Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Chung tay chăm sóc người cao tuổi
06:16 | 30/12/2015 Print   E-mail    

 
 
Cùng với việc đạt cơ cấu dân số vàng, Việt Nam đang được xếp vào một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới với tỉ lệ người cao tuổi  từ 65 trở lên chiếm trên 7% dân số cả nước. Tại BR-VT, với tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm khoảng gần 6%, tuy chưa tới mức báo động về tỷ lệ già hóa dân số, tuy nhiênvới sự dịch chuyển của lực lượng lao động nhập cư, số lượng người cao tuổi trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Đây là một thách thức đòi hỏi sự chung tay của các gia đình và cả cộng đồng trong vấn đề chăm sóc, an sinh cho người cao tuổi.
 
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Quang Dưỡng ở Phường 10, gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Dưỡng, khi chưa hỏi tuổi của ông khó có thể biết được năm nay ông Dưỡng đã bước sang tuổi 81. Vợ ông Dưỡng năm nay cũng đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và dồi dào sức khỏe. Chia sẻ về bí quyết sống khỏe, ông bà Dũng cho biết đó chính là nhờ sự chăm sóc, yêu thương của các con cháu mình. Sống trong gia đình tứ đại đồng đường, con cháu ông bà Dũng dù khó khăn vất vả về kinh tế nhưng vẫn luôn quan tâm, chăm lo và hiếu thuận với ông bà.
 
Ông Dưỡng cho biết: “Ở với các con, các cháu tứ đại đồng đường nhưng mà gia đình tôi sống  rất là vui vẻ. Các con kể cả ở gần hay ở xa đều rất hiếu thảo đối với bố mẹ”
 
Bà Trịnh Thị Hoa- Cán bộ chuyên trách công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình Phường 10-TPVT nhận xét: “Tôi làm công tác dân số ở phường cũng nhiều năm nay rồi nên tôi rất ngưỡng mộ gia đình ông bà Dưỡng. Đây là gia đình tứ đại đồng đường, về kinh tế dù hơi khó khăn, vất vả nhưng về mặt tình cảm thì rất gắn bó và thương yêu lẫn nhau. Cha mẹ thì mẫu mực, con cháu thì hiếu thuận nên gia đình ông bà Dưỡng lúc nào cũng hạnh phúc và rộn tiếng cười. Chính vì vậy mà tôi thấy ông bà Dương cứ trẻ khỏe mãi.”
 
Không phải ai cũng may mắn có được sự chăm sóc, quan tâm từ con cháu như ông bà Dưỡng. Bởi hiện nay, bên ngoài xã hội vẫn có nhiều người cao tuổi vô gia cư, phải sống lang thang, ăn xin, sống nơi công cộng; nhiều người có hoàn cảnh neo đơn, không có người thân, không ai nương tựa, bị con cháu hắt hủi hay người thân ruồng bỏ. Để giúp đỡ cho người cao tuổi có những hoàn cảnh đáng thương này, năm 1999, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người già neo đơn tại huyện Long Điền. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành mái ấm cho hàng ngàn cụ không nơi nương tựa.
 
Bà Phạm Thị Cưng- 69 tuổi kể: “Vì lý do sức khỏe tôi không làm việc được lại không có con cháu nương tựa nên  tôi hỏi thăm ở tổng đài người ta giới thiệu tôi vào đây. Tôi vào đây được 3 năm rồi, từ ngày tôi vào đây  tôi không phải lo gì hết, vì ở đây thuốc men có, cơm có, chỗ ở cũng yên ổn, như vậy cũng đã quá tốt rồi... Tôi rất cảm xúc và rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới những người già như chúng tôi”
 
Ông Phạm Minh Ân- Giám đốc Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người gia neo đơn tỉnh cho biết: “Hiện nay Trung tâm chăm sóc cho 111 cụ. Trong thời gian qua được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở LĐTBXH, các sở ban ngành, đời sống các cụ ở tại TT được nâng lên. Với sự quan tâm của các cấp các ngành, cán bộ, nhân viên của TT cũng nỗ lực hết mình để chăm sóc nuôi dưỡng cho các cụ có bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho các cụ thật tốt..Ở đây có 111 cụ, mỗi cụ có một mảnh đời khác nhau. Qua trao đổi, tiếp xúc, trò chuyện, chăm sóc các cụ ở đây, mình cảm thấy rằng các cụ giống như người thân của mình, chính vì vậy cán bộ, nhân viên chúng tôi càng nỗ lực hơn để giúp các cụ an hưởng tuổi già.”
 
Với người cao tuổi tại cộng đồng, trong những năm qua, các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành cũng đã quan tâm thực hiện nhiều hoạt động như: trợ cấp khó khăn, trợ cấp đột xuất, tặng quà mừng thọ nhân dịp lễ tết, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, tổ chức các CLB dưỡng sinh, tư vấn sức khỏe..
 
Bà Vương Thị Ngọc Yến-Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh BR-VT cho biết: “Trong những năm qua, Bà Rịa Vũng Tàu đã triển khai chăm sóc cho người cao tuổi rất là chu đáo. Hàng năm đều có kế hoạch khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe,  tặng quà.  Ngoài ra trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi năm 2015 , Hội chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức chăm sóc sức khỏe cho hơn 600  người cao tuổi.  Riêng với các cấp hội  cũng thường xuyên duy trì hoạt động này.  Ngoài các hoạt động khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi,  hội Chữ Thập Đỏ tỉnh còn trao tặng bò,  xây nhà chữ thập đỏ cho người cao tuổi ở các địa phương”.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70 ngàn người cao tuổi, trong đó có 70%  NCT sống cùng gia đình, 20% sống trong các Trung tâm xã hội, 10% còn lại chưa có nơi nương tựa. Mặc dù các mô hình, các hoạt động đã từng bước góp phần cải thiện cuộc sống của NCT, song trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc của nhiều đối tượng, nhất là NCT ở nông thôn. Số NCT tăng đòi hỏi công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho NCT cần đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thực tiễn. Tỷ trọng NCT tăng tác động đến mô hình bệnh tật và nguyên nhân bệnh tật của NCT thay đổi nhanh chóng. Các bệnh mãn tính không lây như bệnh xương khớp, tim mạch và huyết áp, tiền liệt tuyến, rối loạn tiểu tiện; những bệnh tật phát sinh như sa sút tinh thần và trầm cảm... có xu hướng tăng. Mặt khác, NCT chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, nguy cơ khuyết tật cũng rất cao, thường gặp nhất là khuyết tật về mất thị lực và thính lực. Các bệnh về tim mạch, ung thư và hô hấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên. Có thể thấy rằng, NCT đang phải đối mặt với gánh nặng về sức khỏe nhưng việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe lại đang gặp hạn chế và có sự khác biệt lớn giữa khu vực nông thôn với thành thị. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của nhiều NCT còn rất khó khăn, điều này ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc và điều trị sức khỏe NCT.
 
Ông Tôn Thất Khoa- Chi cục trưởng Chi Cục dân số- KHHGĐ cho biết: “Chúng tôi có những  định hướng để làm sao đối với những huyện, Thành phố có nhiều người cao tuổi thì chúng tôi sẽ triển khai các buổi truyền thông để cho người dân biết được lợi ích chăm sóc người cao tuổi cũng như cách thức chăm sóc các cụ. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để cùng nhau  truyền thông những bệnh tật thường xảy ra đối với người cao tuổi,  qua đó định hướng chăm sóc người già,  người cao tuổi của gia đình mình”.
 
Trong thời gian tới, BR-VT tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổ; sản xuất những hàng hóa, dịch vụ phù hợp nhu cầu người cao tuổi; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho người cao tuổi. Muốn làm được điều này, các cấp, các ngành cần chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để họ hiểu người cao tuổi không phải là gánh nặng của xã hội mà là vốn quý của mỗi quốc gia, địa phương và trách nhiệm của người trẻ là góp sức cùng xã hội chăm sóc người cao tuổi./.
 

Bài: Thanh Bình, BBT 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu