Liên Kết Website Liên Kết Website
Lễ hội văn hóa Lễ hội văn hóa
“Hiếu nghĩa” trong mâm cúng của đạo ông Trần
07:55 | 18/06/2013 Print   E-mail    

 
 
Không chỉ với du khách phương xa, ngay cả cư dân sinh sống ở những vùng lân cận xã đảo Long Sơn, đạo ông Trần và những sinh hoạt văn hóa của Nhà Lớn luôn là kho khám phá vô tận. Nếu có dịp tham dự lễ Trùng Cửu (9-9 âm lịch), quan sát sản vật bày trên mâm cúng, nghi thức cúng của người theo đạo ông Trần sẽ cảm nhận hết giá trị nhân văn sâu sắc ông Trần gửi gắm cho người đời sau.
 
            Theo thông lệ, hàng năm, Nhà Lớn có hai lễ lớn là: lễ Vía Ông (20-2 âm lịch) và lễ Trùng Cửu (9-9 âm lịch). Nếu như lễ Vía Ông là dịp để người dân sinh sống tại Long Sơn, cư dân ở các tỉnh thành miền Tây Nam bộ bày tỏ lòng thành kính, biết ơn ông Trần - người đã khai hoang và lập nên vùng đất Long Sơn - thì lễ Trùng Cửu là lễ cầu an, tìm về với cội nguồn. Lễ Trùng Cửu có từ thời ông Trần.
 
            Tương truyền, ông Trần theo đạo Hiếu Nghĩa, lấy lòng thờ cúng tổ tiên, đất nước và đồng loại làm nền tảng giáo dục đạo lý làm người cho con cháu và bá tánh theo ông đến Long Sơn lập nghiệp. Vật phẩm ông Trần sử dụng thờ cúng trong lễ Trùng Cửu là những sản vật từ ruộng lúa, đùng tôm, vuông cá đang từng ngày nuôi sống người dân. Sau khi ông mất, con cháu nối tiếp thực thi nghi lễ. Lâu dần, lễ Trùng Cửu còn được xem như đám giỗ chung của những người dân tha phương theo ông Trần đến Long Sơn lập nghiệp mà không có người thân, họ hàng cúng giỗ.
 
Làm bánh quy cúng lễ trùng cửu
          Một trong những món không thể thiếu trong lễ Trùng Cửu đó là bánh quy. Bánh được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh trộn với đường và gừng. Để có được những chiếc bánh thơm dẻo, nhà bếp phải ngâm gạo, xay thành bột, ủ bột vào bao vải một đêm trước cho lên men và đạt độ dẻo cần thiết. Đậu xanh làm nhân bánh được nấu chín, trộn với hỗn hợp nước đường và gừng rồi chia thành từng phần nhỏ để sẵn. Đến sáng sớm hôm sau, các công đoạn làm bánh bắt đầu. Bột được nhào kỹ, chia thành từng phần đều nhau cuộn nhân vào, sau đó đưa vào khuôn gỗ để đúc (người Long Sơn gọi công đoạn này là gõ bánh). Khuôn bánh có hình tròn, trong lòng có khắc chữ quy. Chiếc bánh làm xong sẽ đặt lên lá chuối và đưa vào xửng hấp.
 
          Theo những người theo đạo ông Trần, ông Trần cho làm bánh quy trong kỳ lễ cúng này ngoài mục đích tạ ơn đất trời cho mưa thuận gió hòa còn có một ý nghĩa nữa là mong con cháu Nhà Lớn sum họp đầy đủ cùng ôn lại truyền thống của ông bà. Ăn miếng bánh làm từ sản phẩm do người nông dân làm ra như gạo nếp, đậu xanh chính là cách ông Trần nhắc nhở con cháu trân trọng công sức của những người nông dân chân lấm tay bùn vất vả một nắng hai sương làm ra hạt gạo, đồng thời mong con cháu hăng say lao động để làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương.
 
          Trong 2 ngày lễ chính, có một buổi Nhà Lớn kỉnh mặn (cúng mặn), đó là lễ Tiên Thường, vào ngày mùng 8-9. Đồ cúng trong mâm được làm từ con cá, con tôm, cân gạo, củ khoai… do bá tánh đem đến kỉnh ông. Mâm cúng được bày theo ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ với mỗi món ăn mang một vị khác nhau như: canh chua, gỏi cuốn, đồ xào, gỏi bắp chuối và cơm.
 
          Trước khi dâng cúng, tất cả đồ ăn sẽ được bày thành từng mâm, dọc theo các dãy phản (Nhà Lớn gọi là phối cỗ). Có 65 mâm với số lượng món ăn như nhau tương ứng với 65 bàn thờ trong Nhà Lớn. Khi có lệnh, các thành viên trong hội đồng sẽ dâng các mâm cúng. Nghi lễ cúng do các hương chức Nhà Lớn thực hiện.
 
          Lễ cúng bắt đầu từ gian chính điện ở lầu giữa, sau đó đoàn hương chức sẽ lần lượt dâng hương ở các khu nhà khác và bàn lễ cuối cùng là nơi thờ bá tánh không con cháu, họ hàng khi chết đi được Nhà lớn đưa về lo ma chay, tang chế. Khi cúng, người theo đạo ông Trần đặt hai tay trên đầu với ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính tổ tiên và cảm khái đấng trượng phu, đầu đội trời, chân đạp đất.
 
          Một phần lễ khác trong ngày đó là kỉnh ngọt - dẻo. Theo giải thích của các bậc kỳ lão Nhà Lớn, cái tên dẻo - ngọt là do thành phần cúng đồ cúng trong mâm cúng. Dẻo chính là bánh quy, thể hiện sức bền bỉ, dẻo dai trong lao động, mềm mỏng trong cách đối nhân xử thế; ngọt ở đây là vị ngọt của chè, nhưng ý nghĩa sâu xa là sự ngọt ngào của tình thương yêu, sống chan hòa, thuận thảo với mọi người. Trong lễ cúng này, mọi vật phẩm do khách thập phương đem đến dâng cúng như nhang, trái cây, bánh, kẹo… được chia đều vào 65 mâm cúng như một cách thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân.
 
           Trước đây, lễ cúng này được tổ chức vào ban đêm. Sau khi cúng xong, ông Trần đem tất cả đồ cúng chia đều cho bà con đem về, gọi là lộc của Nhà Lớn. Ngày nay, để tiện cho việc nấu nướng và thăm viếng của cô bác ở xa kịp ra về, các bậc kỳ lão trong Nhà Lớn chuyển lễ cúng này sang buổi chiều.
 
          Ngày 9-9 là lễ Chánh Giỗ kỉnh chay (cúng chay). Trong ngày này, các vật phẩm trên mâm cúng hoàn toàn là đồ chay. Ngoài những món ăn thông thường từ rau củ quả, có hai món chính không thể thiếu trong mâm cúng là tương hột và đậu hũ. Hai món ăn này có từ khi ông Trần còn tại thế. Sau khi dự các lễ ở Nhà Lớn, khách hành hương thường tiến về các dãy núi phía sau Nhà Lớn, viếng nơi thờ gia tộc ông Nhà Lớn trước khi tạm biệt Long Sơn.
 
                                                                                         Bài, ảnh: Trường Lân
                                                                                                     BBT.

              

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu