Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tết Việt ở làng Nga
10:49 | 26/01/2016 Print   E-mail    

 

Tiểu khu 1 thuộc Khu tập thể nhà ở Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được người dân TP. Vũng Tàu gọi với cái tên gần gũi hơn là “Làng Nga”. Làng Nga hiện có đến hơn 1.100 người Nga đang sinh sống và làm việc. Không có mùa đông rét mướt như “xứ sở bạch dương” quê hương của họ nhưng mỗi mùa xuân về những người Nga lại đón Tết cổ truyền Việt Nam trong không khí ấm áp tình hữu nghị.

Vào đầu những năm 1980, các chuyên gia Liên Xô cũ (chủ yếu là người Nga và người Adecbaidan) đầu tiên đến Vũng Tàu làm việc trong XNLD Vietsovpetro, họ được bố trí sống trong các căn hộ của Khu dịch vụ dầu khí Lam Sơn và Khu khách sạn Tháng Mười. Năm 1985, khu A thuộc chung cư 5 tầng – Tiểu khu 1 xây dựng hoàn thành, các chuyên gia người Nga chuyển về sống tập trung tại đây. Và cái tên “Làng Nga” cũng bắt nguồn từ đấy.

“Làng Nga” chỉ cách khu tập thể dành cho người Việt làm việc cùng Vietsovpetro một con đường nội bộ. Trong suốt 30 năm qua, người Nga đã hòa vào cộng đồng dân cư ở Vũng Tàu, như một minh chứng cho sự đoàn kết hữu nghị của hai đất nước Việt - Nga. Theo đại diện phòng Quản lý đời sống nhà ở Vietsovpetro, hiện làng Nga có khoảng 1.100 người với hơn 500 hộ gia đình đang sinh sống. Với diện tích khoảng 13,5ha, “Làng Nga” được xây dựng nhiều công trình kiên cố như trường học, khu trung tâm thương mại, khu y tế, vườn trẻ em, sân bóng chuyền, bóng đá, sân tennis, cầu lông, nhà thi đấu thể dục thể thao… Ngoài ra còn có công viên, nhà trưng bày, lưu niệm… Hiện người Nga sống tại đây rất thoải mái, có hệ thống an ninh bảo đảm.

Một gia đình người Nga chuẩn bị đón Tết cổ truyền ở TP. Vũng Tàu

Tới thăm căn hộ của gia đình chị Mazur Viktoriga ở tầng 5, chị niềm nở chào đón chúng tôi như những người bạn. Chị Mazur Viktoriga kể chị đã sống ở Vũng Tàu hơn 10 năm và chị hiện đang làm việc tại Trung tâm Văn hoá thuộc Công đoàn phía Nga. Chị tâm sự, trước đây, khi phải rời quê hương để theo chồng đến Việt Nam công tác, chị đã khóc rất nhiều. Ban đầu vợ chồng chị có hợp đồng 3 năm với Vietsovpetro. Chị đã từng nghĩ sẽ cố gắng sống hết 3 năm rồi về nước. Nhưng càng sống và làm việc ở Việt Nam lâu năm, chị càng cảm thấy yêu mến vùng đất và con người ở đây. Vợ chồng chị lại xin gia hạn hợp đồng thêm một lần rồi hai lần, ba lần nữa… Đến nay, vợ chồng chị đã có hơn 10 năm ở TP. Vũng Tàu. Mặc dù vẫn chưa nói được tiếng Việt, chưa nấu được những món ăn Việt Nam nhưng chị yêu vùng đất Vũng Tàu, yêu quê hương, con người Việt Nam như nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Dẫn tôi đi khắp “Làng Nga”, chị Olya, một người rất “sỏi” tiếng Việt, khoe với tôi: “Chị thấy đấy, ở đây người Nga chúng tôi sống rất thoải mái. Tôi đã có 7 năm sống ở Vũng Tàu, tôi cũng có rất nhiều người bạn Việt Nam. Tôi đã quen thuộc nơi này từ bóng cây, ngọn cỏ, từng lối đi, góc nhỏ… Khi ra khỏi làng Nga lại có một phố xá gần gũi với người Nga chúng tôi bao nhiêu”.

Trong số hơn 1.100 người Nga đang sinh sống tại “Làng Nga” có rất nhiều người đã đón nhiều cái Tết cổ truyền tại Việt Nam. Cánh cửa gia đình anh Pyatov Vladimir mở ra, cả gia đình đón chúng tôi bằng câu nói tiếng Việt thân thiện: Chúc mừng năm mới. Sau đó, câu chuyện của gia đình anh lại tiếp tục bằng tiếng Nga. Anh Pyatov Vladimir cho biết, anh không biết nói tiếng Việt nhưng hầu hết những người Nga sống ở Việt Nam đều có thể nói những câu đơn giản như: Xin chào, Xin mời, Xin lỗi, Bao nhiêu… Và họ vẫn thường nói Chúc mừng năm mới mỗi khi gặp những người bạn Việt Nam vào dịp Tết cổ truyền. Sống ở Việt Nam đã 15 năm, gia đình anh Pyatov Vladimir cũng từng đón 15 cái Tết cổ truyền của Việt Nam tại TP. Vũng Tàu. Và mỗi cái Tết với gia đình anh là mỗi kỷ niệm khó quên. Chị Pyatova Larisa, vợ anh Pyatov Vladimir chia sẻ, người Nga đã đón Tết riêng (vào dịp tết Tây) nhưng khi đến Việt Nam họ có thêm một mùa xuân nữa. Mặc dù không biết nấu những món ăn của người Việt Nam nhưng vào dịp Tết chị Pyatova Larisa cũng chuẩn bị rất nhiều món ăn ngon như vịt quay, bánh ngot, salat trộn, bò nướng… để thiết đãi bạn bè. Gia đình chị cũng mua sắm thêm quần áo mới, và mừng tuổi cho cậu con trai bằng phong bao lì xì đỏ chót như tục lễ mà người Việt vẫn thường làm trong dịp Tết.

Cũng như gia đình anh Pyatov Vladimir – chị Pyatova Larisa, gia đình chị Levadsraya Nataliya ở tầng 5 của làng Nga cũng có nhiều mùa xuân ấm áp ở Vũng Tàu. Đến thăm gia đình chị vào những ngày cuối năm, thấy chị bận rộn với việc trang hoàng nhà cửa, chị mua nào hoa tươi, tranh ảnh và cả tranh những con giáp ngộ nghĩnh để dán trong căn hộ ấm cúng của mình. Chị là nhân viên bảo vệ tại “Làng Nga, còn chồng chị là chuyên gia người Nga làm việc tại XNLD Vietsovpetro, 15 ngày đi biển còn 15 về với gia đình. Chị Nataliya cho biết, chồng chị rất thích những món ăn Việt Nam như rau muống xào tỏi, cá kho tộ, chả giò… Dù không có những tục lệ thắp hương lên bàn thờ gia tiên hay những lễ nghi như người Việt nhưng đêm 30 Tết gia đình chị Nataliya vẫn thức đợi đến lúc giao thừa để xem bắn pháo hoa rồi sau đó gọi điện chúc Tết những người bạn Việt Nam hoặc thăm những người bạn Nga sống cùng “Làng Nga”. Chị nói: “Mặc dù không hiểu tiếng Việt nhưng tôi rất thích những bài hát Việt Nam vang lên mỗi dịp Tết, giai điệu rất hay, vũ điệu rất mượt mà khiến tôi nhớ mãi”.

Còn chị Mazur Viktoriga thì chia sẻ, Tết năm nào chị cũng nhận được một cặp bánh chưng do người bạn Việt Nam tặng. Chị rất thích món bánh truyền thống mà người Việt vẫn thường ăn trong dịp Tết cổ truyền. Ngoài thời gian đi du lịch, chị thích nhất là đêm giao thừa được ra phố cùng gia đình, bạn bè thưởng thức màn bắn pháo hoa, sau đó tản bộ dọc đường phố. “Vào dịp Tết Nguyên đán những người bạn Việt Nam thường mở tiệc chiêu đãi chúng tôi ngay tại nhà hàng ở “Làng Nga”. Đó là một bữa tiệc ấm cúng, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc bởi tình cảm của các bạn người Việt dành cho chúng tôi và càng yêu thêm những cái Tết cổ truyền của các bạn”, chị Mazur Viktoriga nói./.

Bài, ảnh: NHƯ MÂY, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu