Liên Kết Website Liên Kết Website
An ninh quốc phòng An ninh quốc phòng
Truyền thống Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
03:42 | 22/02/2013 Print   E-mail    

 

          Tháng 3 năm 1946 hội nghị cán bộ tỉnh Bà Rịa đã tổ chức tại xã Long Mỹ dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Xuân Độ - Chủ nhiệm chính trị Bộ Khu 7. Hội nghị có mặt nhiều Đảng viên từng hoạt động ở Bà Rịa như Trần Xuân Độ, Bùi Công Minh, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Quỳ, Hoàng Tiêu, Võ Văn Thiết, Hồ Sĩ Nam, bên cạnh những chủ trương về xây dựng lực lượng chính trị mà trung tâm là việc thành lập Mặt Trận Việt Minh và các đoàn thể. Hội nghị đã bàn việc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền. Hội nghị bàn kế hoạch xây dựng lực lượng kháng chiến và chính thức công nhận đội du kích thành lập tại xã Long Phước là đội quân chủ lực của tỉnh và đặt tên là Đội du kích Quang Trung do đồng chí Hoàng Tiêu làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Quỳ - đội phó, đồng chí Dương Ngọc Văn (Năm Đường) - Chính trị viên. Đội du kích Quang Trung được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng và hoạt động trong phạm vi toàn tỉnh. Ngày 9/3/1946 Đội du kích Quang Trung đã tổ chức tuyên thệ tại rừng Long Tân rồi xuất quân đánh trận đầu tiên, đánh chiếm đồn Xà Bang, sau đó tiếp tục đánh đồn Long Hải, phục kích chặn đánh địch ở xã Tam Phước và nhiều nơi khác. Việc ra đời đội du kích Quang Trung đánh dấu sự khôi phục bước đầu về tổ chức lực lượng vũ trang tập trung Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó điều quyết định là Đảng tổ chức, lãnh đạo LLVT. Lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đó chính là cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng Bà Rịa-Vũng Tàu theo yêu cầu kháng chiến lâu dài. Nhiệm vụ của đội được xác định không chỉ chiến đấu mà còn làm công tác vận động quần chúng.
            Hội nghị Xứ ủy Nam bộ tháng 12/1947 chủ trương: Phát triển lực lượng du kích rộng khắp, xây dựng bộ đội chủ lực khu, tăng cường chống địch càn quét, bình định, đánh phá giao thông cơ sở kinh tế địch, bảo vệ căn cứ và hành lang kháng chiến. Chấp hành nghị quyết của Xứ ủy, căn cứ tình hình nhiệm vụ mới, ngày 27/3/1948, hội nghị Khu ủy Khu 7 mở rộng toàn khu quyết định điều chỉnh chiến trường, xây dựng các trung đoàn tập trung, xử lý một số vấn đề cụ thể trong khu. Thi hành quyết định của Khu ủy. Tại Bà Rịa, tháng 5/1948 trung đoàn 307 được thành lập trên cơ sở sáp nhập Chi đội 16, Chi đội 7, một số đơn vị nhỏ lẻ,
            Từ đội du kích Quang Trung, lực lượng đã tiến lên chi đội, trung đoàn; du kích tập trung và tự vệ xã ấp đã tiến lên lực lượng vũ trang hoàn chỉnh ba cấp: tự vệ, dân quân du kích xã, ấp; bộ đội địa phương huyện và bộ đội tập trung tỉnh cùng hệ thống cơ quan quân sự các cấp, thống nhất lãnh đạo thống nhất chỉ huy.
            Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc. Đó là một thắng lợi to lớn của cả nước. Nhưng ở miền Nam ta không có chính quyền, không có LLVT cách mạng và phải đối phó với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ – một thế lực đế quốc lớn nhất thời đại. Cũng như nhiều tỉnh ở Nam Bộ, LLVT Bà Rịa – Vũng Tàu được tái lập khá sớm, do nhiều nguồn quy tụ lại ở những khu căn cứ được xây dựng từ trong kháng chiến chống Pháp. Sự tái lập LLVT trước khi có Nghị quyết 15 là biểu hiện của truyền thống bất khuất và năng động sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Tháng 10 năm1963, LLVT Bà Rịa – Vũng Tàu nhận chuyến tàu chi viện vũ khí đầu tiên từ Miền Bắc vào bến Lộc An, đồng thời Tỉnh ủy Bà Rịa được lệnh phối hợp với hậu cần Miền mở tuyến vận tải Rừng Sác chuyển vũ khí từ Bến Tre qua sông Lòng Tàu về Thị Vải tập kết chuẩn bị cho chiến dịch Bình Giã.
                    Đầu năm 1964 đại đội 440 được thành lập, quân số được tách ra từ đại đội 445 và nguồn bổ sung từ bộ đội huyện, hoạt động hiệu quả trên các mặt trận lộ 2, lộ 23, Tam Long, Long Đất. Đại đội 25 bộ đội huyện Long Đất đã phối hợp phục kích nhiều trận tiêu diệt bọn công an, cảnh sát ở các chi khu Long Đất, Long Điền. Tiểu đoàn chủ lực 800 Quân khu 7 hoạt động trên hướng lộ 15 Mỹ Xuân đã tổ chức nhiều trận phục kích đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trên hướng Xuyên Mộc một bộ phận đại đội 445 bộ đội tỉnh phối hợp với du kích các xã Bàu Lâm, Phước Bửu tiêu diệt nhiều ác ôn uy hiếp đồn bốt làm rúng động binh lính nguỵ.
            Thực hiện chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền và của Tỉnh ủy, để chủ động đánh địch, bộ đội tỉnh c440 và c445 xây dựng kế hoạch tiến công ấp chiến lược Bình Giã. Trong chiến dịch Bình Giã, LLVT tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực giành thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1000 tên địch, phá hủy hàng trăm thiết bị quân sự. Lần đầu tiên trên chiến trường Miền Nam ta đã tiêu diệt được cấp tiểu đoàn địch. Đánh bại chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của chúng. Chiến dịch Bình Giã thắng lợi đã góp phần mở rộng vùng cách mạng phía bắc Bà Rịa, phong trào ba mũi giáp công trong toàn tỉnh được đẩy mạnh, phá rã hầu hết các ấp chiến lược và bộ máy kiềm kẹp, giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn. Thực lực cách mạng của địa phương được củng cố và phát triển mạnh hơn.
            Nhằm tăng cường LLVT tập trung của tỉnh, ngày 19 tháng 5 năm 1965, tại khu vực suối Rao, thuộc xã Long Tân, huyện long Đất, Tiểu đoàn 445 bộ đội tỉnh Bà Rịa được thành lập, trên cơ sở sát nhập hai đại đội 440 và 445 và bổ sung thêm một số tân binh . Ngay sau khi ra đời Tiểu đoàn 445 tuy là đơn vị bộ đội địa phương với quy mô tổ chức nhỏ, quân số không đông, trang bị không mạnh nhưng là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng khác đã chiến đấu trực tiếp với những đơn vị lớn, sừng sỏ nhất của quân viễn chinh Mỹ và đặc biệt là với lực lượng thiện chiến của quân đội Hoàng Gia Úc. Thế nhưng tiểu đoàn 445 cùng với các đơn vị nhỏ của Bà Rịa – Vũng Tàu không những đã lần lượt đánh bại các thủ đoạn chiến thuật du kích và phản du kích mới nhất của quân Úc mà còn cùng quân và dân miền Nam thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 – tiến công thẳng vào các sào huyệt của địch.
            Tháng 11/1974, Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh ra nghị quyết về “Phương hướng nhiệm vụ biện pháp công tác năm 1975” nghị quyết khẳng định: Động viên quyết tâm và nổ lực cao nhất của toàn đảng bộ, quân và dân trong tỉnh nắm vững tư tưởng tấn công, đẩy mạnh 3 mũi, gỡ đồn diệt sinh lực địch, giải phóng xã, ấp, làm thất bại cơ bản kế hoạch bình định lấn chiếm mới của địch, phát triển thực lực mọi mặt, làm thay đổi hẳn thế và lực tại chỗ, giành thắng lợi lớn nhất trong năm 1975. Phát huy thắng lợi trên các chiến trường, 17 giờ ngày 26/4/1975, LLVT tỉnh phối hợp với Sư đoàn 3 Sao vàng đánh vào tiểu khu Phước Tuy, trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, địch phản kích quyết liệt nhưng không kháng cự được trước sức mạnh của quân và dân ta. Ngày 27/4, Bà Rịa được giải phóng, trưa ngày 30/4, thành phố Vũng Tàu được giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn.
            Trong khi LLVT Bà Rịa –Vũng Tàu đang đối mặt với những khó khăn chung sau những ngày giải phóng thì chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra cùng với các lực lựơng chủ lực của trên, LLVT Bà Rịa-Vũng Tàu có tiểu đoàn 445 và 440 và các đại đội thuộc huyện, thị luân phiên lên biên giới tham gia chiến đấu. Sau khi kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam, lực lựơng các huyện thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu còn tham gia giúp bạn ở tỉnh Côngpongthom trong đội hình của LLVT Đồng Nai. 
            Được chiến đấu xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trực tiếp là lãnh đạo địa phương tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể các cấp được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, tin yêu, cán bộ và chiến sỹ LLVT tỉnh luôn trân trọng, tự hào và phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang đó lên tầm cao mới. Mỗi cán bộ, chiến sỹ không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc Việt Nam XHCN và nhân dân, quyết tâm làm thất bại âm mưu thâm độc, thủ đọan xảo quyệt của kẻ thù góp phần giữ vững ANCT – TTATXH, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh. Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh quyết tâm đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, nỗ lực phấn đấu thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với sự tin cậy yêu mến của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương góp phần xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG BR – VT
            Quản lý bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển đảo là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài và có ý nghĩa chiến lược quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
 
            Để có một lực lượng vũ trang chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, đây là Nghị quyết đặc biệt, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa.
 
              Thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg, thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang; thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, trực thuộc Bộ Công an, có nhiệm vụ: trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội   địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng. 
 
            Thể theo nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, ngày 3 tháng 3 năm 1959   được lấy làm Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng.
 
                           Cùng với sự trưởng thành chung của toàn lực lượng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập ngày 5/5/1975, tiền thân là An ninh vũ trang Bà Rịa-Long Khánh, thuộc lực lượng An ninh vũ trang miền Đông – Nam bộ và một bộ phận Công an nhân dân vũ trang tăng cường từ các tỉnh phía bắc vào. Trải qua 38 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, qua nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức, nhưng Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, lập nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác và xây dựng đơn vị.
 
            Đầu những năm giải phóng, chính quyền cách mạng ở các địa phương chưa thực sự vững mạnh, bọn ngụy quân, ngụy quyền thừa cơ hội ngóc đầu dậy, một bộ phận quần chúng nhân dân lạc hậu nghe theo lời tuyên truyền xuyên tạc của bọn phản động đã che giấu, tiếp tay cho địch; tổ chức vượt biển trái phép trốn đi nước ngoài.v.v… bọn tàn quân và bọn phản động tại chỗ tuy đã tan dã nhưng vẫn ngấm ngầm cấu kết hoạt động hòng tổ chức lực lượng chống phá ta lâu dài, tình hình an ninh trật tự diễn ra khá phức tạp, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các lực lượng vũ trang đã bắt giữ tiêu diệt gọn các tổ chức phản động vũ trang, xử lý hàng ngàn vụ vượt biển trốn đi nước ngoài, hàng trăm vụ xâm nhập và nhiều vụ án hình sự phức tạp. Chủ động tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền củng cố cơ sở chính trị, đẩy mạnh các phong trào quần chúng, giúp địa phương từng bước giải quyết những khó khăn phức tạp, ổn định tình hình mọi mặt trên tuyến biên phòng của tỉnh.
 
            Trong những năm của thập kỷ 80, đất nước chuyển mình đổi mới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được xác định là địa bàn trọng điểm, là cửa ngõ giao lưu quốc tế, là nơi kẻ địch tập trung chống phá ta về mọi mặt. Tình hình đó đã đặt ra cho Bộ đội Biên phòng tỉnh nhiệm vụ quan trọng trọng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo. Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của lực lượng, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, của Đảng uỷ- Bộ tư lệnh Biên phòng, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển đảo của tỉnh; bắt giữ hàng trăm tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải; xử lý hàng trăm vụ với hàng ngàn lượt đối tượng xuất cảnh trái phép; nhiều vụ người nước ngoài nhập cảnh trái phép; lập nhiều chuyên án triệt phá các băng nhóm chuyên móc nối, lôi kéo, tổ chức người trốn ra nước ngoài. Đã độc lập tác chiến và phối hợp với các lực lượng bắt giữ hàng trăm vụ buôn lậu, tịch thu hàng hoá trị giá hàng chục tỷ đồng, phát hiện và xử lý các đối tượng có dấu hiệu xâm phạm an ninh quốc gia; bắt giữ hàng ngàn đối tượng trộm cắp, trao đổi hàng hoá trái phép trên tàu nước ngoài ở khu vực cảng, phao số 0 và các đối tượng tàng trữ, sử dụng chất nổ, dụng cụ kích điện khai thác hải sản, tội phạm ma tuý, mại dâm, khai thác lâm sản trái phép. Lập nhiều chuyên án đấu tranh với đối tượng thuộc các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp; kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính hàng ngàn lượt vụ, thu về cho nhà nước hàng chục tỷ đồng. Đã làm thủ tục xuất, nhập, quá cảnh và kiểm soát giám hộ cho hơn 10.000 lượt tàu, 1.000 lượt chuyến bay với hàng trăm lượt thuỷ thủ và hàng ngàn lượt hành khách, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
 
            Thực hiện các nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân” Bộ đội Biên phòng tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển của tỉnh, tích cực tham gia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với các ngành ở địa phương. Tích cực tham gia chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ, đã trực tiếp mở lớp và giảng dạy được gần 100 lớp phổ cập, xóa mù chữ với gần 2000 học sinh; xây dựng và duy trì hoạt động hai điểm sáng văn hoá tại địa bàn xã Long Sơn, TP Vũng Tàu và địa bàn xã Phướng Thuận huyện Xuyên Mộc; xây dựng hai trạm xá quân dân y kết hợp tại địa bàn xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc và địa bàn Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, thường xuyên khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân nghèo. Trong những năm qua Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn là lực lượng xung kích trong thực hiện công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn giảm nhẹ thiện tai, tích cực góp phần giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn hoạn nạn.
 
            Trải qua 38 năm chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đoàn kết, bền bỉ phấn đấu, vượt qua khó khăn gian khổ, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng vững mạnh, không ngừng vươn lên lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh nhà tin yêu, hai đơn vị được nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đó là: Đội trinh sát vũ trang ban an ninh Thị xã
Long Khánh (ngày 26/11/1978) và đồn Biên phòng 484 Bình Châu (ngày 29 tháng 01 năm 1996). 15 lượt đơn vị và 27 lượt cá nhân được tặng thưởng Huân chương chiến công từ hạng nhất đến hạng ba.
 
TRUYỀN THỐNG TIỂU ĐOÀN ĐẶC CÔNG 60.
(Đơn vị hiện nay đóng quân tại tỉnh Bình Dương)
            Tiểu đoàn Đặc công 60thành lập ngày 06 tháng 01 năm 1989 trên cơ sở hợp nhất các Tiểu đoàn 13 và Tiểu đoàn 47 thuộc mặt trận 479. Truyền thống của Tiểu đoàn Đặc công 60 là sự kế tục truyền thống của các Tiểu đoàn 13 và Tiểu đoàn 47 thuộc Mặt trận 479.
 
Khi mới thành lập, Tiểu đoàn được biên chế 02 đại đội và các trung đội trực thuộc. Theo quyết định số 826/QĐ-TL ngày 06/10/2004 của Tư lệnh Quân khu, Đội Đặc nhiệm 3 chuyên trách Chống khủng bố/Tiểu đoàn Đặc công 60 được thành lập, phát triển biên chế của Tiểu đoàn lên 03 đại đội, 02 trung đội trực thuộc và các bộ phận phục vụ (06/01/2005). Theo Quyết định 2244/QĐ-TM ngày 23/12/2009 của Tổng Tham mưu trưởng “Về tổ chức biên chế Đặc công Quân khu thời bình”. Tiểu đoàn được biên chế 02 đại đội (Đại đội 1 CKB; Đại đội 2 hỗn hợp Đặc công Nước và Đặc công Bộ), 02 trung đội trực thuộc (Trung đội Thông tin; Trung đội Trinh sát) và Bộ phận Tiểu đoàn bộ.
 
            Trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, các lực lượng của Tiểu đoàn đã tham mưu cho cấp trên về công tác sử dụng lực lượng Đặc công trong chiến đấu và trực tiếp tổ chức các mũi bí mật luồn sâu, bám nắm và đánh địch giành thắng lợi. Đơn vị được tặng thưởng 01 Huân chương chiến công Hạng Nhì (Tiểu đoàn 13). Có 01 cá nhân là Anh hùng LLVTND.
 
          Đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu chuyên ngành Đặc công, là lực lượng cơ động bảo vệ các mục tiêu A2, làm nhiệm vụ chống khủng bố của Quân khu và thực hiện các nhiệm vụ khác như phòng chống lụt, bão; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; khắc phục hậu quả thiên tai.
 
                          Từ ngày thành lập đến nay đơn vị luôn được cấp trên đầu tư củng cố cơ sở vật chất, nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập của đơn vị được xây dựng khang trang, cảnh quan môi trường chính quy xanh, sạch, đẹp; Đội ngũ cán bộ trong đơn vị đa số được đào tạo cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong duy trì quản lý, giáo dục và huấn luyện bộ đội. Tập thể cán bộ, chiến sĩ Phát huy truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn” của Binh chủng Đặc công và truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng” của lực lượng vũ trang Quân khu 7. Tập thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 60 có nhiều nỗ lực trong thực hiện phong trào thi đua quyết thắng và đã đạt được những thành tích cao trên tất cả các mặt công tác. 
 
TRUYỀN THỐNG TIỂU ĐOÀN 180 QUÂN KHU 7
(Đơn vị hiện nay đóng quân tại Thành phố Hồ Chí Minh)
                  Tiểu đoàn 180 được thành lập ngày 01 tháng 4 năm 1970, tiền thân từ Đại đội 180 bảo vệ Ban quân sự “R” và Trung ương cục miền Nam sau đó phát triển thành Tiểu đoàn bảo vệ B27, rồi trở thành Trung Đoàn 170, 170A…. Đến ngày 01/4/ 1970, do yêu cầu nhiệm vụ, cấp trên ra quyết định thành lập Tiểu đoàn 180. Để thích ứng với yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ chiến đấu, Tiểu đoàn liên tục được bổ sung quân số, vũ khí trang bị… đến năm 1972 Tiểu đoàn 180 đã phát triển lên thành Đoàn 180.  Sau khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước, Đoàn 180 lại được rút gọn thành Tiểu đoàn 180, tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tư lệnh Quân Khu 7.
                        Chỉ 2 ngày sau khi có quyết định thành lập (tức ngày 03/4/1970), Tiểu đoàn 180 đã được lệnh tham gia chiến đấu. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 1 đại đội bộ binh, 1 trung đội công binh phối hợp với 1 Trung đoàn của Sư đoàn 7 có nhiệm vụ tấn công tiêu diệt địch tại cứ điểm Sa-nun (Campuchia). Các đơn vị này đã hành quân bí mật, nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, nổ súng tiêu diệt 1 trung đội bảo an đang gác Cầu Sông Chiu. Sau đó tiếp tục phát triển đội hình, cơ động lực lượng đánh sập 2 cầu khác là cầu Chàm-Cơm và cầu 39, chặn đứt giao thông, ngăn không cho địch tiếp viện từ Mi-muốt lên Sa-nun. Đây là trận đánh mở đầu, là chiến thắng có ý nghĩa vô cùng to lớn khích lệ, cổ vũ tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 180 ngay sau khi mới được thành lập.
                        Chiến trường miền Đông Nam Bộ ngày càng trở lên khốc liệt, Mỹ-Ngụy liên tục mở các trận càn quét và tung các nhóm biệt kích, thám báo nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của BCH Miền. Do vậy, cơ quan Bộ chỉ huy cũng thường xuyên phải thay đổi địa điểm để tránh bị phát hiện. Để đáp ứng với tình hình nhiệm vụ, Tiểu đoàn 180 cũng thường xuyên liên tục được cấp trên bổ sung quân số, VKTB. Từ 4 đại đội khi mới thành lập đến cuối năm 1972 đã phát triển lên thành 9 đại đội gồm 6 đại đội bộ binh, 1 đại đội trợ chiến, 1 đại đội công binh, 1 đại đội quân y (K28) và có 3 trung đội là thông tin, trinh sát, thồ tải, và 1 phân đội tên lửa phòng không vác vai A72 được biên chế 3 ống phóng. Tiểu đoàn bộ cũng gồm có 3 ban là Tham mưu, chính trị, hậu cần, quân số lên đến 1040 đ/c. Vì vậy mà đến đầu năm 1972 Tiểu đoàn 180 đã phát triển lên thành Đoàn 180.
                        Đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị được trên tăng cường lực lượng gồm một Đại đội bộ binh và một Trung đội súng máy 12,7mm; Đoàn 180 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cao cả là bảo vệ Bộ chỉ huy tiền phương của chiến dịch, trong đó có các đồng chí Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh,…  
                        Cùng với khí thế thần tốc, quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc đang tiến gần đến ngày toàn thắng! Đoàn 180 cũng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh…hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ mà cấp trên giao phó, góp phần cùng với các lực lượng vũ trang làm lên chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước!
                        Trong suốt 10 năm (1979 – 1989) trên chiến trường Campuchia khốc liệt và gian khổ, các đơn vị của Đoàn 180 đã luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí, dũng cảm trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, tuyệt đối không để xảy ra bất ngờ trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, đưa đón thủ trưởng Bộ tư lệnh và các cơ quan trên 2 hướng mặt trận 479 và 779 đảm bảo tuyệt đối an toàn. Bên cạnh đó, các đơn vị còn hoàn thành tốt nhiệm vụ lùng sục, truy quét địch, bảo vệ an toàn hàng ngàn lượt phương tiện chở cán bộ, chiến sĩ, phương tiện chiến đấu từ trong nước sang phục vụ chiến trường.
                        Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Ngoài thực hiện nhiệm vụ thường xuyên là tuần tra, canh gác, kiểm soát quân sự nhằm giữ nghiêm kỷ luật quân đội, bảo vệ tuyệt đối an toàn Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân khu, ngoài ra đơn vị còn làm nhiệm vụ Nghi Thức, Nghi Lễ của Quân đội khu vực phía Nam. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ, chiến sỹ luôn giữ vững nguyên tắc nghiệp vụ, nêu cao cảnh giác, chủ động, mưu trí, sáng tạo, không để xảy ra các trường hợp mất an toàn đối với các mục tiêu được đảm nhiệm. Công tác huấn luyện sãn sàng chiến đấu luôn được tiến hành thường xuyên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Hướng dẫn khách đến thăm và liên hệ công tác với Bộ Tư lệnh và các cơ quan trong Quân khu chu đáo; lực lượng Kiểm soát quân sự dẫn và bảo vệ an toàn các đoàn cán bộ quân sự, nguyên thủ quốc gia trong nước và quốc tế đến thăm và làm việc trên địa bàn quân khu 7, bảo vệ an toàn hàng trăm lượt hội nghị và các sự kiện chính trị- quân sự trên địa bàn; lực lượng Nghi thức phục vụ tốt các nghi lễ Nhà nước và quân đội…
                       Vinh dự cho các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của tiểu đoàn Cảnh vệ 180 ngày 28/2/2012 Tiểu đoàn đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
                     
 
TRUYỀN THỐNG LỮ ĐOÀN PHÁO BINH 75   QUÂN KHU 7
(Đơn vị hiện nay đóng quân ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
 
          Tiền thân là các đơn vị pháo binh miền Đông Nam Bộ, Đoàn U80, Đoàn Pháo binh Biên Hoà, nay là Lữ đoàn Pháo binh 75 - Quân khu 7 được hình thành từ tháng 8 năm 1961, trải qua hơn 50 năm chiến đấu, xây dựng Đoàn Pháo binh Biên Hoà, Lữ đoàn Pháo binh 75 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
 Từ những ngày đầu mới thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy-Bộ Tư lệnh Miền, cán bộ, chiến sĩ Đoàn U80 sau này là Đoàn Pháo binh Biên Hoà luôn thể hiện ý chí chiến đấu ngoan cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, liên tục chiến đấu, lập công xuất sắc trên chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Từ năm 1961 đến năm 1975 Đoàn U80- Đoàn Pháo binh Biên Hòa đã thực hiện 12989 trận đánh độc lập quy mô từ cấp khẩu đội đến cấp Trung đoàn. Đơn vị đã tham gia chiến đấu trong tất cả các chiến dịch do Bộ Tư lệnh Miền tổ chức trên chiến trường Miền Đông Nam Bộ và chiến trường Trung Nam Bộ. Nhiều trận đánh của Đoàn U80- Đoàn Pháo binh Biên Hoà đạt hiệu quả cao, tiêu diệt nhiều sinh lực, trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ-Ngụy, được đánh giá có ý nghĩa chiến lược làm rung động tinh thần của đối phương. Tạo khí thế quyết tâm chiến đấu thi đua diệt địch sôi nổi trong các đơn vị vũ trang giải phóng miền Nam. Đêm 31-10-1964, Đoàn phó U80, đơn vị sử dụng hai khẩu đội cối 82 ly, 2 khẩu đội súng cối 81 ly, 2 khẩu đội ĐKZ và 136 trái đạn bí mật luồn qua các đồn bót, ấp chiến lược của địch, pháo kích sân bay Biên Hoà. làm cho quân Mỹ và quân Ngụy Sài Gòn hoàn toàn bất ngờ và choáng váng. Ngày 12-11-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết bài bình luận về chiến thắng sân bay Biên Hoà và kết thúc bằng 4 câu thơ:
          Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
          Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu
          Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng
          Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.
 
                   Phát huy truyền thống của đơn vị “Đánh giỏi, bắn trúng, đã ra quân là chiến thắng”, đêm 12-5-1967, Đoàn 724 Pháo binh Biên Hoà bắn dồn dập 119 trái ĐKB, 95 viên đạn ĐKZ và 336 viên đạn cối 82 vào sân bay Biên Hoà. Ta tiêu diệt nhiều tên địch, phá huỷ, phá hỏng 150 máy bay địch. Tiếp sau đó, Đoàn Pháo binh Biên Hoà tham gia cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, và đợt hoạt động Xuân-Hè 1969. Khi địch mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Đoàn Pháo binh Biên Hoà đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp chiến đấu đánh bại các cuộc hành quân “Toàn thắng 42”, Đại bàng 270, Toàn thắng-NB71, Chen- la 2 của Mỹ-Ngụy trên vùng biên giới Việt Nam-Campuchia và tại các tỉnh vùng đông-đông bắc Campuchia.
 
           Trong 14 năm xây dựng, chiến đấu Đoàn đã tham gia 12.989 trận đánh lớn, nhỏ. Chỉ tính các trận đánh độc lập, Đoàn Pháo binh Biên Hòa đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 50.661 tên địch ( có 25.000 tên Mỹ và chư hầu, hàng trăm sĩ quan cấp tướng, tá); bắt sống 281 tên; bắn rơi và phá hủy 3.175 máy bay; bắn chìm và bắn cháy 222 tàu xuồng chiến đấu, phá hủy 2.145 xe quân sự, 1.257 khẩu pháo, trên 100 trạm Rađa và giàn tên lửa; bắn sập trên 2.000 sở chỉ huy, lán trại, hầm ngầm, lô cốt; bắn cháy trên 11 triệu lít xăng dầu và 100.000 tấn vũ khí trang bị.
 
 Với thành tích trên Đoàn Pháo binh Biên Hòa 2 lần được trao cờ thưởng luân lưu thi đua “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ Chủ Tịch, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “ Pháo binh giải phóng Miền Nam tài giỏi anh hùng”; được Đảng, Nhà nước tặng 29 Huân chương Quân công; 925 Huân chương Chiến công, 12 tập thể và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (trong đó có 2 tập thể được tuyên dương 2 lần) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
 
           Trong điều kiện tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 75 vẫn giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị, tích cực học tập, huấn luyện nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật nền nếp tác phong chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện về mọi mặt. Nhiều năm liền Lữ đoàn được đánh giá là đơn vị huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Lữ đoàn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của Quân khu. Với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn cách mạng mới, đơn vị đã được Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn pháo binh Biên Hòa – nay là Lữ đòan Pháo binh 75 – quân khu 7 (ngày 22 tháng 2 năm 2010); Phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dâncho Trung đoàn tên lửa ĐKB 724/ Đoàn 69 (Pháo binh Biên Hòa), ngày 22 /11/2011.
 
TRUYỀN THỐNG LỮ ĐOÀN 101 HẢI QUÂN
(Đơn vị hiện nay đóng quân ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)
      Ngày 20/9/1965 Bộ Quốc Phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn 101 thuộc sư đoàn 325c tại xã Xuân Thọ -huyện Triệu Sơn - tỉnh Thanh Hoá. Tiền thân của Lữ đoàn 101 thuộc vùng 5 Hải quân và nay là Lữ đoàn HQĐB 101 Quân Chủng Hải quân.
 
         Trận đầu bước vào chiến dịch tháng 10 năm 1967 Trung đoàn ra quân, được lệnh tấn công vào cao điểm 573 có nhiệm vụ đánh quỵ một Tiểu đoàn Mỹ của Sö  đoàn kỵ binh bay đóng trong cộng sự vững chắc có 10 lớp hàng rào kẽm gai bao bọc. Đây là trận đánh Mỹ và thắng Mỹ đầu tiên của Trung đoàn. Ra quân trận đầu, Trung đoàn được thặng thưởng huân chương chiến công Hạng nhất.
 
            Đựơc lệnh vào Tây nguyên, Trung đoàn được Bộ chỉ huy mặt trận Tây nguyên giao nhiệm vụ vây ép cứ điểm Plây Cần (tháng 5/1968 ) để thu hút Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ tạo điều kiện cho Sư đoàn làm nhiệm vụ ở hướng chủ yếu. Địa hình mới lạ, địch thay đổi luôn, cứ điểm Plây Cần lại là một căn cứ rộng nằm trên trục lộ 18 cách biên giới Lào, án ngữ hành lang của ta dọc đường tiếp tế chiến lược. Suốt một tháng vây ép liên tục, ngày đêm phải chịu đựng với một số lượng bom pháo khổng lồ địch hòng huỷ diệt ta. Cuối cùng Trung đoàn đã giữ vững địa bàn và giành chiến thắng, trong chiến dịch Trung đoàn được Sư đoàn xác nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
          Tháng 12/1969 Trung đoàn được lệnh về chiến trường trọng điểm Bình Định tỉnh An Giang. Địa hình đồng bằng sình lầy, trống trải, có núi cao độc lập, địch chốt giữ xung quanh và là vùng chủ yếu của Quân khu. Địa hình hoàn toàn mới mẻ đối với cán bộ, chiến sỹ toàn Trung đoàn. Nhiệm vụ phức tạp, Trung đoàn phải độc lập đảm nhiệm, được sự giúp đỡ và chỉ đạo của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương. Trung đoàn đã xác định được nhiệm vụ, khẩn trương đua toàn bộ lực lượng về chiến trường đúng thời gian. Vượt kênh Vĩnh Tế một lần không được, phải vượt nhiều lần, chọc nhiều mũi, nhiều hướng. Khẩu hiệu đặt ra lúc bấy giờ cho các đơn vị toàn đoàn là : “ Đánh địch mà đi, diệt địch mà tiến “. Tuy địch giăng thành nhiều tầng, nhiều tuyến, chúng chặn ta bằng mọi thủ đoạn, ngày đêm gài mìn, phục kích bộ binh có Xe Tăng, có tàu xuồng chiến đấu và máy bay thường xuyên tuần tiễu ngày đêm. Nhưng cán bộ, chiến sỹ trong Trung đoàn đã khắc phục vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ. Về đứng chân trên địa bàn bước đầu giành chiến thắng. Đã phá được chiến thuật ngăn chặn phong toả chốt giữ thành nhiều tuyến dầy đặc vùng biên của địch.
 
            Trải qua gần 10 năm tác chiến trên chiến trường Miền nam và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Cam Pu chia, Trung đoàn đã chiến đấu trên 4200 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 52.844 tên Mỹ, Nguỵ Sài gòn và Nguỵ Lon non, bắt sống 3.688 tên địch, bức hàng và gọi hàng 3.000 Nguỵ quân, Nguỵ quyền, tiêu diệt 4 Tiểu đoàn, 12 Trung đội Mỹ; 6 Tiểu đoàn 46 Đại đội Nguỵ Sào gòn; 20 Tiểu đoàn Nguỵ Lon non, thu hồi 271 xe Quân sự; 14.939 khẩu súng các loại, 3.000 tấn đạn, 200 máy thông tin, 830 tấn lương thực, trên 1 triệu lít xăng, 2 tấn thuốc quân y ; Phá huỷ 1.746 xe quân sự, 347 máy bay, 146 pháo cối hạng nặng, hàng chục cầu cống và cắt đứt nhiều đoạn đường giao thông quan trọng của địch. 
 
           Trong những năm đổi mới, nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, Quân đội, Quân chủng và đơn vị. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ động lực lượng, phương tiện chi viện các vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cùng các lực lượng vũ trang trên địa bàn, phòng thủ bảo vệ vững chắc bán đảo Cam Ranh, làm nhiệm vụ A, A2 và các nhiệm vụ khác của Quân chủng, Bộ Quốc phòng. Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
           Trải qua 48 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Lữ đoàn đã vinh dự dược Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Trong Lữ đoàn có 10 tập thể được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và 04 đồng chí được tuyên dương danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác mà Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Chính phủ, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng./.
                                                                                   Bai viết : Nguyễn Xuân Sơn
                                                                                                          BBT.   
           


 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu