vấn đề khuynh hướng chọn ngành nghề của học sinh hiện nay cho thấy việc lựa chọn con đường vào đời bằng thi tuyển Đại học, Cao đẳng vẫn là ưu tiên hàng đầu của các em. Rất ít phụ huynh và học sinh định hướng dự thi vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp hay trường nghề nên tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang báo động nhiều năm nay ở nước ta.
 
Ai cũng biết rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta cũng như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở mức cao trong đó không ít những cử nhân, kỹ sư, thậm chí có cả thạc sỹ đã và đang làm trái với ngành nghề mình học hoặc không có việc làm. Trong khi đó ở nhiều nhà máy, xí nghiệp lại thiếu những người thợ, những công nhân có chuyên môn và tay nghề. Có thể thấy hiện nay công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, không theo kịp nhu cầu thực tế và còn nặng việc hướng học sinh học làm “thầy” nhiều hơn học để trở thành thợ giỏi. Bệnh thành tích cũng góp phần làm trầm trọng thêm tâm lý khoa cử. Hiện nay, ngoài việc buông lỏng công tác tư vấn, hướng dẫn học sinh vào các trường nghề, các cơ sở giáo dục sau một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có nhiệm vụ phải báo cáo về Sở số lượng học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng của trường mình và coi đó như là một thành tích.
 
(Một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông
tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu )
 
Trao đổi về những khó khăn hiện nay trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: “Hiện nay, nhiều trường nghề mặc dù có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên lành nghề, chương trình học sát thực tế nhưng vẫn chưa thu hút được học viên. Phần lớn học sinh có rất ít thông tin về các trường nghề và những ngành nghề mà xã hội nói chung và Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu” nói riêng đang cần. Vì vậy, để học sinh có thêm hiểu biết và định hướng đúng đắn về nghề nghiệp tương lai, công tác hướng nghiệp, dạy nghề phải được quan tâm hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình tư vấn hướng nghiệp phù hợp cho học sinh tại các trường và cơ sở dạy nghề trên địa bàn Tỉnh. Hy vọng các em sẽ có cái nhìn đúng đắn về học nghề”.
 
 Nhiều giáo viên nhận định rằng: Đối với học sinh THPT, dường như các em vẫn lựa chọn cho mình con đường duy nhất là thi vào Đại học, Cao đẳng để vào đời. Bởi bên cạnh tỉ lệ rất lớn (88%) học sinh chọn hướng “Tiếp tục học để thi Đại học, Cao đẳng ” thì chỉ có tỉ lệ rất nhỏ các em chọn học tại các trường Trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hay đi làm ngay hoặc ở nhà phụ giúp gia đình. Một khi học sinh đã hoàn thành bậc học THPT, các em sẽ tìm đến với cánh cửa Đại học, gạt tất cả những cánh cửa khác sang một bên và khi thất bại đến lần thứ ba, các em mới suy nghĩ về việc học nghề. Đây là sự lãng phí rất lớn mà chung quy lại, gánh nặng trách nhiệm được quy về cho công tác hướng nghiệp. Bởi chính việc hướng nghiệp đúng đắn sẽ giúp các em biết mình là ai, hiểu mình làm được gì và nghề gì hợp với mình để có một sự lựa chọn chính xác nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí, sức lực của bản thân và của cả xã hội.
 
Chính từ thực tế như phân tích ở trên đã đặt ra một vấn đề khác trong công tác hướng nghiệp, đó là việc cung cấp cho các em những chỉ báo trong tương lai về nhu cầu của xã hội đối với từng loại ngành nghề, những nghề nào đã đủ nhân lực, những nghề nào đang dư nhân lực, những nghề nào đang thiếu hụt ở mức tương đối và mức trầm trọng. Trên cơ sở của những chỉ báo này, kết hợp với việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ về các loại nghề cũng như việc định hướng giúp học sinh hiểu biết hơn về bản thân, chắc chắn cán cân nhân lực trong nền kinh tế sẽ được cân bằng một cách hiệu quả.
 
Nhiều học sinh cũng chưa hiểu hết được lợi ích của việc học nghề. Các em cứ nghĩ rằng, nhiều sinh viên trường đại học, cao đẳng chính quy còn thất nghiệp huống chi là trường nghề, trong khi nhu cầu nhân lực của các công ty, doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Có khi, sinh viên trường nghề còn có cơ hội việc làm cao hơn nhiều so với các sinh viên chính quy khác. Đó là một thực tế, nhưng cũng là một minh chứng cho thấy sinh viên đó chưa giỏi về kỹ năng nghề nghiệp. Tôi có được biết một số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hay kế toán, ngân hàng…do không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn của mình nên phải đi làm trái ngành nghề mình đã học như tiếp thị, phục vụ quán ăn, công nhân lao động phổ thông để tránh tình trạng thất nghiệp…
 
Rõ ràng trong xã hội, nếu ai cũng muốn làm thầy thì lấy ai làm thợ ? Trong khi đó, trên thực tế bất cứ xã hội nào dù văn minh đến mấy cũng rất cần một lực lượng đông đảo những người thợ chế tạo, điều khiển máy móc, dịch vụ, những người nông dân trực tiếp làm ra lương thực, thực phẩm... Một xã hội quá coi trọng bằng cấp, càng học hành đỗ đạt cao càng dễ thăng quan tiến chức, ắt sẽ xuất hiện ngày càng nhiều thạc sĩ, tiến sĩ “giấy”, thậm chí dễ dẫn đến tình trạng thầy không ra thầy, mà thợ cũng không ra thợ. Một xã hội ai cũng có thể dễ dàng vào đại học, dễ dàng tốt nghiệp đại học thì tội gì không học ? Việc cho mở quá nhiều trường đại học ở khắp các tỉnh thành chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều cử nhân, thạc sĩ đang phải đi làm công nhân.
 
Khuynh hướng chọn ngành nghề của học sinh phổ thông hiện nay có thể nói rằng còn rất nhiều bất cập. Để giảm thiểu tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” này cũng như sự phân bổ không đồng đều nguồn nhân lực, thất nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn của nước ta trong những năm sắp tới thì cần có một chiến lược cấp bách, bền bỉ của ngành giáo dục, gia đình và toàn xã hội trong đó công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là một trong những bước quan trọng./. 
 
Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu